“Khôn lỏi” (khẩu ngữ): khôn vặt, làm lợi cho mình một cách ích kỉ (từ điển Tiếng Việt) – đó là từ chẳng ai muốn đón nhận khi người khác nói về mình. Dẫu biết “khôn lỏi” là chẳng hay ho gì, nhưng trên không ít teen mắc tật này.
1. Hôm đó là buổi biểu diễn văn nghệ ở trường tớ. Tớ tới muộn, hội trường đã kín hết chỗ. Điều đáng nói là những hàng ghế đầu có rất nhiều những ghế trống. Tuy nhiên, khi tớ ngỏ ý muốn ngồi vào một trong các ghế ấy thì bị mấy bạn ngồi ở đầu hàng cản lại bảo: “Ghế này đã được để dành cho những người bạn đến sau rồi”. Ức hơn cả là gần cuối chương trình những người đó mới tới. Trong khi đó, những cái ghế trống vẫn không có ai được ngồi và bên dưới thì lại có bao nhiêu bạn phải đứng nhấp nhổm để xem.
Sau buổi đi xem văn nghệ về, tớ thấy khó chịu vô cùng. Rõ ràng là chẳng công bằng chút nào khi mà những người đến trước lại không có chỗ ngồi, còn những người đến sau thì cứ ung dung, đủng đỉnh mà tới vì đã có ai đó giữ chỗ cho mình.
Với những teen ở tập thể, ở nội trú thì điều này càng rõ. Bạn tớ phải ở cùng rất nhiều bạn nữa trong khu nội trú của trường. Có lần, bạn ý xách nước đi tắm ở nhà tắm công cộng từ 5h mà tới 8h mới tắm xong! Hỏi ra thì mới biết có những bạn đến trước tắm xong lại “xí chỗ” cho người đến sau, mặc kệ những ai đã đến trước đó mà không phải là thân quen với họ. Bạn tớ phát khóc lên được, không phải vì việc tắm muộn, mà vì cách hành xử “kì quặc” của bạn bè mình.
2. Trong một lớp bao giờ chẳng có người học giỏi, người học chưa giỏi. Nhưng vấn đề là có những người giỏi luôn muốn người khác không bao giờ bằng, hoặc giỏi hơn mình. Thế là đủ mọi kiểu “thủ đoạn” được họ trưng dụng để thực hiện điều ấy. Nhẹ thì có sách vở tham khảo nhưng không cho bạn mượn, hoặc cô giáo dặn kiểm tra mà không nhắc lại bạn bè. Tệ hơn, có người còn nhắc sai bài cho bạn trong kì thi. Cả đội tuyển học sinh giỏi Địa trường CHN năm ấy đều bị cô bạn tên N làm cho “lao đao” khi mà, được những thành viên khác trong đội tin tưởng hỏi cách xác định đề, N đã cố tình nhắc sai cho cả đội. Những ai có bản lĩnh và ý chí kiên định thì không sao, chứ với những người “chưa được tự tin lắm” vào sức học của mình thì …thôi rồi. Xác định đề sai thì làm sao mà làm bài đúng được. Kì thi ấy, đội của N xếp loại bét toàn đoàn, có mỗi N được giải cao nhất – giải Nhì. Khi nói về sự kiện này, những người bạn của N vẫn còn thắc mắc: “ Không biết N nó làm thế với mục đích gì?” Dìm người khác xuống để mình nổi lên, liệu có thật là quân tử?
3. Trong một lần tham dự hội chợ hàng công nghiệp chất lượng cao không gây độc hại cho môi trường, tớ đã bị một phen nóng mặt. Chả là thế này, trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức mời khách tham quan kí tên vì môi trường. Bình thường thì chẳng có ai tham gia đâu vì thủ tục hơi nhiêu khê. Thế mà khi biết mỗi người kí đều được tặng một cây bút thì ai nấy đều phấn chấn hẳn lên. Nhìn cảnh mọi người chen lấn vào kí chỉ để lấy mỗi cây bút mà giá bán ngoài thị trường chỉ khoảng vài nghìn, tớ tự hỏi không biết những người nước ngoài có mặt ở đó sẽ nghĩ gì.
Lần khác, trong giải thi đấu bóng rổ cấp trường, đội bóng B đã có một hành vi rất đáng lên án. Trong giờ giải lao, đội này uống nước xong đã đổ cả phần nước thừa lên khu vực sân của đội kia. Thảo nào, vào hiệp 2, đội kia thỉnh thoảng lại có một tuyển thủ ngã oạch vì sân trơn…
***
Thỉnh thoảng teen nhà mình lại hành động như thế đấy. Cái cách hành động vì những lợi ích riêng, rất nhỏ bé mà quên mất lợi ích chung, cũng như thái độ coi thường dư luận, coi thường những đánh giá của mọi người xung quanh đã làm hình ảnh của teen xấu xí đi rất nhiều.
Vậy nên đừng bao giờ để ai đó nói mình là “khôn lỏi” bạn nhé!
Theo MTO
Bình luận (0)