Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Gia đình – gốc của mọi vấn đề

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Sau bài viết Tại sao trẻ em ghét học? (Giáo Dục TP.HCM ngày 27-7), Giáo Dục TP.HCM đã nhận được nhiều thư và email của bạn đọc quan tâm vấn đề này. Tòa soạn sẽ lần lượt trích những ý kiến của bạn đọc.
Đọc bài Tại sao trẻ em ghét học? của phóng viên Công Việt trên Báo Giáo Dục TP.HCM số ra ngày 27-7-2009, tôi rất “thích”. Vì bài viết đã khơi đúng mạch của cuộc sống, việc học tập của thế hệ con em chúng ta. Nhân đây tôi xin nêu vài ý kiến xung quanh vấn đề này.
Gia đình là tế bào của xã hội, cha mẹ là tấm gương, có vai trò định hướng các em vào đời. Vì vậy, tâm lý – ý thức học tập của trẻ cũng ảnh hưởng rất nhiều từ quan điểm của các bậc phụ huynh. Nếu cha mẹ không áp đặt, không chạy theo thành tích và biết cách cân bằng giữa việc học và chơi sẽ tránh được sự ghét học nơi trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện. Đặc biệt, trong thời đại mở như hiện nay, cha mẹ phải là người đồng hành cùng con cái, vừa hướng dẫn trẻ, vừa là người bạn lớn của trẻ. Có như vậy, mọi chuyện mới có thể chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Đến đây, tôi lại nhớ đến tuổi thơ của mình. Đó là một khoảng trời riêng, nơi có những cánh diều căng gió, những chú dế quấn lấy nhau tranh giành thắng thua, những hòn bi đầy màu sắc, những trò chơi dân gian vui nhộn… Và hình như, trẻ em ngày nay, nhất là các trẻ ở những thành phố lớn chưa từng trải nghiệm.
cuulonggiang@yahoo….
Tôi cũng từng “ghét học”
Đọc bài viết Tại sao trẻ em ghét học? tôi rất tâm đắc. Theo tôi, có ba hình thức tạo nên áp lực học tập cho học sinh. Thứ nhất, áp lực do chính các em tự tạo ra vì cố giành một giải thưởng được “treo” từ gia đình như: “Học đạt điểm cao sẽ được gia đình mua cho giàn máy vi tính hay một chiếc điện thoại di động, một chiếc xe gắn máy…”. Thứ hai, áp lực từ căn bệnh thành tích của người lớn như: “Điểm thi cuối năm thua con M., thằng N. hàng xóm thì đi khỏi nhà luôn đi; điểm thấp tao cho đi bán vé số…”. Thứ ba, một thực trạng tồn tại nhiều năm qua là việc dạy thêm học thêm ở trường phổ thông, học ở nhà thầy cô giáo vô tình tạo cho các em cảm giác không an tâm “không đi học thêm sợ cô giáo cho điểm thấp, bị thầy ghét bỏ…”. Kết quả là các em phải đi học thêm quá nhiều môn, kể cả những môn các em luôn đạt loại khá, giỏi.
Suy cho cùng, học sinh “ghét học” cũng chỉ vì bị áp đặt, đòi hỏi quá lớn từ gia đình và nhà trường. Thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của các em không có dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý, ám ảnh việc học mà các nhà nghiên cứu giáo dục đã cảnh báo. Tôi vẫn còn nhớ ngày xưa khi còn học THPT, tôi cũng từng “ghét học”. Thời gian chuẩn bị thi học kỳ, thi tốt nghiệp THPT việc học thêm các môn toán, lý, hóa, sinh, cả môn văn học (nay là ngữ văn) được tăng cường từ 17 giờ đến 21 giờ 30 hàng đêm, kể cả ngày chủ nhật. Sở dĩ chúng tôi đi học thêm vì nhà trường “giao chỉ tiêu” cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn: “Nếu một học sinh của lớp mình chủ nhiệm, bộ môn mình dạy xin chuyển lớp hoặc bị điểm thấp thì sẽ hạ bậc thi đua, cắt thưởng…”. Chúng tôi mệt bở hơi tai, ghét học kinh khủng, thậm chí muốn bỏ học vì chỉ tiêu của thầy cô giáo và thành tích của nhà trường.
A.T (Phú Yên)

Bình luận (0)