Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Teen với chứng buồn vui thất thường

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Vẫn biết vui buồn là cảm xúc rất đỗi bình thường của con người, nhưng đôi khi cách thể hiện cảm xúc một cách “quá khích” của nhiều teen lại gây ra nhiều phiền toái.

Khi cảm xúc biến thành phiền phức

“Tao buồn quá, tao chết mất” là câu nói thường xuyên nhất mà Thái Hà (18 tuổi, trường NG) hay than thở mỗi khi cô đang có chuyện buồn. Không biết trái tim Hà nhạy cảm và yếu đuối đến chừng nào, hoặc những sự việc xảy ra với Hà “dã man” ra sao, nhưng cái cách cô “trải lòng mình” khi buồn đều khiến bạn bè phải sợ thực sự. Sợ nhất là một đêm khuya khoắt mà Hà cảm thấy buồn, không nói chuyện cùng thì cô cho là bạn bỏ rơi, lại khóc, còn nếu “trót dại” mà lắng nghe, y như rằng mất cả đêm và cả ngày hôm sau nữa để Hà kể lể.

Lần chia tay anh người yêu 2 năm, Hà để status trong YM cả ngày lẫn đêm là “Muốn chết! Sẽ chết!”, bạn bè hốt hoảng vào hỏi thăm tấp nập. 3 ngày sau, vẫn thấy Hà “đau đớn tưởng chết đi được”, gọi điện đến cháy máy cho tất cả bạn bè, người thân để tâm sự và khóc lóc. Khổ nỗi là ngày đầu tiên, mọi người còn thương và thông cảm, sang ngày thứ 2, thứ 3, câu chuyện vẫn chỉ là “Tao đau khổ quá” đã khiến ai cũng phát chán và mệt, trong khi Hà liên tục điện thoại, đòi gặp bạn bè đến chia sẻ, ai không đến được thế nào cũng nhận “bom tin nhắn” tâm sự. Chi, bạn của Hà nhận đúng 40 cái tin đầy tuyệt vọng, than vãn lại cuộc tình đau khổ chỉ trong… nửa ngày.

Kể cả không có việc gì nghiêm trọng, chỉ là nặng nhẹ với em gái, hoặc bài cộng tác gửi lên các báo không được đăng mà Hà cũng sẵn sàng buồn tới mấy ngày. Cô buồn thì chả sao, mỗi tội toàn “làm tình làm tội” bạn đến là khổ. Cô nhắn tin cho từng đứa bạn bắt họ phải… thông cảm. Lên chat mà “vớ” được đứa nào đang online, Hà cứ thế kể lể hàng trăm dòng, kể cả người chat cùng có nản quá mà không trả lời cũng được. Bạn bè từ đấy bảo nhau rằng không bao giờ “dây” vào Hà nữa, kẻo cô lại lên “cơn buồn” thì mệt lắm!

Buồn quá thì cần người chia sẻ đã đành, đây vui quá cũng khiến người khác “sợ” như B.Minh (cựu học sinh LTV) thì đúng là… hết cách. Bạn cùng lớp vốn quý Minh vì tình xởi lởi, nhiệt tình. Nhưng cũng không ít đứa bảo Minh chả khác gì “điên”, bởi mỗi lần có chuyện gì vui là Minh sẵn sàng chia sẻ kiểu rất khác người.

Được bố đi công tác mua tặng chiếc điện thoại mới, Minh sướng gần như phát “rồ” lên. Mang tới lớp khoe chưa đủ, vớ được ai là Minh bắt người ta đứng yên để cô kể về sự tích cái điện thoại ấy, về chức năng của nó, rồi cứ rú ầm lên “Thích quá thích quá!”. Thậm chí nếu sướng quá, Minh sẵn sàng nhảy lên ôm chầm lấy người đối diện rồi cứ thế vỗ bồm bộp vào vai hay cánh tay của bạn để thể hiện là mình đang… vui lắm. Tối hôm ấy y như rằng bạn bè “lĩnh đủ”, từ máy cố định, tin nhắn, rồi đến blog và chat. Nhiều bạn vì nể, đành phải ngồi nghe Minh thuyết trình.

