HS trong giờ thể dục tập với bóng (ảnh trường cung cấp) |
“Thầy còn nhớ cậu học trò nghịch ngợm ngày xưa không?”. Câu hỏi “đặc biệt” này đã để lại ấn tượng không thể nào quên trong thầy Trần Ngọc Minh (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4) cho đến tận hôm nay. Bởi suốt 6 năm công tác tại trường, không phải học trò nghịch ngợm nào cũng nhớ và tìm về để báo với thầy cô rằng mình đã trưởng thành là nhờ sự nghiêm khắc dạy bảo.
Trong một dịp trở về, cậu học trò đã tìm đến chào: “Thầy còn nhớ con không? Ngày xưa con là đứa học trò nghịch ngợm đến nỗi đã từng “được” thầy mời lên hội đồng kỷ luật nhà trường”… Và khi được hỏi “hồi trước bị phạt, có ghét hay giận thầy cô không”, cậu học trò thành thật lắc đầu. Giờ, khi đã trở thành ông chủ của một tiệm điện thoại di động nho nhỏ và sống vui vẻ, anh vẫn giữ suy nghĩ thẳng thắn: “Hồi đó suy nghĩ còn bồng bột, tụi em hay bày trò đánh nhau, nhưng cũng nhờ bị phạt em mới nên người như ngày hôm nay”. Theo thầy Trần Ngọc Minh, việc dạy dỗ, kỷ luật làm sao để học trò nhận ra được khuyết điểm của mình mà không “phản hồi” bằng một thái độ tiêu cực như giận dỗi, hờn ghét hay cố tình nghịch phá nhiều hơn là không phải dễ. Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tập hợp học sinh (HS) từ khá nhiều địa bàn (quận 4, quận 7, quận 1…) nên ngay những ngày đầu thành lập, đã hay xảy ra chuyện HS xung đột, đánh nhau; chủ yếu tập trung vào các em khối 10. Hầu như mỗi tháng, trường đều họp hội đồng kỷ luật để xem xét chuyện HS hiếu động gây gổ, đánh nhau… Không ít lần nhà trường phải phối hợp với lực lượng Công an phường, Dân phòng… nhằm ngăn chặn và xử lý các trường hợp bạo lực học đường.
Đến nay, tình trạng HS trong trường gây gổ, đánh nhau đã giảm thiểu đáng kể. Thầy Trần Ngọc Minh nhấn mạnh, việc tạo môi trường giáo dục thân thiện, gần gũi đã giúp “rút ngắn khoảng cách” giữa các em HS. Qua đó, các em biết được tính cách, khả năng cũng như hoàn cảnh gia đình của bạn bè mình, vì thế dễ dàng hòa nhập, cảm thông với nhau hơn. Ngoài giờ học, HS được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa (dã ngoại, cắm trại…) nhằm tăng cường tinh thần giao lưu, đoàn kết. Nhờ đó, những mâu thuẫn cá nhân lớn, nhỏ cũng có cơ hội được… hóa giải. Bên cạnh việc kết nối tình cảm cho HS, trường còn hướng các em vào hoạt động câu lạc bộ đội nhóm. Mỗi giáo viên thể dục sẽ phụ trách một câu lạc bộ (bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội, đá cầu…) và hướng dẫn các em tham gia. Việc được chơi, được “giải tỏa” năng lượng đúng chỗ đã giúp các em HS sống tốt, khỏe khoắn; hạn chế được tình trạng HS tìm vui ở các trò chơi bạo lực… Chị Lâm Ngọc Minh Thư (Trợ lý thanh niên) chia sẻ, không chỉ tham gia vui chơi đơn thuần, trường còn phát hiện và hướng HS tham gia các giải đấu có tính chuyên nghiệp. Đơn cử như nhiều em trong CLB bóng chuyền tại trường mấy năm gần đây đều thi đấu và đoạt nhiều giải cấp quận. HS có động lực thi đấu nên hăng hái tham gia tập luyện hơn.
Không chỉ riêng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ mà chắc rằng TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ ngày càng có nhiều HS biết sống tốt hơn nhờ được cảm hóa bởi một môi trường giáo dục thân thiện, tình cảm.
M.T
Bình luận (0)