“Xoẹt… xoẹt …”, tiếng lưỡi cưa rít lên từng đợt, cắt lìa những đoạn inox sáng loáng. Phía gần cửa, từng nhóm nhỏ sinh viên với đủ loại trang phục, quần dài có, quần đùi áo cộc có hì hục bên những cỗ robot chưa thành hình. Không khí robocon nghiêm túc, khẩn trương đã lại hiện diện ở Trung tâm Công nghệ robot Trường Đại học Lạc Hồng.
Chỉ đạo viên La Khải Khải (phải) hướng dẫn sinh viên mới làm quen với chế tạo robot.
Xưởng là nhà
Trưa cuối tuần, cái nắng to bất chợt khiến thời tiết oi bức hẳn. Ngồi trong xưởng cơ khí thêm phần ngột ngạt với tiếng máy cắt, máy hàn, khoan hoạt động liên hồi. Từ trường sang xưởng chỉ vài trăm bước chân. Vừa tan học, Trần Thế Sơn cùng nhóm bạn trong đội LH-BVB đã có mặt. Mở cánh tủ sắt, Sơn bày ra bàn đủ loại cờ-lê, mỏ-lết, bảng mạch, mô-tơ… Cũng chẳng cần phải phân công, các bạn trẻ xắn tay áo bắt đầu phần việc của mình. Không khí làm việc càng thêm sôi động khi những “cây tiếu lâm” của nhóm bắt đầu cất tiếng.
Ở xưởng robot này, Trần Thế Sơn được các sinh viên khác coi là đàn anh bởi thâm niên gắn bó với robocon suốt 3 mùa giải vừa qua. Kinh nghiệm có thừa nhưng không phải là không có những sự cố dở khóc dở cười trong mỗi lần bước lên sàn đấu. Trận bán kết khu vực phía Nam, mùa robocon năm ngoái, cờ đã phất mà robot tự động vẫn đứng như trời trồng. Quá hoảng, Sơn cùng các thành viên lao vào sân “bắt mạch”, nhưng mò mãi không ra lỗi. Thua cuộc và rời sàn đấu, cả đội mới phát hiện quên bấm nút nguồn. Vừa tức, vừa nhìn nhau cười nhưng đó là bài học nhớ đời của các bạn.
Theo thầy La Khải Khải, phụ trách trung tâm, đến mùa cao điểm, các máy cắt, hàn ở đây sẽ làm việc hết công suất, trong khi xưởng cũng đón hàng trăm sinh viên đến làm việc. Chuyện qua đêm tại xưởng không phải là hiếm. “Thường thì hoạt động nghiên cứu và chế tạo robot ở đây diễn ra khá sớm, ngay từ tháng 10. Trải qua 2 vòng thi ý tưởng, 4 vòng thi nội bộ, từ hàng chục đội chỉ còn lấy 6 đội dự thi chính thức. Ngay tại trường, sức cạnh tranh đã có, nên bạn nào cũng cố gắng, ban ngày đi học và làm việc từ tối đến khuya, tờ mờ sáng tranh thủ chợp mắt rồi lại đến trường”, thầy Khải kể.
Tính từ khi bắt tay làm đến hết mùa robocon là suốt 9 tháng làm việc, ăn ngủ cùng robot. Thế nên, bạn Võ Thanh Đô nửa thật nửa đùa: “Có hôm còn nằm mơ thấy robot cựa quậy như con người vậy chứ. Giật mình thấy cả đội ôm robot say ngủ với đủ mọi tư thế mà phát cười. Ở trung tâm này, có 2 thứ không bao giờ hết là mì tôm và điện. Và vì sinh viên túc trực nên các các chỉ đạo viên của trung tâm cũng phải trực chiến, thức cùng sinh viên”.
Tiếp lửa đam mê
Những năm gần đây, sân chơi sáng tạo robot-robocon trong nước không còn nhiều sức hút đối với các trường kỹ thuật tên tuổi. Thế nhưng, khát khao chiến thắng trên đấu trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn còn nguyên. Tham vọng đó đã được khẳng định bằng chức vô địch của trường sau hơn 6 năm tham gia giải đấu. Tất nhiên, thành tích cao đi liền với sự đầu tư có chiều sâu, khoa học cả về nhân lực lẫn vật lực, trong đó có xưởng chế tạo robot. