Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Biến nước bẩn thành nước sạch

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Lê Trung Kiên đang hướng dẫn hai thành viên trong nhóm lấy mẫu nước

Với giải pháp “cá lau kiếng”, các “nhà khoa học nhí” lớp 9/8 Trường THCS Kim Đồng Q.5 đã thành công trong việc “biến nước bẩn thành nước sạch”.
Quan sát hồ nuôi cá ở nhà và hòn non bộ trong sân trường, em Lý Gia Hoán – thành viên nhóm thực hiện đề tài – nhận thấy: Hồ cá gia đình là một môi trường nhân tạo khép kín. Ngoài cá và nước, trong “đại dương nhân tạo” đó người ta còn thả các loại cây thủy sinh như rong rêu, trầu bà, môn nước… Một số “cư dân” sống ký sinh (cả có lợi và có hại) cũng chen chân vào trú ngụ. Ngoài ra, các chủng loại gây ô nhiễm như hóa chất, rác rưởi cũng “vô tư” kéo nhau đến.
Loại trừ thành phần có hại
Đọc thông tin từ trên mạng, Nguyễn Lưu Vĩnh Phát – một thành viên trong nhóm – thấy rằng: Cũng giống như ô nhiễm không khí và đất, ô nhiễm nước gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người và các cơ thể sống khác. Thương cho những con cá chép đỏ, cá bảy màu sống quằn quại trong “xóm nước đen”, em Nguyễn Thanh Xuân – một thành viên khác – đã nhiều lần đưa ra câu hỏi: “Tại sao chúng ta không tìm cách khắc phục và hạn chế ô nhiễm nước trong các hòn non bộ và hồ cá kiểng?”. Trước câu hỏi đó, thầy Lê Trung Kiên – giáo viên môn công nghệ nông nghiệp – đã khuyến khích các em đi tìm câu trả lời.
Công việc đầu tiên mà bốn thầy trò làm là đi lấy mẫu nước về phân tích xem có những chất gì trong đó. Bốn thầy trò nhận thấy hầu hết các hồ nuôi cá dù ở trong nhà hay ngoài trời đều bị nhiễm bẩn mà nguyên nhân chính là do không khí và các chất độc hại như Amonia NH­3; Nitrit NO2; Nitrat NO. Nhiều hồ nước lâu ngày không thay nước nên thành phần và chất lượng nước bị thay đổi theo chiều hướng xấu. Mặc dù biết rằng nước khi đã bị ô nhiễm rất khó khắc phục mà chủ yếu là phòng tránh nhưng các em vẫn không chịu khoanh tay đứng nhìn. Để có được giải pháp xử lý nước bẩn trong hồ cá, cách làm khoa học nhất là phải giảm cho được “những vị khách không mời mà đến”. Vì thế,  nhóm đã lên kế hoạch sử dụng máy bơm nước, vật liệu lọc, máy thổi ôxy để khử “3 vị khách” là NH3+; NO2-; NO3-. Cuối cùng công việc “đầu xuôi đuôi lọt”.
Sau khi thử nghiệm thành công, nhóm đi đến kết luận: Bể nước có sử dụng bộ sứ lọc, bông lọc vi sinh, máy bơm ôxy là hệ thống lọc các chất có hại tốt nhất cho nước đã nhiễm bẩn. Một công đôi việc, sử dụng máy bơm ôxy còn giúp thúc đẩy các chất có hại chuyển thành các chất không gây độc cho động vật thủy sinh. Sứ lọc và bông lọc là nơi trú ẩn và sinh sống của các vi sinh vật nhằm giúp cho quá trình phân hủy NH3+, NO2- có hiệu quả hơn.
Phương pháp “cá lau kiếng”
Trong quá trình thực hiện đề tài, tuy có khó khăn về kinh phí và thời gian nhưng bốn thầy trò đã tranh thủ tăng tốc để về đích đúng theo kế hoạch. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị các dụng cụ nghiên cứu như: Hồ cá, nước nhiễm bẩn, dụng cụ đo NH3+, NO3-, NO2-, máy bơm nước, vật liệu lọc, máy thổi ôxy… cũng mất 7 ngày. Rất may là khoản tiền gần 5 triệu đồng được Ban giám hiệu hỗ trợ kịp thời nên các em hầu như không phải bỏ tiền túi ra để mua các vật dụng nghiên cứu.
Thầy Lê Trung Kiên tiết lộ, ngay ở giai đoạn đầu nhóm phải lấy ra 3 mẫu nước để phân tích bằng 3 phương pháp khác nhau, từ đó tìm ra phương pháp phân tích tốt nhất. Nếu ở bể thứ nhất để theo tình trạng tự nhiên thì ở bể thứ hai, các “nhà khoa học nhí” lại đặt vào đó hệ thống sử dụng một máy bơm nước tuần hoàn. Riêng ở bể thứ ba, ngoài hệ thống sứ lọc còn có bông lọc vi sinh và máy bơm ôxy. Đúng như đự đoán, bể thứ ba có màu nước trong nhất và ít bị ô nhiễm hơn hai bể còn lại. Cách làm việc đó đã được các thầy cô trong hội đồng nhà trường tán thưởng vì thể hiện tính khoa học cao nhất.
Công trình hoàn thành, bốn thầy trò đều rất tự hào vì tính ứng dụng của nó trong thực tiễn. Trước hết, theo Vĩnh Phát, với phương pháp “cá lau kiếng” này giúp xử lí nước trong bể cá gia đình sạch hơn trước khi thải ra môi trường, từ đó góp phần làm giảm khả năng gây ô nhiễm môi trường nước. Nhìn về tương lai, Gia Hoán chia sẻ mong muốn sẽ xử lý nước trong các hồ nuôi tôm, cá… đặc biệt đối với những ao nuôi sử dụng nguồn thức ăn tươi sống, để có thể sử dụng lại nước góp phần vào việc tiết kiệm nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm trên thế giới.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Trồng rau kết hợp nuôi một vài loại cá theo vòng tuần hoàn khép kín và tận dụng cả năng lượng mặt trời – theo như tâm sự của thầy Lê Trung Kiên – là một tương lai xa mà bốn thầy trò đang hướng tới nếu sau này ba “đệ tử” của thầy còn cháy bỏng niềm đam mê nghiên cứu khoa học như bây giờ. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)