Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

7 người bị tạm giữ trong vụ tàu hỏa húc ôtô trên cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Lái tàu và trưởng tàu cùng tổ gác chắn 5 người trên cầu Ghềnh đã bị cảnh sát tạm giữ sau vụ tàu hỏa đâm hàng loạt ôtô làm 2 người chết, 24 người bị thương. Hiện, VN là nước duy nhất trên thế giới cùng cho tàu hỏa và ôtô lưu thông trên một phần đường.

Theo biên bản ghi nhận ban đầu của cảnh sát, nguyên nhân xảy ra tai nạn nghiêm trọng trên là do nhân viên gác tàu chắn 3 và 4 thiếu trách nhiệm trong điều khiển đèn tín hiệu, để phương tiện lưu thông vào lòng cầu Ghềnh khi tàu đi qua.

Theo đó, khoảng 8h tối 6/2, tại km 1760 (phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa), tàu D19E do lái tàu Nguyễn Văn Túy (sinh 1968) chạy trên cầu Ghềnh thì đâm vào một loạt ôtô đang lưu thông chiều ngược lại. Ông Trần Ngọc Khải (sinh 1962) cùng con trai Trần Quang Tuấn (sinh 1991) tử nạn tại chỗ. 1 xe tải, 3 xe 4 chỗ cùng 2 taxi bị húc bẹp nát. Hiện, số người bị thương được cảnh sát ghi nhận lên đến con số 24.

Một trong 6 ôtô bị hư hỏng nặng sau vụ tai nạn. Ảnh: Ho Phuong.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Công ty thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn cho VnExpress biết, theo lời khai ban đầu của lái tàu Nguyễn Văn Túy và trưởng tàu Đinh Ngọc Sơn với cơ quan công an, khi đến km 1760, lái tàu thấy đèn tín hiệu màu xanh cho phép đoàn tàu được lưu thông. Nhưng ngay sau đó, anh Túy thấy trước mặt rất nhiều ôtô, cách đó khoảng 200 m. Lái tàu lập tức xử lý bằng cách hãm phanh khẩn cấp nhưng sự cố vẫn xảy ra.

Cũng theo ông Hòa, tín hiệu đường sắt thuộc khu vực này vẫn hoạt động tốt nên nhiều khả năng nguyên nhân tai nạn là do nhân viên gác chắn đã chủ quan.

Ông cho hay về nguyên tắc khi tàu sắp đến, nhân viên phía dưới phải hạ gác chắn để đảm bảo an toàn. Nếu có sự cố trên đường thì phải phát tín hiệu cảnh báo kịp thời. "Đây là trường hợp hy hữu khi cả tàu và ôtô cùng lưu thông", ông nói.

"Bước đầu nhân viên gác chắn nói đã làm đúng thao tác nghiệp vụ, tài xế tàu hỏa lại nói vẫn nhìn thấy tín hiệu cho phép thông tàu qua cầu. Vì thế nguyên nhân chính xác phải chờ cơ quan công an.".

Ông Đoàn Quang Tuấn, Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn cũng chung nhận định trên. "Sáng nay, cơ quan chức năng đã áp đầu máy về xí nghiệp để kiểm tra lại tốc độ, giám định thiệt hại để phục vụ điều tra", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Thảo – tổ trưởng tổ phòng vệ cầu chắn khi trao đổi với cơ quan điều tra lại cho rằng, tín hiệu tại km 1760 tại thời điểm xảy ra tai nạn đã không hoạt động.

Trung tá Đinh Văn Đỗ – Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai cho VnExpress hay, ngay trong đêm tai nạn, đã thành lập chuyên án đặc biệt để làm rõ nguyên nhân và đưa người bị nạn đi cấp cứu, giải phóng hiện trường.

Trao đổi với VnExpress sáng nay, ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông của Đường sắt Việt Nam, cho biết: "Hiện chưa thể kết luận được chính xác nguyên nhân gây tai nạn. Chúng tôi đang phối hợp tích cực với cơ quan công an để làm rõ tại sao tàu vẫn đi vào đường đang có ôtô, xe máy lưu thông".

Theo lãnh đạo Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn, anh Túy tài xế và anh Phú phụ lái tàu SE2 đều là nhân viên lâu năm. "Tổ lái nói đã phán đoán kịp thời, nhưng không thể dừng vì với đoàn tàu 14 toa, tương đương 600 tấn, muốn dừng được phải cách xa vật cản ít nhất 300 m", ông Bình nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, cầu Ghềnh còn gọi là cầu Đồng Nai 1 dài chừng 700 m, bình thường chỉ cho phép ôtô lưu thông một chiều theo hướng Bắc – Nam, nhưng khi xảy ra tai nạn, ngoài 5 ôtô từ Bắc vào còn có một ôtô từ Nam ra.

"Tình trạng ách tắc hay dù đã gác chắn, nhưng vẫn có xe lưu thông trên cầu Ghềnh vẫn thường xảy ra. Cách đây hơn một tháng, chúng tôi đã có văn bản gửi cơ quan chức năng phản ánh tình trạng trên", vị lãnh đạo này nói.

Sáng nay Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, đơn vị được Đường sắt Việt Nam ủy quyền, đã đến thăm hỏi các nạn nhân. Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông của ngành, số người chết là 2, số nạn nhân đang còn nằm viện là 15.

Ngành đường sắt đã tổ chức thăm viếng và hỗ trợ bước đầu gia đình có người bị nạn 5 triệu đồng, gia đình có người bị thương một triệu đồng.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông của Đường sắt Việt Nam, cho biết Việt Nam là nơi duy nhất trên thế giới cùng cho tàu hỏa và ôtô lưu thông trên một phần đường.

Ngoài cầu Ghềnh, hiện Việt Nam còn có cầu Tam Bạc (Hải Phòng), cầu Phố Lu (Lào Cai), cầu Phú Lương (Hải Dương) và cầu ở khu Tháp Chàm (Bình Thuận) còn có tình trạng tương tự. Đây phần lớn là cầu do Pháp xây dựng, đã xuống cấp.

Vũ Mai – Đức Quang – Hồng Khánh (Theo VNE)

Bình luận (0)