Lớp học 70 trẻ tại điểm lẻ Bắc Phong 1, trường MN Liên Phong (Tiên Lãng – Hải Phòng) |
Chúng tôi đến thăm điểm chính Trường mầm non Liên Phong (xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) trong một ngày trời mưa tầm tã. Sân trường rộng càng trở nên trống trải, ảm đạm hơn khi không có lấy một bóng cây, không có lấy một thứ đồ chơi ngoài trời và nền sân trơn nhẫy đã bị mưa làm cho lầy lội. Mặt sân chỉ có một phần được lát gạch, loại gạch người ta vẫn dùng để xây nhà và lát ngõ trong các làng quê thời trước, vì quá lâu nên đã xuống cấp gồ ghề, lồi lõm.
Phần còn lại vẫn là nền đất bị cỏ mọc phủ kín. Một mặt tường vây của trường đã bị thời gian làm cho sập gẫy, chỉ còn lại đoạn chiều cao không quá 80 phân.
Chẳng nói gì đến khi trời mưa, kể cả khi thời tiết ưu ái nhất, các cô chắc chắn cũng không thể yên tâm cho học sinh của mình thoải mái chơi đùa ngoài trời trong điều kiện như thế này. Quả là thiệt thòi cho các em khi khoảng sân rộng lẽ ra là niềm mong ước của các trường mầm non thì ở đây lại trở thành nơi nguy hiểm rình rập trẻ.
Trước khi trở thành đất của nhà trường, nơi đây vốn là khu vực nhà văn hoá. Theo lời cô Nguyễn Thị Chát, hiệu trưởng nhà trường thì điểm chính này đã là nơi khang trang nhất vậy mà toàn bộ tài sản cũng chỉ là 3 phòng học. Văn phòng trường chưa có, bếp ăn cũng không, tất cả đều là phòng mượn hoặc tận dụng. Nhà kho cũ của thôn vốn dùng để chứa phân đạm, thuốc sâu nay được ngăn tạm ra làm hai, một nửa vẫn chứa đồ còn một nửa cho nhà trường mượn làm văn phòng. Các cô giáo ở đây không thể quên được những ngày đầu chuyển đến văn phòng mới vì mùi thuốc sâu, phân lân nồng nặc. Đáng sợ nhất là những ngày khô hanh, từng lớp bụi trắng rộp lên đầy nền nhà, sau phải dùng bạt nhựa phủ lên mới đỡ. Thế nhưng, mùi thì khó có thể hết được vì ngay sát cạnh vẫn dùng để chứa phân đạm. Bếp ăn của trường cũng được tận dụng từ nhà kho cũ của hợp tác xã ngày xưa, diện tích chỉ hơn 10 m vuông nên không thể đảm bảo tiêu chuẩn bếp ăn một chiều theo đúng quy định. Cái đáng sợ nữa là gian bếp lại nằm liền kề với nhà để xe tang của thôn và cũng chỉ cách nhà chứa lân đạm một khoảng sân. Làm sao có thể đảm bảo vệ sinh và an toàn cho bữa ăn của các cháu trong một điều kiện như thế!
Trường mầm non Liên Phong hiện có 238 học sinh học tại 1 khu chính và 4 điểm lẻ, trong đó khó khăn nhất là điểm lẻ Nam Phong 2 và Bắc Phong 1. Điểm lẻ Nam Phong 2 gồm 1 lớp nhà trẻ và 2 lớp mẫu giáo. Lớp nhà trẻ sử dụng nhờ phòng của nhà y tế thôn. Vì để xây để làm nhà y tế nên 2 phòng có cửa thông sang nhau, mỗi phòng chỉ rộng vỏn vẹn 6m vuông được sử dụng làm lớp học cho 20 cháu. Cô giáo dạy ở đây cho biết, diện tích phòng học quá chật chội, học sinh học mà cứ như bị “đóng đinh” trong phòng, vào mùa hè thì dù chạy quạt hết công suất vẫn nóng khủng khiếp. Đó là chưa kể, khu lớp học này không có nhà vệ sinh, các cháu có nhu cầu thì đi vào bô, sau đó các cô đem đi đổ khiến giáo viên càng thêm vất vả. Diện tích không chật hẹp như Nam Phong 2, nhưng điểm lẻ Bắc Phong 1 lại khiến người ta trăn trở bởi tình trạng quá tải học sinh, phòng học xuống cấp và cơ sở vật chất thiếu thốn. Hiện thời, Bắc Phong I chỉ có một phòng học nhưng lại chen chúc 70 học sinh với 2 cô giáo quản lý lớp. Các em nhỏ thì vẫn vô tư chơi đùa trong khi cô giáo và phụ huynh luôn trong tình trạng lo ngay ngáy, không biết trần nhà sẽ sập lúc nào. Quả thật, quan sát trần nhà đã tróc vữa gần hết, tôi thấy khâm phục sự dũng cảm của hai cô giáo và những phụ huynh đang gửi con tại đây.
