Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tuyển sinh vào lớp 10: Chỉ tiêu ít, rủi ro cao!

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM không có thêm trường THPT mới, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay tại TP.HCM sẽ giảm hơn 1.100 chỗ học so với năm trước. Trong khi đó, số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm nay đông hơn. Cuộc đua vào lớp 10 công lập năm học 2009-2010 tại TP.HCM vì thế được dự báo sẽ hết sức gay go…

Phụ huynh Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) căng thẳng nghe nhà trường tư vấn cách chọn nguyện vọng vào lớp 10 sáng 20-4 – Ảnh: N.Hùng
Chỉ cần tốt nghiệp THCS, học sinh ở các quận huyện xét tuyển cầm chắc một chiếc vé vào lớp 10 trường công – đó là chuyện của năm trước. Năm nay có thêm hai quận huyện tuyển sinh theo hình thức xét tuyển nhưng nhiều nơi chỉ tiêu lớp 10 ít hơn số học sinh, do vậy xét tuyển vẫn có thể rớt.
Xét tuyển cũng không an toàn
Với tổng chỉ tiêu tuyển 4.080 học sinh vào sáu trường THPT, Củ Chi là nơi có số chỗ học lớp 10 nhiều nhất so với tất cả các quận huyện khác, các trường THPT trên địa bàn có đủ chỗ học lớp 10 cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Tại Hóc Môn, ông Phan Văn Kèo – trưởng Phòng giáo dục huyện – cho biết căn cứ theo chỉ tiêu lớp 10, huyện dư ra khoảng 4% học sinh không được vào trường công, nhưng thực tế một số trường THPT trên địa bàn vẫn có thể nhận thêm, chưa tính đến phương án học giáo dục thường xuyên, chỗ học lớp 10 ở huyện này cũng tạm ổn. Huyện Cần Giờ càng thanh thản hơn khi có hơn 1.100 học sinh đang học lớp 9 và tổng chỉ tiêu tuyển lớp 10 hai trường THPT huyện này là 1.260.
Năm nay, trong bảy quận huyện xét tuyển, chỉ có bốn quận huyện trên có đủ chỗ học lớp 10. Ở ba quận huyện còn lại, phương án xét tuyển vẫn không an toàn đối với học sinh có học lực tốp dưới. Trên địa bàn quận 9 có ba trường THPT, theo chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, tổng chỉ tiêu lớp 10 ba trường công trong quận này chỉ có 1.710, giảm 360 chỗ học so với năm trước. Trong khi đó, tổng số học sinh lớp 9 trong quận lên đến hơn 2.500 học sinh.
Theo tính toán của Phòng giáo dục quận 9, sẽ có khoảng 500 học sinh tốt nghiệp THCS ở quận 9 không có chỗ học lớp 10 trường công. Quận đang tính đến phương án kiến nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 để tăng thêm chỗ học cho học sinh. Tình hình quận Thủ Đức bớt căng hơn. Năm ngoái, với phương án thi tuyển, chỉ có 2/3 học sinh quận này được vào lớp 10 trường công. Năm nay quận này chuyển sang phương án xét tuyển. Ông Nguyễn Trọng Cường – trưởng Phòng giáo dục quận Thủ Đức – dự kiến có khoảng 82% học sinh lớp 9 trong quận được vào lớp 10 trường công.
Căng thẳng nội thành
Trong khi nhiều quận huyện ngoại thành xét tuyển nhưng không đủ chỗ học, nhiều quận nội thành có thừa chỗ học lớp 10 cho học sinh đang học lớp 9, nhưng vẫn không thể tổ chức xét tuyển vì còn phải gánh học sinh từ các quận khác chuyển sang. Quận 10 có năm trường THPT với tổng chỉ tiêu tuyển 2.745 học sinh, tổng số học sinh lớp 9 chỉ hơn 2.200. Trong khi đó ở quận 11, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 các trường THPT năm nay chỉ bằng 2/3 tổng số học sinh lớp 9 trong quận.
Thầy Trần Mậu Minh – hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM – giải đáp thắc mắc cho phụ huynh về tuyển sinh lớp 10 năm học 2009-2010 sáng 20-4 – Ảnh: Như Hùng
Tại quận 5, có bảy trường THPT nhưng có đến bốn trường là trường chuyên, trường trung học thực hành (vốn chỉ dành cho những học sinh giỏi từ khắp nơi), ba trường còn lại chỉ tiêu hơn 2.500 trong khi tổng số học sinh lớp 9 trong quận này hơn 3.600. Quận Tân Bình vẫn căng thẳng như mọi năm. Nói như ông Nguyễn Thanh Hải – trưởng Phòng giáo dục quận Tân Bình, dù đã tăng chỉ tiêu, mở thêm lớp ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh và Trường THPT Lý Tự Trọng, nhưng số chỉ tiêu lớp 10 trên địa bàn quận này mới quá nửa so với tổng số học sinh lớp 9.
Quận 7 cũng có thừa chỗ học, sẽ phải gánh gần 700 học sinh từ huyện Nhà Bè chuyển qua. Quận Bình Tân có hơn 2.000 học sinh lớp 9, trong khi chỉ tiêu lớp 10 ở các trường quận này chỉ có 1.440, áp lực thi cử càng nặng nề hơn khi năm nào cũng có hàng trăm học sinh từ Bình Chánh qua dự thi tại các trường quận Bình Tân. Kề bên Bình Tân, quận 6 chỉ có hai trường THPT với tổng chỉ tiêu 1.710 và tổng số học sinh hơn 3.000. Quận Tân Phú cũng căng thẳng với tỉ lệ ba học sinh dự thi có một em rớt khỏi trường công lập.
