Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Quảng Trị: Trẻ con bỏ học đi… mót vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ con tham gia “nhiệt tình” trong những đợt đãi vàng

Sông Đarkrông chảy qua các xã Hồng Vân, Hồng Thủy huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) và xã A Bung huyện Darkrong (Quảng Trị). Thời gian gần đây dòng sông liên tục bị đào xới bởi những người dân trong xã đua nhau đi tìm vàng  sa khoáng. Trẻ con ở đây cũng theo người lớn đi mót vàng mà bỏ cả việc học hành.
Bỏ ruộng vườn đi đãi vàng
Chúng tôi trở lại thượng nguồn sông Đarkrông vào một ngày nắng ấm, con đường rừng đầy bùn, ngổn ngang nhà cửa, vườn tược. Dù cơn bão số 9 từ năm trước đã đi qua thế nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn chưa thể trở lại bình thường như trước đó.
Sáng tinh mơ lúc mặt trời còn chưa tỏ thì cũng là lúc cả làng đổ ra thượng nguồn sông đãi vàng. Người dân trong các thôn A Năm, Ca Kú 1, Ca Kú 2, A Năm (xã Hồng Vân, A Lưới, Thừa Thiên – Huế) không ai bảo ai cứ người lớn dắt trẻ nhỏ đi trước, người già theo sau, bao nhiêu con người thì có bấy nhiều cái mâm để đi đãi vàng. Người đi đãi rủ nhau theo đoàn đông  như “trẩy hội” với mong ước đãi được vàng để đổi đời.
Trong khi chính quyền xã đang hết sức lo lắng tìm mọi cách để khắc phục hậu quả cơn bão, ổn định cuộc sống thì bà con nơi đây lại nghe tin đồn ở “Thượng nguồn sông Đarkrông có vàng sa khoáng” thế là rồng rắn kéo nhau đi đãi vàng. 
“Nhà cửa sập hết, ngô, lúa, nương rẫy đều bị lũ cuốn đi hết, chừ phải đi đãi vàng để kiếm sống thôi. Không có chi ăn cả, thì làm răng mà đi rẫy đi nương được” – chị Hồ Thị Liên (người Pakoh, thôn A Năm) nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trên khúc sông dài 1km có hàng trăm con người lớn nhỏ tay bưng, tay bê, hết xốc, bới, đãi, đào lại hò hét làm huyên náo cả một góc rừng.
Bỏ học đi mót vàng    

Mong tìm thấy vàng trong cái mâm này để mang về cho mẹ mua gạo, mua sách vở, mua quần áo đẹp nên em đã bất chấp cái mâm có nặng đến bao nhiêu

“Mẹ nói dưới sông có vàng, có thể bán để lấy tiền mua rất nhiều gạo, nhiều sách vở, nhiều quần áo đẹp lắm. “Nhưng ba anh em con đãi ở đây gần cả tháng trời mà chưa thấy hạt vàng mô chú nà”, A Viết Lượng (10 tuổi, người Cơ Tu) hồn nhiên nói. Ở khúc sông này, những đứa trẻ ở độ tuổi như Lượng có tới vài chục đứa. Xúc đất đá xuống nước đãi đãi, không có hạt vàng nào, lại chạy lên bới đống đất khác… Công việc suốt cả ngày chỉ là đào, xới, đãi và đào nhưng chưa đứa trẻ nào được một lần đãi được vàng!     
Sông Đarkrông mùa này nước chảy xiết, sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đãi vàng ở đây rất nguy hiểm, điều này ai cũng biết vậy nhưng vì vàng nên họ bất chấp tất cả. Dọc hai bờ sông khúc nào cũng thấy bóng dáng của những đứa trẻ ngoi lên ngụp xuống. Công việc nặng nhọc nhưng ai nấy đều làm việc say sưa.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: “Mặc dù xã đã cử từng đồng chí cán bộ xuống tận các hộ gia đình để tuyên truyền bà con chăm lo xây dựng cuộc sống, thế nhưng bà con vẫn không nghe. Không biết người dân nghe tin đồn có vàng ở đâu mà kéo nhau đi bỏ cả nương rẫy. Nhiều gia đình bố mẹ còn bắt cả con cái bỏ học để đi đào vàng, do vậy tình trạng trẻ em bỏ học đi đào vàng đang là vấn đề nhức nhối hiện nay của chính quyền.
Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và phối hợp với huyện, các đơn vị vũ trang cố gắng vận động bà con về sửa lại nhà cửa sớm trở lại với cuộc sống thường ngày và tiếp tục đi vào sản xuất kinh tế”.
NGÔ TOÀN – MẠNH PHAN

Bình luận (0)