Học sinh trường nghề đang thực hành trên máy (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Việt Nam đã và đang hòa nhập với nền phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giớ. Nhiều khu công nghiệp hình thành, phát triển tại TP.HCM và các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có một đội ngũ công nhân có tay nghề được đào tạo bài bản ở các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) mới đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty, xí nghiệp.
Để thực hiện được yêu cầu trên, các trường TCCN cần được tăng cường năng lực đào tạo một cách cơ bản, toàn diện, để vừa đào tạo ra những kỹ thuật viên có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật lành nghề, vừa có tri thức kỹ năng và thái độ lao động tốt.
1. TP.HCM hiện nay có 41 cơ sở đào tạo hệ TCCN, đào tạo mỗi năm khoảng trên 40.000 học sinh. Các trường đào tạo hệ TCCN này đều nằm trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, nội dung chương trình giáo dục chuyên nghiệp chậm đổi mới, còn thiên về lý thuyết, ít gắn với nhu cầu của xã hội. Phương pháp dạy học còn lạc hậu, áp đặt, rập khuôn, nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, ít phát huy tính chủ động, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh. Đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Ngoài ra, đa số giáo viên còn thiếu những kỹ năng nghề, năng lực thực hành còn yếu. Kiến thức và kỹ năng sư phạm còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất của các trường còn gặp nhiều khó khăn. Trường lớp chỉ phục vụ yêu cầu nhất thời, chưa được nâng cấp mở rộng chuẩn hóa của tiêu chuẩn quy mô trường nghề. Các trường ngoài công lập đa số thuê, mướn, cải tạo từ cơ sở sẵn có nên vẫn chưa ổn định. Đặc biệt là chưa có các cơ chế công cụ quản lý thích hợp về chất lượng đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở các trường TCCN.
2. Hiện nay, yêu cầu đổi mới và phát triển các trường đào tạo hệ TCCN là vấn đề cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược đào tạo nhân lực TP.HCM. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp để phát triển giáo dục chuyên nghiệp TP.HCM:
– Một là, cần bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên TCCN: Theo Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT TP.HCM), hiện nay đội ngũ giáo viên TCCN đang giảng dạy tại các trường TCCN của thành phố chỉ có 4.702 người, trong đó có 3,53% tiến sĩ và 18,18% thạc sĩ. Tỉ lệ giáo viên TCCN là 1 giáo viên/22 học sinh. Thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay còn yếu về chuyên môn nghề nghiệp và nghiệp vụ sư phạm. Đây là nguyên nhân dẫn tới chất lượng đào tạo TCCN chưa thuyết phục được các nhà sử dụng lao động. Để đổi mới giáo dục TCCN cần phải bồi dưỡng đội ngũ giáo viên TCCN có đủ năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản, bao gồm: bồi dưỡng kỹ năng dạy học, kỹ năng tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động, kỹ năng thực hành, thí nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào dạy học, kỹ năng sử dụng phần mềm trên máy tính, thiết kế giáo án điện tử. Khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên tự học, tự nghiên cứu tài liệu liên quan đến công tác dạy học của mình.
– Hai là, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và đào tạo: Nội dung chương trình đào tạo nên xây dựng theo hướng tích hợp giữa kiến thức chuyên môn nghề nghiệp và các môn thực hành. Mục đích của việc này nhằm đào tạo ra những người lao động có chuyên môn nghiệp vụ ở trình độ kỹ thuật viên phải luôn gắn liền với thị trường lao động và việc làm, với mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong phạm vi thành phố. Điều này có ý nghĩa làm giảm nguy cơ thất nghiệp cho người tốt nghiệp và thay đổi mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp để tạo ra những lớp người có khả năng lập thân và lập nghiệp, đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy và đào tạo cũng cần đổi mới và vận dụng phù hợp với mỗi bài giảng, mỗi đối tượng học sinh và điều kiện giảng dạy khác nhau. Xu hướng dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm theo hướng phát huy tính sáng tạo, tích cực hoạt động của học sinh trong quá trình dạy và học đang trở thành xu hướng phổ biến. Phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá cũng có những cải tiến phù hợp với sự thay đổi mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy trong nhà trường giáo dục nghề nghiệp. Bởi phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá có ảnh hưởng rất quan trọng đến thay đổi cách dạy và học trong nhà trường. Đánh giá kết quả học tập không chỉ xác định học lực, phân loại trình độ học sinh, khẳng định giá trị của người học trước xã hội mà còn giúp giáo viên cải tiến nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy, đồng thời, giúp người học thay đổi cách học.
