Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Món quà 3 mùa thi

Tạp Chí Giáo Dục

Trời đã chập choạng tối, Lan suy nghĩ hoài mà vẫn chưa biết cách nào có thể vượt qua quãng đường 2km đầy bùn đất vì con sông trước nhà mới bị nạo vét, người ta té mẻ đất non lên suốt con đường mà cách đây một năm về trước Lan vẫn đến trường mỗi ngày. Cuối cùng, Lan cũng đã đánh bạo nhờ anh trai chạy vỏ lãi composite đưa cô và một người bạn hàng xóm ra quốc lộ rồi đi xe ôm đến trường.
Sân khấu chào mừng Ngày Nhà giáo được dựng hoành tráng ở cuối sân trường cũ. Lan lấm lét nhìn quanh rồi cùng bạn vào phòng thay đồ. Bài hát Người thầy Lan thể hiện tình cờ “lấy” được chút nước mắt lẫn ngậm ngùi của những khán giả ngồi phía dưới sân khấu. Vừa bước xuống bục sân khấu khi bài hát kết thúc, bất chợt Lan bắt gặp ánh mắt cô giáo chủ nhiệm đang nhìn mình. Lan tiến đến ôm lấy cô, còn cô thì xoa đầu và có lời trách móc: “Sao lâu rồi không thấy gọi cho cô? Vào học đại học sư phạm văn rồi chứ hả em?”. Lan ngước lên nhìn cô giáo, chỉ nói được một lời: “Thưa cô, em chưa  học trường nào”. Rồi Lan bật khóc và chạy mất hút.
Đó chính là ngày 20-11 đầu tiên kể từ khi Lan xa trường. Món quà là khúc vải màu hồng nhạt Lan dự định tặng cô giáo nhưng trong phút không định thần kịp cô chưa kịp trao. Đến lúc trở về nhà thì trời đã tối lắm, đò sang sông đã không còn đưa, mà đường lầy lội cũng không thể về. Thế là Lan và cô bạn ôm nhau ngủ bên cạnh cây cột điện ngay ở bến đò, chờ trời sáng.
Trong thâm tâm Lan thấy mình có lỗi với thầy cô giáo cũ, đặc biệt là cô giáo dạy văn cũng là chủ nhiệm, trong suốt ba năm trung học phổ thông. Cô cũng là người đã đặt vào Lan, một học sinh giỏi văn của trường sự kỳ vọng: “Em hãy cố gắng học hành để tiếp bước cô. Cô nay cũng sắp già rồi”. Vậy mà sự kỳ vọng ấy Lan chưa thể đáp đền. Cũng chưa thể giải thích ngọn nguồn cho cô hiểu rằng lần đầu tiên Lan phải thi vào cao đẳng sư phạm ngành ngoại ngữ ở tỉnh nhà theo ý của ba mẹ. Nhưng ước muốn được vào đại học sư phạm văn khiến Lan quyết tâm làm liều bằng cách chỉ thi hai môn đầu. Tới môn thứ ba cô giả bộ đau bụng không đến trường thi. Ý đồ của cô gái nhỏ bé ấy không nằm ngoài tâm nguyện chờ đến kỳ thi đại học sang năm để thi theo ước muốn bấy lâu. Và cho đến khi việc bị bại lộ, Lan bị mẹ cấm ra khỏi nhà một tháng và lại tiếp tục  ngăn: “Muốn đi thi văn thì tự lo kinh phí nghe chưa”. Cô bé tội nghiệp cứ vài ngày lại khóc năn nỉ được đi ôn thi nhưng vô ích. Cuối cùng Lan đành chọn cách tự ôn. Lan mua nhiều tập giấy manh về nhà để học văn, học sử và học địa. Môn nào Lan cũng dùng giấy manh. Cô vừa đọc, vừa viết lên giấy để có thể thuộc bài và nhớ lâu. Dẫn chứng của bài làm văn Lan cũng vừa đọc vừa ghi, số liệu sử hoặc địa Lan cũng vừa ghi vừa đọc. Không chỉ học ở nhà, Lan đem theo cả tài liệu ôn khi đi làm đồng, khi hái rau đay nấu canh cho buổi cơm trưa, thậm chí cả khi rửa chén, giặt đồ, cô cũng nhẩm trong đầu một trận đánh lịch sử, một bài thơ cần thuộc, một đoạn dẫn chứng cho một bài làm văn nhưng cần nhớ kỹ từng dấu chấm, phẩy…
