Chúng ta không nên quá mất thì giờ vào việc biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa, mà phải làm sao để có bộ sách giáo khoa thực sự chất lượng…
Chúng ta nên tập trung làm một bộ sách giáo khoa chất lượng. Ảnh minh họa.
|
Sách giáo khoa là câu chuyện thời sự sôi nổi một thời. Tưởng như nó dần lắng xuống sau khi bộ sách giáo khoa mới từ lớp 1 – 12 được hoàn tất. Nhưng thực tế, nó vẫn khiến những ai quan tâm đến nền giáo dục đương đại thêm những trăn trở, suy tư.
Nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa đang là vấn đề cần tìm lời đáp thỏa đáng.
Chúng ta hãy giả sử: Nhiều bộ sách giáo khoa được hoàn tất. Nếu Bộ GD&ĐT chọn một bộ chất lượng nhất, đưa vào chương trình dạy học đại trà, thì số phận những bộ còn lại sẽ ra sao? Hàng tỉ đồng kinh phí chẳng lẽ chỉ để “kính nhi viễn chi”, trong khi dân ta còn nghèo, trò ta còn đói.
Nếu Bộ GD&ĐT xóa độc quyền sách giáo khoa để chúng cùng lưu hành thì trường X chọn bộ của giáo sư A, trường Y chọn bộ của giáo sư B… Mỗi bộ một vẻ, một phong cách, tùy quan niệm của từng nhóm biên soạn.
Đấy là chưa bàn về chất lượng mỗi bộ, nó có “mười phân vẹn mười” hay chỉ là sản phẩm của bệnh thành tích.
Đề thi chung tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng mà sách học riêng, liệu có đảm bảo quyền lợi cho người học? Đây là nỗi hoang mang cho thầy và trò trong việc chọn bộ nào? bỏ bộ nào?
Chính vì thế, tôi cho rằng, chúng ta không nên quá mất thì giờ vào việc biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa, mà phải làm sao để có bộ sách giáo khoa thực sự chất lượng. Nó vừa đáp ứng mục tiêu đào tạo trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lí lứa tuổi của từng lớp học sinh.
Bộ sách giáo khoa ấy cần đảm bảo bốn tiêu chí cơ bản: chuẩn về đội ngũ biên soạn, chuẩn về nội dung, chuẩn về hình thức, đổi mới phương pháp biên soạn sách giáo khoa.
Đội ngũ biên soạn là cha đẻ của bộ sách giáo khoa. Họ mang trong mình trọng trách vinh quang nhưng cũng đầy cam go, thử thách. Một chút sơ suất khiến họ trở thành tâm điểm phản hồi từ mọi phía.
Bởi vậy, một chủ biên đủ tài, đủ đức, có năng lực, phối hợp các cộng sự làm việc nhịp nhàng, nghiêm túc là điều tiên quyết thành công. Các cộng sự phải được tập hợp đúng đối tượng, chứ không thể do mối quan hệ quen thân, tư lợi.
Họ gồm các giáo sư, chuyên gia uy tín với vốn tri thức uyên thâm, tầm nhìn xa rộng; các giáo viên ưu tú đại diện ba miền Bắc, Trung, Nam có kinh nghiệm giảng dạy thực tế ở từng cấp học…
Nội dung sách giáo khoa là đối tượng của việc dạy và học. Nó không chỉ cung cấp thông tin khoa học mà còn bồi dưỡng nhân cách, lí tưởng sống cho các em trong thời đại mới. Vì thế, nội dung sách giáo khoa cần đảm bảo năm tính chất cơ bản sau:
Tính chọn lọc. Tri thức là vô hạn, thời gian học thì có hạn. Chương trình sách giáo khoa không thể ôm đồm, quá tải, mà phải chắt lọc những kiến thức tiêu biểu nhất, hữu dụng nhất trong lượng bài học hợp lí.
Tính chính xác. Chương trình sách giáo khoa được xây dựng theo đường tròn đồng tâm ở ba cấp học. Thông tin khoa học được phép mở rộng nhưng không được phép sai lệch số liệu (địa lí), sự kiện (lịch sử), khái niệm, tính chất( toán, lí, hóa, văn…) khi cùng nói về một đối tượng kiến thức.
Tính hệ thống. Sách giáo khoa mang nhiều thông tin khoa học, dù nó đã được chọn lọc. Chúng phải được xếp đặt theo trình tự logic, từ đơn giản đến phức tạp (phức tạp ở mức độ học sinh có thể nắm bắt, nhận thức).
Tính vừa sức. Khả năng nhận thức của học sinh, dù ưu tú cũng nằm trong giới hạn nhất định.
Ở độ tuổi 6 – 18, các em chưa đủ vốn sống, trải nghiệm để tiếp nhận những bài học quá trừu tượng, cao siêu. Vì vậy, nội dung sách giáo khoa phải phù hợp với tâm lí lứa tuổi, tầm đón nhận của học sinh.
Tính không khép kín. Chúng ta có hàng triệu học sinh ở các cấp học. Mỗi học sinh có hoàn cảnh, cá tính, thế mạnh… riêng biệt. Những kiến thức, bài tập tự chọn phục vụ phần kiến thức cơ bản chính là điều kiện tốt, giúp các em phát huy tiềm năng tư duy sáng tạo trong học tập.
Ngoài ra, nội dung sách giáo khoa đòi hỏi một phần kiến thức địa phương như địa lí, lịch sử, tiếng Việt…, do sự khác biệt về phong tục, địa lí, phương ngữ ở các vùng miền trên cả nước.
Phần kiến thức mở này vừa gần gũi, thiết thực vừa bồi dưỡng tình yêu, lòng tự hào về quê hương, bản xứ cho các em.
Tính nhân văn. Trường học là nơi đào tạo con người một cách toàn diện, thể lực (thể dục), trí lực (khoa học tự nhiên), tâm lực (khoa học xã hội)… Trong đó, tâm lực (nhân cách) được đặc biệt coi trọng.
Quan niệm “Coi học sinh là trung tâm” trong quá trình dạy học làm thay đổi cách thức soạn sách sao cho học sinh có khả năng tự học, tự nghiên cứu và ứng dụng tri thức một cách linh hoạt vào thực tiễn.
Phương pháp mới biểu hiện rõ nhất ở phần câu hỏi, bài tập trong mỗi bài học. Những câu hỏi không áp đặt mà mang tính định hướng, gợi mở, khuyến khích học sinh tự khám phá thông tin khoa học.
Nguyên Hằng (TPO)
Bình luận (0)