Cha mẹ nên đối xử bình đẳng với các bé, tránh làm tổn thương (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T |
Nhà có hai đứa con, một đứa muốn gì được nấy, còn một đứa thì bị đối xử như… con ghẻ. Và hậu quả của cách phân biệt con thương, con ghét này đã “sản sinh” ra những đứa trẻ không hoàn chỉnh…
1. Nhìn cách ăn mặc, sinh hoạt của Tuấn và Tú không ai nghĩ chúng là hai anh em. Từ khi hai con còn nhỏ, chị Vinh đã có sự phân biệt rõ rệt trong việc đối xử với các con. Trong khi Tuấn được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, muốn gì được nấy thì Tú thường phải xài đồ của anh thải ra. Mặc dù là con gái nhưng cho đến năm lớp 8, lớp 9, Tú vẫn phải mặc quần của anh. Còn cặp, sách dùng đồ cũ là đương nhiên…
Thấy Tú thường xuyên xài đồ cũ, bạn bè trong lớp rất hay chọc quê. Lúc đầu Tú còn cự cãi với các bạn, thậm chí đã có lần em đánh nhau với bạn và hậu quả là bị cô giáo ghi vào sổ đầu bài. Sau lần đó, bạn bè muốn chọc ghẹo thế nào Tú cũng mặc kệ, không thèm nói câu nào. Và dần dần Tú trở nên ít nói, ít giao tiếp với bạn bè và mọi người xung quanh. Ở trường, Tú chỉ biết chúi đầu vào sách vở, về nhà lao vào công việc như nấu cơm, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa. Cũng may Tú học được nên đã thi đậu vào trường đại học.
Khác với cô em gái chỉ kém một tuổi, Tuấn luôn làm các bạn cùng lớp, cùng trường ngưỡng mộ bởi những bộ quần áo hợp thời trang. Tuấn cũng rất chịu chơi, hầu như những buổi picnic, sinh nhật của các bạn trong lớp không bao giờ Tuấn vắng mặt. Đặc biệt, Tuấn rất hào phóng trong việc tiêu xài. Tối ngày chỉ biết chơi bời nên Tuấn học hành rất “ẹ”, trầy trật lắm mới đậu tốt nghiệp THPT. Và phải mất 2 năm mới thi đậu vào một trường cao đẳng nghề.
Cứ tưởng sau sự cố này, chị Vinh sẽ thay đổi cách đối xử với con cái, nhưng trong mắt chị – Tuấn vẫn là con vàng con bạc, còn Tú là con ghẻ. Mỗi tháng chị cho Tuấn 1,5 triệu đồng để sinh hoạt, trong khi chỉ có Tú có 3 trăm ngàn đồng. Tuấn thì đi học bằng xe gắn máy, còn Tú đi học bằng xe đạp. Thậm chí khi thấy bạn bè trong lớp có laptop, Tuấn đòi mẹ cho tiền mua. Nghe mẹ nói chỉ có 9 triệu đồng, Tuấn đòi phải đi vay cho đủ 11 triệu đồng để mua cái máy xịn giống mấy đứa bạn trong lớp.
Được mẹ quá nuông chiều, càng ngày Tuấn càng hư. Hút thuốc, cúp cua, đi chơi thâu đêm suốt sáng và cuối cùng thì bị đuổi học khi đang học dở năm thứ 2. Đến lúc này chị Vinh mới nhận ra sự sai lầm trong cách dạy con của mình nhưng đã muộn.
2. Mong mỏi có một cậu con trai nên khi chị Thúy sinh đứa thứ 2 cũng là con gái, anh Hữu thất vọng vô cùng. Từ thất vọng về vợ, anh chuyển qua “ghét” luôn cả con. Bé Huyền rất ngoan nhưng hiếm khi được ba Hữu quan tâm. Ngay cả khi anh Hữu đi công tác nước ngoài hơn một tháng, khi về nước chỉ mua cho bé Huyền một bộ quần áo, trong khi đó chị Huệ thì quá trời quần áo, giày dép và đồ chơi. Trong cách xử phạt các con, anh Hữu cũng có sự thiên vị rõ rệt. Khi bé Huyền làm bể cái chén, ngay lập tức bị ba Hữu la quát om sòm, còn chị Huệ làm hư bao nhiêu đồ cũng chẳng sao…
Về chuyện học hành, chị Huệ bị điểm kém, ba không rầy la nhưng bé Huyền mà bị điểm 7, điểm 8 là sẽ “ăn” roi. Bất bình trước cách đối xử không công bằng với các con của chồng, nhiều lần chị Thúy góp ý nhưng lần nào anh Hữu cũng nói một câu: “Ai bảo em không đẻ con trai, đẻ con gái thì ráng chịu”. Nghe chồng nói cùn, chị Thúy chỉ biết im lặng và âm thầm chăm sóc bé Huyền.
Mỗi ngày lớn lên, bé Huyền càng ý thức được sự thiên vị của ba trong cách đối xử với bé và chị hai. Bé dần dần xa lánh ba và ghét luôn cả chị hai. Đến nay khi đã học lớp 7, Huyền vẫn còn ác cảm với ba và ghét chị hai, thường xuyên cãi lộn với chị.
Đến lúc này, anh Hữu mới nhận ra sai lầm của mình. Chỉ vì ham con trai, anh đã vô tình đẩy đứa con gái của mình ra xa, làm tổn thương con. Và nguy hiểm hơn là đã khiến cho tình cảm của hai đứa con gái bị sứt mẻ…
Thùy Linh
Bình luận (0)