Xu hướng dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm theo hướng phát huy tính sáng tạo, tích cực hoạt động của học sinh trong quá trình dạy và học đang trở thành xu hướng phổ biến. Phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá cũng cần cải tiến phù hợp với sự thay đổi mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy trong nhà trường giáo dục nghề nghiệp. |
– Ba là, kết hợp với các doanh nghiệp để cải thiện chất lượng đào tạo, làm cho đào tạo gắn với sản xuất và dịch vụ: Khi thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, các trường TCCN nên liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nhân lực theo yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Việc liên kết với các doanh nghiệp là một nhu cầu bức bách, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và đồng thời tiếp cận với thực tiễn sản xuất kinh doanh. Chỉ có thực hiện liên kết với các doanh nghiệp, các trường TCCN tránh được tình trạng “lệch pha” giữa cung và cầu. Đồng thời đảm bảo cả cơ cấu ngành nghề hợp lý và trình độ phù hợp do thực tiễn đòi hỏi. Điều đó làm giảm đáng kể số học sinh bị thất nghiệp sau khi đào tạo ở trường. Qua việc hợp tác liên kết đào tạo giữa nhà trường và các doanh nghiệp sẽ đem tới sự hỗ trợ về trang thiết bị cũng như cán bộ kỹ thuật giỏi trong quá trình đào tạo của nhà trường. Ngoài ra các trường tổ chức cho học sinh thực tập trong thực tế sản xuất, tiếp cận được với những công nghệ mới, từ đó điều chỉnh nội dung và phương pháp đào tạo. Trong nhiều trường hợp, các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nhà trường, khi có nhu cầu tuyển dụng kỹ thuật viên trung cấp do nhà trường đào tạo ra. Nhà trường và doanh nghiệp là bạn đồng hành và đồng minh chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực, nếu không có sự hợp tác của doanh nghiệp thì đào tạo sẽ xa rời thực tế và hiệu quả thấp.
– Bốn là, liên thông giữa giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong các trường TCCN: Trong xu thế phân luồng học sinh sau THCS, nhiều nước đã thực hiện mô hình đào tạo liên thông giữa GDPT và GDNN. Từ năm 1971, tổ chức UNESCO đã ra bản khuyến nghị 21 điểm về chiến lược phát triển giáo dục mang tính toàn cầu. Một trong những điểm cơ bản của chiến lược này là tăng cường sự kết hợp và liên thông giữa GDPT và GDNN. Theo mô hình này các trường chuyên nghiệp tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào đào tạo nghề và trong các chương trình đào tạo được kết hợp với kiến thức văn hóa trình độ THPT cho những học sinh mới chỉ tốt nghiệp THCS. Học sinh tốt nghiệp THCS chỉ cần học 4 năm vừa có trình độ công nhân kỹ thuật (CNKT) lành nghề vừa có trình độ văn hóa THPT (theo đúng chương trình bậc THPT chứ không phải học chương trình bổ túc văn hóa bậc THPT với chương trình đào tạo nghề) thay vì phải học 5 năm (3 năm THPT và 2 năm học nghề). Sau khi tốt nghiệp vừa có trình độ CNKT vừa có trình độ văn hóa THPT có thể vào đời lao động hoặc có thể thi vào cao đẳng hoặc đại học.
3. GDNN có vai trò quan trọng, xuất phát từ nhu cầu xã hội và năng lực của người học cho nên cần tăng cường tuyên truyền, đem những thông tin cần thiết rõ hơn cho mọi người về ngành học này. Cần rà soát lại chương trình GDNN sao cho phù hợp đặc điểm chung cũng như với đặc thù riêng từng địa phương. Chuẩn hoá chương trình đào tạo TCCN, TCN, và có cơ chế liên thông trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH nhằm tránh tư tưởng chuộng bằng cấp. Các cơ sở đào tạo cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, xác định nguyên tắc đào tạo theo nhu cầu, đào tạo có địa chỉ, công bố tỷ lệ học sinh học xong có việc làm.
TS. NINH VĂN BÌNH
Chỉ có thực hiện liên kết với các doanh nghiệp thì các trường trung cấp chuyên nghiệp mới tránh được tình trạng “lệch pha” giữa cung và cầu. |
Bình luận (0)