Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trung Quốc: Thêm suất học đại học dành cho học sinh vùng khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Tỉ lệ đầu tư giáo dục tại miền Trung và miền Tây Trung Quốc tăng mạnh

Các học sinh trung học ở khu vực miền Trung và miền Tây còn chậm phát triển của Trung Quốc sẽ có một cơ hội tốt hơn để được vào các trường đại học trong năm nay.
Bộ Giáo dục vừa công bố các chính sách tuyển sinh ưu đãi mới để giúp đỡ và thúc đẩy nền giáo dục ở các khu vực này, cũng như để thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa hai phía đông-tây Trung Quốc bằng những chỉ tiêu mới thu hút thêm sinh viên từ khu vực miền Trung và miền Tây để được chấp nhận vào các trường đại học.
Tổng số lượng sinh viên được tuyển cho học kỳ mùa thu sắp tới từ khu vực miền Trung sẽ tăng thêm 6,5%, trong khi đó khu vực miền Tây sẽ chứng kiến một sự nhảy vọt lên đến 7,3%, cả hai đều cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 5% của cả nước, theo một thông cáo báo chí trên trang web của Bộ Giáo dục.
Dân số khu vực miền Trung và miền Tây của Trung Quốc chiếm gần 30% trong tổng số 1,3 tỷ dân của đất nước này. Hai khu vực này cũng là nơi cư trú của hầu hết các dân tộc thiểu số Trung Quốc, bao gồm người Tây Tạng, người Nội Mông và người Uygurs.
Do lịch sử kém phát triển kinh tế, vị trí địa lý quá phức tạp cũng như các điều kiện sống khắc nghiệt, chất lượng giáo dục ở các vùng này đã tụt hậu so với khu vực phía đông giàu có. Kết quả là học sinh có ít cơ hội tiếp cận nền giáo dục đại học hơn.
Mười bốn tỉnh có nguồn lực giáo dục tốt hơn sẽ cung cấp 60.000 suất học đại học cho các học sinh ở sáu tỉnh kém phát triển, chẳng hạn như An Huy, Hà Nam và Quý Châu.
Một số trường đại học hàng đầu trực thuộc Bộ sẽ tuyển thêm nhiều sinh viên đến từ khu vực miền Tây, nhiều hơn 2,7% so với năm ngoái. Các trường cũng sẽ cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở những thành phố có các trường nằm trên địa bàn và dành ra 40.000 suất học đó cho các sinh viên đến từ các tỉnh miền Trung và miền Tây.
Ngoài ra, sáu trường đại học khác sẽ đào tạo miễn phí cho hơn 7.000 giáo viên tương lai, đổi lại họ phải cam kết sẽ trở về quê nhà và dạy học tối thiểu ba năm.
Khoảng 10,2 triệu học sinh trung học đã tham gia kỳ thi đại học và cao đẳng hàng năm vào đầu tháng sáu. Gần hai phần ba có thể thực hiện thành công ước mơ vào các trường đại học và cao đẳng nhờ vào sự mở rộng của hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc từ năm 1999.
Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất, các vùng phía tây vẫn còn là khu vực nghèo nhất đất nước. “Thách thức chính đối với hệ thống giáo dục Trung Quốc là nền giáo dục công bằng, đặc biệt là trong việc phân bổ các nguồn lực giáo dục cho các vùng phía tây và phía đông Trung Quốc”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Hao Ping phát biểu với tờ China Daily tuần qua tại Hội nghị bàn tròn về Giáo dục Quốc tế tại Singapore. Theo ông, ngành giáo dục khu vực phía tây ít được đầu tư về trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên. “Chúng tôi phải đảm bảo các sinh viên ở đó có quyền thụ hưởng ngang bằng về chất lượng giáo dục,” ông Hao nhấn mạnh.
Hơn 10 năm qua, Trung ương và chính quyền địa phương đã đổ hơn 20 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3 tỷ USD) vào chương trình 9 năm phổ cập giáo dục ở phía tây Trung Quốc. Đến cuối năm 2007, dự án giáo dục miễn phí đã trải khắp toàn bộ khu vực. Nhưng việc thiếu hụt giáo viên có chuyên môn và cơ sở vật chất dạy học đã dẫn đến chất lượng giáo dục thấp, tỷ lệ bỏ học cao ở các trường phổ thông cơ sở và tỷ lệ học sinh đậu đại học thấp. Bên cạnh đó, hầu hết các sinh viên khu vực phía tây Trung Quốc khi tốt nghiệp đại học đều không muốn trở về quê nhà bởi các điều kiện làm việc khắc nghiệt tại đây.
Các chuyên gia đề nghị Chính phủ nên đầu tư hơn nữa vào trường học ở các vùng kém phát triển cũng như thăm dò các kênh tài chính khác để giúp các khu vực miền Trung và miền Tây. Giáo sư Ji Zhilai Trường đại học Xian Yang tỉnh Shaanxi nói: “Nên thành lập một quỹ giáo dục đặc biệt cho các nhóm dân tộc thiểu số để trao thưởng cho những ai có đóng góp lớn lao về mặt này”.
Ngân Du
 (Theo China Daily)

Bình luận (0)