Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Đằng sau vụ hacker tấn công Twitter, Facebook

Tạp Chí Giáo Dục

Động cơ của các vụ tấn công từ chối dịch vụ mang màu sắc chính trị, có ý kích động quần chúng, nhằm vào các website đang được sử dụng phổ biến và không yêu cầu thu phí, các chuyên gia bảo mật nhận định.

Trong tháng 7, một làn sóng các vụ tấn công từ chối dịch vụ tương tự nhằm vào các website của Mỹ và Hàn Quốc, trong đó có cả website của Nhà Trắng. Cơ quan an ninh mạng của Hàn Quốc cho rằng hacker Triều Tiên có thể đứng đằng sau các vụ tấn công này.

"Mạng xã hội mới nổi Twitter là mục tiêu dễ hạ đối với các hacker", Steve Gibson, giám đốc hãng nghiên cứu bảo mật Internet Gibson Research Corp, nhận xét.

Chỉ riêng số lượng người truy cập Twitter trên khắp thế giới đã lên tới con số 44,5 triệu trong tháng 6, tăng gấp 15 lần so với năm ngoái, theo số liệu thống kê của comScore.

Các chuyên gia bảo mật cho rằng có thể chỉ duy nhất một nhóm tội phạm đứng đằng sau các vụ tấn công vào Twitter, Facebook và một số website khác khi ngày nay, các hacker hoàn toàn có khả năng tấn công nhiều website khác nhau cùng lúc.

“Các vụ việc trước đây cho chúng ta thấy hầu như chắc chắn chỉ một hoặc một nhóm hacker duy nhất đang thực hiện tất cả các vụ tấn công”, Kevin Prince, giám đốc công nghệ của công ty cung cấp dịch vụ bảo mật Perimeter eSecurity, nhận định.

Ông Kevin Prince cho rằng, trong khi các phương án bảo vệ website trước các cuộc tấn công từ chối dịch vụ luôn luôn tốn kém, thì ngược lại, phát động một cuộc tấn công là tương đối dễ đối với các hacker.

Trong một bài viết trên blog cuối ngày hôm qua, 6/8, Twitter cho biết website của họ đã được sao lưu dữ liệu, người sử dụng có thể cảm thấy khó truy cập cho đến khi họ khôi phục được hoàn toàn.

“Đó chỉ là một vụ quấy nhiễu. Hãy nhớ rằng Twitter đã từng “gục” hoàn toàn hồi năm 2007 và năm 2008”, một người bình luận trên Twitter, dẫn chứng thời kỳ Twitter phát triển mạnh cũng dẫn tới tình trạng dịch vụ thỉnh thoảng gặp sự cố.

Đối với luật sư Zabi Nowald, hôm qua, 6/8, chỉ đơn giản là một ngày ông bắt đầu công việc tại khu kinh doanh của thành phố Los Angeles với một tay cầm laptop và tay còn lại cầm chiếc Blackberry, mà không có Twitter.

“Hôm qua, không ai trong số bạn bè tôi sử dụng Twitter. Các ông chủ của tôi cũng không sử dụng”, ông Nowald nói. “Tác động của nó đối với tôi bằng 0. Tôi mất đi thứ tôi chưa bao giờ có”.

Q.Đ (Theo Dantri)

Bình luận (0)