Sau những tháng ngày tự ôn luyện, Lan quyết định tự xách gói đi thi nhưng cha mẹ cô không cho một đồng nào. Lan lén chạy xe đạp ra chợ huyện, bán đôi bông tai và chiếc lắc vàng mà mẹ đã sắm cho từ khi vào lớp 9 để lấy tiền đi thi. Sau bao nhiêu nỗ lực, kết quả điểm thi vào Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm thiếu 1,5 điểm. Chiếc điện thoại bên tai Lan bỗng rớt xuống chân khi ở đầu dây bên kia anh trai Lan báo kết quả thi hỏng. Mắt Lan lúc đó vẫn mở to nhưng trước mặt cô là một màu đen kịt và đất trời như sụp đổ xung quanh.
Lần đầu tiên trong đời nhận kết quả thi rớt khiến Lan trở nên tự ti mặc cảm và thấy mình vô dụng. Bao nhiêu cố gắng, hy vọng đều tan biến hết. Ban ngày Lan trở nên ít nói, không thèm ra đường, nhưng trong những giấc mơ lại liên tục xuất hiện hình ảnh cô đi thi, học bài khi làm cỏ đồng, và cả hình ảnh cô giáo dạy văn ôm cô vào lòng hỏi cô đã vào học trường đại học hay chưa… Ngày 20-11 năm đó Lan ngồi ở nhà khóc, không dám ra trường gặp cô, gặp thầy, không gặp bạn bè.
Một buổi sáng nắng trong, Lan lại lê la vào phòng mẹ và xin được đi thi vào khoa văn lần nữa liền bị mẹ mắng té tát: “Mày chỉ cứng đầu, làm cô giáo dạy văn cho nghèo kiết xác hay sao”. Chờ mẹ mắng xong, Lan không khóc, mà trả lời cứng rắn: “Con thề với mẹ, nếu lần thi này nữa mà con không thi đậu, con sẽ đốt hết sách và sẽ ở nhà làm ruộng với mẹ, suốt đời con sẽ không xin gì mẹ nữa, và con cũng sẽ không bao giờ dám gặp thầy cô con lần nào nữa…”. Suốt mấy ngày hôm sau đó, hai mẹ con Lan không nói với nhau lấy một câu, chỉ có ba còn hỏi thăm về dự định mà Lan đang tính toán.
Tháng 8 trời mùa hạ mưa nhiều, Lan động lòng lấy lưu bút ra xem và khóc. Bút ký của thầy, của cô và những kỳ vọng vào đứa học trò nhỏ lại siết lấy Lan và tiếp tục thôi thúc. Một buổi chiều mưa khác, Lan đi chợ ngang trường, sân trường ngập nước trắng xóa, vậy mà cô giáo dạy văn của Lan đang xắn quần lội bì bõm sau khi kết thúc ngày lên lớp. Hình ảnh ấy lại khiến tim Lan nhói đau.
Về nhà, cô gái nhỏ nhắn lại mở tủ sách và lôi ra chồng giấy manh đã đạt đến trọng lượng 2,8kg, bằng với số kilôgam khi cô được sinh ra. Những chồng giấy manh này Lan đã dùng để ôn thi vào năm trước. Ngẫm thấy công mình dày quá mà ông trời chưa thương, Lan quyết định sẽ đi thi lần cuối cùng cho dù cha mẹ có đồng ý hay không. Vậy là Lan lại thức khuya, dậy sớm để ôn bài cùng với những trang giấy manh mới. Những chồng giấy manh cũ, Lan vẫn để trước mặt mỗi khi cô ngồi vào bàn ôn thi. Lan nhủ rằng động lực của cô sẽ dày thêm theo những tập giấy manh mới và cô sẽ không bao giờ đầu hàng “số phận”.