Mầm non Liên Phong là một trong 24 trường mầm non dân lập của huyện Tiên Lãng (trước là trường bán công) và cũng là một điểm khó khăn tiêu biểu của huyện. Tiên Lãng hiện là một trong những điểm nóng nhất của giáo dục mầm non Hải Phòng. Quá nửa trong tổng số 246 phòng học mầm non trong huyện vẫn là nhà cấp 4, đa số vẫn phải tu sửa hàng năm. Cả huyện mới có 32 phòng học mầm non đạt chuẩn; 111/246 lớp có phòng về sinh đạt tiêu chuẩn như quy định trong điều lệ; số trường có phòng làm việc cho giáo viên không nhiều, nhân viên y tế hầu hết là kiêm nhiệm. Mặc dù trường nào trong huyện cũng có bếp ăn nhưng số bếp ăn đạt tiêu chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện, 4 phòng học nhờ tại nhà văn hóa thôn trong toàn huyện chủ yếu là nhà trẻ nhưng công trình vệ sinh và tường bao để đảm bảo an toàn cho trẻ đều chưa có. Ngoài những khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, đời sống giáo viên cũng là nỗi trăn trở của bậc học mầm non Tiên Lãng. Toàn huyện hiện có 547 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó chỉ có 87 biên chế và 11 trường hợp hợp đồng được hưởng lương ngân sách, còn lại 443 người là hợp đồng trường. Với mức thu nhập bình quân chỉ khoảng 500 ngàn đồng mỗi tháng, thời gian làm việc trung bình 12 tiếng trên ngày không cho phép có cơ hội làm thêm, những giáo viên mầm non trong huyện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và áp lực khi theo nghề. Tuy nhiên, theo như lời của chị Hoàng Thị Hương, chuyên viên mầm non của Phòng Giáo dục huyện, hầu hết các cô đều yêu nghề, mến trẻ, nhiệt tình với công việc, thể hiện ở số người bỏ nghề rất ít.
Với mức sống khó khăn ở một huyện nghèo như Tiên Lãng hiện nay, việc chuyển đổi mô hình từ bán công sang dân lập đã đặt giáo dục mầm non nơi này trước một thử thách. Mặc cảm “con nuôi” (trường dân lập) với “con đẻ” (trường công lập) thấy rõ trong câu chuyện với các giáo viên mầm non đang giảng dạy tại đây. Ông Đào Quang Chính – Phó trưởng phòng giáo dục huyện Tiên Lãng cho biết, giáo dục mầm non Tiên Lãng nói riêng và giáo dục mầm non các vùng kinh tế khó khăn của Hải Phòng nói chung đang mong chờ một sự thay đổi từ Đề án "Phát triển giáo dục MN Hải Phòng đến năm 2015" của Sở GD&ĐT. Theo đề án này, sẽ chuyển tất cả các trường mầm non sang mô hình công lập tự chủ tài chính một phần hoặc toàn phần trên cơ sở thay đổi cách phân bổ ngân sách chi cho giáo dục mầm non, bằng cách: Xây dựng định mức chi trên đầu trẻ trong độ tuổi phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của từng khu vực, đồng thời xây dựng cơ chế hợp lý về mức thu học phí trên nguyên tắc thu đủ bù chi. Tuy nhiên, Đề án trên có được phê duyệt và khả thi hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và việc triển khai chắc chắn sẽ không phải một sớm một chiều.
Nguyễn Nhung (GD&TĐ)
Bình luận (0)