Hiện cả nước có 3 trường dạy học sinh (HS) khiếm thị mang tên Nguyễn Đình Chiểu ở 3 vùng: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Hai trường ở Đà Nẵng và TP.HCM thực hiện theo hình thức hòa nhập với cộng đồng: HS ăn ở và giáo dục chuyên biệt tại trường, sau đó trường gửi các em đi học hòa nhập ở trường bên ngoài. Riêng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) có cách làm khác, đó là tổ chức một trường học bình thường, HS khiếm thị ăn ở tại trường và lên lớp học với các bạn không bị khiếm thị.
Tuy nhiên, cách làm này có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Nói về vấn đề này, ông Phạm Hữu Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
– Có rất nhiều khó khăn. Trước tiên là giáo viên phải hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên trường công lập, không bỏ qua bất cứ hoạt động, phong trào nào trong chỉ đạo của ngành giáo dục. Bên cạnh đó còn phải dạy HS khuyết tật. Nên trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải đặc biệt quan tâm tới những HS này. Làm sao để các em cũng tiếp thu được kiến thức. Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy cũng phải nghĩ tới phương pháp nào để sử dụng được cho HS khiếm thị. Vì, với HS khiếm thị những công nghệ hiện đại đều không có tác dụng. Bên cạnh đó, giáo viên vẫn phải sử dụng ngôn ngữ diễn đạt, hoặc thay thế bằng tranh ảnh hình nổi để các em có thể tri giác được. Nhưng cái cơ bản nhất vẫn là sử dụng ngôn ngữ. Chúng tôi vẫn nói vui rằng: Giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu nói hơi nhiều, vừa viết vừa đọc.
Rất nhiều giờ học, chúng tôi phải bàn với giáo viên để thay thế nội dung tương tự trong quá trình truyền đạt đến HS. Ví dụ như giờ vật lý, hóa học, thường là quan sát thí nghiệm, hiện tượng, sau đó phát biểu, nhận xét đánh giá… nhưng đối với HS khiếm thị không thể quan sát nên giáo viên vừa thực hành vừa phải có mô tả cho các em hiểu. Mà mô tả thế nào để HS hiểu được hiện tượng đó chứ không mô tả sát vào bài.
PV: Ngoài khó khăn trong giảng dạy, để giúp HS khiếm thị có thể hòa nhập được với các bạn trong lớp, giáo viên còn có những giải pháp nào, thưa ông?
– Ông Phạm Hữu Quỳ: Ưu điểm cơ bản mà chúng tôi đã làm đó là HS khiếm thị từ bé đã được học hòanhập. Hiện trường có 140 HS khiếm thị theo học từ lớp 1 đến lớp 9. Sau 9 năm học tại trường, đến lớp 9 các em hoàn toàn tự tin và không có mặc cảm về thân phận của mình nữa. Chúng tôi không thấy các em buồn, chán nản hay tự tách mình ra khỏi các bạn trong trường. Đây là cái được lớn nhất của nhà trường. Cái hạn chế thì cũng còn nhiều. Ví dụ như ngay trong giờ học, giáo viên phải hoàn thành bài giảng cho những HS bình thường, nhiều khi yêu cầu đó cũng rất căng. Trong tiết đó lại phải quan tâm tới cả các em khiếm thị. Giáo viên của chúng tôi trên lớp nhiều khi không đủ thời gian. Thứ hai là vì làm việc với đối tượng HS bình thường đã quá vất vả nên nhiều khi các cô cũng bị xao lãng đối với HS khiếm thị. Chúng tôi phải bổ khuyết bằng các chương trình phụ đạo vào buổi chiều. Cái khó nữa là các phương tiện, thiết bị dành riêng cho HS khiếm thị không phải dễ dàng mà có được. Trường tôi có đầy đủ thiết bị để in được sách giáo khoa chữ nổi. Nhưng để làm ra được một cuốn sách thì rất tốn kém. Nhiều khi phải có nguồn tiền tài trợ để in sách giáo khoa. Đồ dùng dạy học không có. Các đồ dùng học tập trên lớp của giáo viên cho HS khiếm thị đều do giáo viên tự làm.
Báo cáo của các cấp, các ngành cho thấy, tỷ lệ học sinh khuyết tật cả nước ra lớp còn khá khiêm tốn. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
– Tôi thấy có nhiều lý do. Cơ bản nhất là các nhà trường được giao nhiệm vụ theo hình thức chủ trương, chính sách chứ chưa có một điều kiện gì. Trường chúng tôi là trường hòa nhập nhưng thực ra là trường chuyên biệt, được đầu tư rất nhiều về trang thiết bị nên mới có thể dạy được như thế. Còn với một trường bình thường, có HS khiếm thị vào học, trường sẽ lúng túng khi dạy các em. Bởi, giáo viên không hề biết trình độ học sinh đó đọc và viết như thế nào. Nên các em có làm bài kiểm tra cũng không thể biết được đúng hay sai. Thứ hai là không có phương tiện gì hỗ trợ cho các em trong các trường bình thường kể cả sách giáo khoa. Thứ ba là chế độ chính sách cho người dạy. Bộ GD-ĐT đã có quy định về chế độ chính sách cho người dạy là nếu như trong lớp có trẻ khuyết tật, thì bớt đi 5 HS bình thường. Nhưng theo tôi quy định này không khuyến khích giáo viên dạy mà làm cho họ kém phấn khởi hơn. Vì liên quan đến vấn đề thu nhập của giáo viên.
Thế trình độ giáo viên có ảnh hưởng tới vấn đề này không?
– Phải nói là có. Vì khi không được trang bị kiến thức chuyên môn để dạy trẻ khuyết tật thì không biết cách làm việc với các em. Chính vì vậy, trẻ sẽ không tiếp thu được. Sau một thời gian như thế, trẻ sẽ bỏ học hoặc không thể học cao hơn. Chính vì vậy, tại các địa phương phải có lớp chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật sau đó mới cho các em đi học hòa nhập.
Là người gắn bó với ngôi trường đặc biệt, ông có tâm sự gì không?
– Tôi gắn bó với mái trường này 6 năm, có thể nói chưa nhiều nhưng điều tôi nhận thấy ở ngôi trường này là làm bất cứ điều gì cũng phải dành nhiều tình thương cho các em. Từ đó, mình mới nghĩ được những hoạt động hay. Thứ hai là phải có những điều kiện nhất định. Đôi khi chúng tôi cũng cảm thấy “lực bất tòng tâm”.
Xin cảm ơn ông
Nghiêm Huê
Bình luận (0)