Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Những cây cầu… hồi hộp: Bài 1: Mối đe dọa trên cầu 40 năm tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cầu Rạch Đỉa 1, một trong 4 cây cầu sắt trên 40 năm tuổi có nguy cơ sập bất cứ lúc nào
Tốc độ đô thị hóa nhanh, cầu đường ở các quận, huyện TP.HCM đã được nâng cấp, xây mới nhưng tại huyện Nhà Bè vẫn còn tồn tại nhiều cầu cũ lớn nhỏ, trong đó có bốn cây cầu sắt trên 40 năm tuổi.
Cầu có thể sập bất cứ lúc nào. Tính mạng của người dân, trong đó có hàng ngàn học sinh của các trường đóng trên địa bàn bị đe dọa từ nhiều năm nay.
Qua cầu là… run
Đó là cầu Rạch Đỉa 1 (nối P.Tân Hưng, Q.7 và xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè); cầu Long Kiển (nối xã Phước Kiển và xã Nhơn Đức); cầu Rạch Tôm (xã Nhơn Đức) và cầu Rạch Dơi (nối xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè và xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Bốn cây cầu này đều nằm trên đường Lê Văn Lương, có chiều dài khoảng 6km.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường Lê Văn Lương trước là hương lộ 34, vốn là một con đường đất chạy giữa hai bên là kênh rạch chằng chịt, dừa nước mọc um tùm. Ông Lê Văn Cư (65 tuổi), ngụ ấp 3, xã Phước Kiển cho hay, trước đây cầu kiên cố lắm, xe qua lại không hề bị rung, lắc như bây giờ. Thỉnh thoảng đơn vị quản lý đặt biển thông báo tạm dừng lưu thông để sửa chữa nhưng cũng chỉ “vá” những tấm sắt bị thủng. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các thanh sắt trong kết cấu của cả bốn cây cầu đã có dấu hiệu gỉ sét, nhất là những đoạn tiếp với đất và nước. “Vào ngày mưa, xe lên cầu bị trượt bánh hoài. Mỗi lần có việc qua lại cầu là run. Chỉ cần một chiếc xe buýt nhỏ và vài chiếc xe máy đi qua thì cầu đã rung rung”, anh Nguyễn Văn Hải, người mới về đây sống từ năm 2011 nói.
Mặc dù đường Lê Văn Lương đã được mở rộng, nâng cấp từ nhiều năm nay nhưng tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm vẫn thường xuyên xảy ra. “Muốn không bị kẹt xe thì phải đi trước 6 giờ 30 hoặc sau 7 giờ 30. Phần vì người qua lại đông, phần vì cầu hẹp lại phải tránh xe lớn đi chiều ngược lại”, anh Hải tiếp. Những năm gần đây, địa bàn 3 xã Nhơn Đức, Phước Kiển và Phước Lộc tốc độ đô thị hóa nhanh, dân lao động nhập cư tăng chóng mặt. Các con đường như Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Bình… cũng đã mở rộng, lưu thông dễ dàng đến trung tâm hành chính huyện Nhà Bè và Q.7 nên mật độ xe cộ lưu thông rất cao. Mặt khác, ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế… là nguyên nhân xảy ra ùn tắc giao thông.
Theo người dân địa phương, tình hình giao thông tại các điểm cầu gần đây đã chuyển biến rõ rệt. Ông Cư nói: “Vài năm trước, 2 xe buýt hay xe tải nhỏ đi ngược chiều “đụng” nhau giữa cầu là chuyện bình thường vì bị khuất bởi độ dốc. Cảnh cãi vã, thậm chí đánh nhau vì không ai chịu nhường đường xảy ra như cơm bữa. Bây giờ đỡ rồi, bên này cầu đèn đỏ thì đầu bên kia là đèn xanh. Nhân viên gác cầu cũng đỡ cực hơn. Hồi đó, nhân viên phải đứng cả ngày ở giữa cầu, hễ thấy xe bên nào lên cầu thì dùng cờ phất báo hiệu cho bên còn lại nhường đường”.
Nỗi lo sập cầu
Trước tình trạng xuống cấp của các cây cầu này, rất mong đơn vị quản lý sớm có kế hoạch đại tu để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 
Sau một hồi trò chuyện, giọng ông Cư chùng xuống: “Chúng tôi rất lo ngại về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của các cây cầu. Nó có thể sập bất cứ lúc nào, tuổi thọ của nó đã hơn quá nửa đời người rồi còn gì”.
Theo người dân địa phương, từ nhiều năm nay đã hoàn tất giải tỏa để phục vụ việc mở rộng đường, xây cầu mới nhưng vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó “bệnh” của những cây cầu này ngày càng nặng hơn. Đường Lê Văn Lương cũng là con đường tập trung nhiều trường học như Mầm non Hoa Quỳnh, Họa Mi… Trường Tiểu học Lê Quang Định, Lê Văn Lương, THCS Nguyễn Văn Quỳ, THPT Phước Kiển (góc ngã ba đường Đào Sư Tích – Lê Văn Lương)… mỗi ngày có hàng ngàn học sinh qua lại cầu. “Tính mạng học sinh đang bị đe dọa”, ông Cư lo lắng. Theo phản ánh của người dân, bốn cây cầu này đã yếu lại càng yếu hơn khi phải “gánh” thêm trọng lượng của hai đường ống dẫn nước sạch. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, hai đường ống này cặp trên những thanh sắt ngang đã có dấu hiệu hư hỏng, lớp sơn bên ngoài đã bong tróc, sắt bên trong đã gỉ. Ở mỗi đầu cầu đều có biển báo cấm các phương tiện có tải trọng lớn qua cầu nhưng mỗi ngày vẫn còn không ít phương tiện bất chấp quy định khiến cầu đã yếu lại càng yếu hơn.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Chỉ là phương án tạm thời
Ông Trương Hữu Thuận, cán bộ kỹ thuật Công ty Công trình cầu phà TP.HCM (đơn vị quản lý) bốn cây cầu này cho biết cầu đã được làm từ trên 40 năm nay. Ở mỗi cầu đều có nhân viên túc trực 24/24 vừa làm nhiệm vụ điều tiết giao thông, kiểm tra kỹ thuật thường xuyên. Khi phát hiện cầu có dấu hiệu hỏng hóc, yếu thì báo với công ty để lên phương án duy tu, sửa chữa ngay.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)