Quận 4 và quận 8 năm ngoái có điểm chuẩn khá “mềm” (thấp nhất 24,5 và cao nhất 32 điểm), nhưng năm nay tỉ lệ học sinh không có chỗ học công lập khoảng 30%. Gay go nhất vẫn là tình hình các trường hai quận trung tâm là quận 1 và quận 3. Nếu trừ đi chỉ tiêu Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (dành cho học sinh giỏi từ khắp các quận) và chỉ tiêu trường năng khiếu thể dục thể thao, chỉ tiêu lớp 10 các trường quận 1 chỉ còn 2.470, trong khi số học sinh trong quận đến 3.400. Đó là chưa thể thống kê có bao nhiêu học sinh khá giỏi từ các quận khác sẽ “chạy đua” đổ về các trường trung tâm.
Quận 3 thậm chí còn căng thẳng hơn khi 720 chỉ tiêu vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai luôn dành cho những học sinh giỏi thành phố, 480 chỉ tiêu vào Trường Lê Quý Đôn dành cho học sinh học lực khá giỏi có khả năng đóng học phí 890.000 đồng/tháng. Chỉ còn 2.115 chỉ tiêu vào ba trường còn lại (trong đó có hai trường tự chủ tài chính), trong khi tổng số học sinh quận này hơn 3.900. Điểm chuẩn trường thấp nhất ở quận 3 năm rồi cũng chót vót ở mức 29,5 (cao hơn tất cả các trường ở quận 8).
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.3, nơi từng đạt tỉ lệ 100% học sinh có chỗ học lớp 10, năm nay cũng băn khoăn “trong tình hình này chưa biết tư vấn thế nào để các em rớt ít nhất’’. Năm nào phụ huynh cũng phải lo sốt vó trước kỳ thi, ấm ức sau kỳ thi vì rớt oan, việc chọn nguyện vọng vẫn chứa đựng quá nhiều may rủi. Vì sao? Những con số trên cho thấy trường lớp nơi thừa nơi thiếu, sức hấp dẫn của các trường rất chênh lệch nhau. Rủi ro thiếu điểm đổ dồn lên học sinh những nơi thiếu trường.
Rất nhiều em sinh ra và lớn lên tại các quận trung tâm, nơi có nhiều trường tốt, vẫn phải ngậm ngùi nhường chỗ học cho học sinh từ nơi khác đến. Đầu năm học 2008-2009, UBND thành phố đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây trường ở các quận huyện nhưng rốt cuộc đến cuối năm học, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, số học sinh tăng nhưng không có thêm trường THPT nào được xây.  
PHÚC ĐIỀN (Theo TTO)
Hà Nội: cạnh tranh quyết liệt
Tại Hà Nội, với 65.000 chỉ tiêu công lập trong khi có đến 90.000 HS tốt nghiệp THCS, tình hình cũng căng thẳng không kém. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Kỳ – trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội – cho biết:
– Năm nay với việc mở rộng địa giới, Hà Nội đã phân ra 16 vùng tuyển trên cơ sở cân đối các địa bàn và số trường THPT trên các địa bàn đó. Theo đó, học sinh đăng ký nguyện vọng trong vùng tuyển sẽ thuận tiện cho việc đi lại. Mỗi vùng tuyển đều có các trường THPT chất lượng cao, trường chất lượng trung bình. Ngoài ra, tùy theo nguyện vọng chính đáng của học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội có thể cho phép học sinh được chuyển vùng tuyển theo quy định sang vùng lân cận.
* Theo ông, học sinh khi đăng ký các nguyện vọng phải lưu ý điều gì? Làm thế nào để tránh tình trạng học sinh giỏi nhưng vẫn bị rớt do “với quá cao”?
– Ngoài yếu tố thuận tiện cho việc đi học, học sinh và phụ huynh phải đặc biệt chú ý đến sự phù hợp giữa sức học với yêu cầu tuyển sinh của trường. Ví dụ, học sinh có học lực ở mức khá, trung bình khá ở bậc THCS thì không nên lựa chọn nguyện vọng 1 vào các trường tốp đầu trong vùng tuyển (căn cứ vào điểm tuyển hằng năm của các trường). Dĩ nhiên nếu “né” trường tốp đầu sẽ có thể dẫn đến tình trạng nhiều học sinh cùng đăng ký vào một vài trường ở tốp 2. Vì vậy, học sinh và phụ huynh cần chú ý đến quy định của Hà Nội trong việc cho học sinh đổi nguyện vọng.
Thời điểm được đổi nguyện vọng sẽ được thông báo trong tài liệu Những điều cần biết do Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành. Nếu xét tình hình thực tế thấy khả năng cạnh tranh vào trường đã chọn (nguyện vọng 1) mong manh thì có thể đổi lại nguyện vọng.
Một điểm khác cần chú ý là thí sinh không nên chọn nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 vào hai trường có điểm tuyển các năm trước quá sát nhau. Ví dụ. nếu điểm tuyển của trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2 chỉ chênh nhau 1,0 điểm thì học sinh sẽ rớt cả hai nguyện vọng. Vì theo quy định, điểm tuyển nguyện vọng 2 phải cao hơn nguyện vọng 1 1,5 điểm.
* Học sinh có nguyện vọng đổi sang vùng tuyển lân cận có được đăng ký nguyện vọng 1 ở vùng tuyển này, nhưng nguyện vọng 2 ở vùng tuyển lân cận không?
– Học sinh đã xác định đăng ký ở vùng tuyển nào thì chỉ được lựa chọn nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 (nếu có) ở vùng tuyển đó.
TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện

Bình luận (0)