Đi học được điểm cao là chuyện bình thường nếu bạn cố gắng, thế nhưng mỗi lần được điểm 9, 10, dường như với Minh đó trở thành sự kiện. Cô mang ngay bài về khoe bố mẹ, khoe ông bà và gọi điện sang tận… Anh để khoe chị ruột đang du học. Mỗi lần gọi thế tốn của gia đình không biết bao tiền, nhưng nếu hôm ấy không làm ầm nhà lên vì “sự kiện điểm 9”, có lẽ Minh không chịu nổi. Mẹ đang làm bếp cũng bị Minh kéo ra nói mãi về phương pháp học tuyệt vời để có điểm cao, bố đang làm việc cũng đến đau đầu vì cả buổi tối toàn thấy giọng Minh oang oang cả 3 tầng nhà.

Đã từng được nhắc nhở về cách kiềm chế cảm xúc của mình, nhưng Minh vẫn lắc đầu: “Tính tớ thế rồi, chuyện gì vui mà không chia sẻ với tất cả mọi người thì không chịu được!”.

Bị cô lập vì chia sẻ quá mức

Mỗi khi bạn có niềm vui, người thân hay bạn bè sẽ vui mừng chia sẻ, chúc mừng may mắn của bạn. Và khi không may gặp phải chuyện buồn, họ cũng sẵn sàng đồng cảm, lắng nghe giúp bạn vơi đi nỗi đau. Đó là những chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống. Thế nhưng khi thể hiện cảm xúc đi quá đà, thay vì thông cảm và chia sẻ, bạn bè chỉ muốn tránh càng xa bạn càng tốt.

Không chỉ các nàng mới có kiểu chia sẻ “kì dị” này, con trai đôi lúc cũng bị “mắc bệnh” mà không sao chữa nổi. Hưng tuy nóng tính, lại hay gây gổ đánh nhau với thành phần “bất hảo” ngoài trường nhưng ở lớp cậu lại tỏ ra rất “nghĩa hiệp”, mỗi khi lớp tổ chức hoạt động gì đều không thiếu mặt Hưng. Cậu sẽ được bạn bè rất yêu mến, nếu như không có những lần cậu gặp chuyện bực tức, khó chịu trong người. Và thế là “giận cá chém thớt”, gặp được ai Hưng trút giận bằng sạch.

Hôm nào gặp chuyện bực mình, Hưng sẵn sàng chửi bới bất cứ ai thấy “ngứa mắt”. Ai hỏi thăm Hưng “nhầm” vào lúc ấy thì xác định nghe 1 bài chửi, hoặc “Tao đang điên đấy, làm sao?”, nhưng nếu ai không nghe Hưng “giãi bày” nỗi bực tức, cậu cũng có cớ để chửi: “Thích không nghe à?” (!??). Mỗi khi nóng giận, Hưng đánh mất hết bản chất “nghĩa hiệp” bình thường mà gặp ai cũng gây sự, chửi bằng ngôn từ chợ búa. Không thể kiểm soát được cảm xúc của mình, dần dần bạn bè sợ mà tránh xa Hưng, chả ai dại “dây” vào để nghe chửi.

Giờ thì cả Thái Hà, Minh và Hưng đều bị bạn bè xa lánh, ngay cả bố mẹ của Minh cũng thấy đau đầu chóng mặt mỗi khi con gái đạt điểm cao. Không xử lý được vấn đề của mình thì còn thông cảm được, chứ bày tỏ quá mức cảm xúc khiến mọi người phải chạy xa như thế này thì sợ quá!

                                                                                                                            Theo Kênh14

 

Bình luận (0)