Suốt những tháng ngày ôn luyện gian nan, Lan chỉ làm ba việc là học bài, đi làm đồng và tham gia văn nghệ đây đó cho cuộc sống bớt nặng nề. Và rồi kỳ thi đại học lại sắp đến gần. Trước khi bước vào kỳ thi 1 tháng, Lan được người cậu giúp cho 250 USD làm lệ phí đi thi, đó là “số tiền khổng lồ” đối với Lan. Trích một ít trong khoản lệ phí đó, Lan lấy khúc vải hồng mà năm ngoái định dùng tặng cô ngày 20-11 để đi may chiếc áo mặc đi thi. Lan tự nhủ chiếc áo ấy sẽ tiếp thêm sức lực cho mình khi cô bước vào kỳ thi quan trọng của đời mình.
Ngày Lan đi thi, trời trong vắt, không mưa, nhưng trong lòng cô đầy sóng gió. Để tự trấn an mình, Lan đưa tay chạm vào vải áo và thầm cầu nguyện những điều tốt lành. Môn thứ nhất, môn thứ hai và môn thứ ba trôi qua nhanh. Sau mùa thi, Lan rời thành thị về quê trong tâm trạng hồi hộp như muốn nín thở. Một ngày sau thi, hai ngày sau thi, ba ngày, bốn ngày và nhiều ngày sau đó Lan ăn ngủ không ra làm sao vì hồi hộp, vì đợi chờ. Một hôm chiếc điện thoại nhà Lan reo vang, đầu giây bên kia là bạn học cùng thi tên Phương xin gặp. Lan áp chiếc điện thoại vào tai mà tim loạn xạ, chờ đợi, trong khi Phương nhanh nhảu thông báo: “Bạn ơi, bạn thi đậu rồi”. Lan nghi ngờ hỏi đi hỏi lại nhiều lần để xác minh điều mình vừa nghe là đúng sự thật. Cuối cùng đó chính là thành quả mà Lan đã đạt được vào mùa thi thứ ba.
Mừng rỡ như không có lời nào tả hết, vừa nhận được giấy báo điểm, Lan vừa hát vừa nhảy chân sáo khi vào tiệm photo. Lan nhờ nhân viên in ra một bản photo giấy báo điểm và cẩn thận cất vào cặp sách. Sung sướng với niềm hạnh phúc đang có trong tay, Lan lau tau bàn với ba mẹ về kế hoạch chuẩn bị nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – nơi mà cô gọi tên “là niềm ước mơ của cả cuộc đời”. Nhập học được vài tháng, Lan để dành tiền để trở về trường thăm cô giáo cũ ngay vào ngày cả nước mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sân trường cũ hôm ấy đầy hoa và tràn ngập những tà áo trắng. Lấp ló ở cửa phòng giáo viên, Lan giật mình vì một bàn tay ôm choàng lấy vai cô từ phía sau. Chợt quay lại thì đấy chính là cô giáo Lan đang muốn tìm gặp. Chưa kịp nói gì, cô đã kéo ôm Lan vào lòng và xoa đầu đứa học trò nhỏ. Lan vụng về giấu giọt nước mắt và đưa bằng hai tay bản photo kết quả thi đại học mà Lan đã cẩn thận cất giữ. Cô giáo chủ nhiệm dịu dàng đón lấy tấm giấy photo và đọc kỹ rồi lại ôm và hôn lên trán cô học trò nhỏ một lần nữa. Giọng cô nhẹ nhàng: “Cô tự hào về em! Cám ơn em, em đã dũng cảm và kiên trì để có thể tiếp bước con đường mà cô đang đi”.
Vũ Phương Bích Vân

Bình luận (0)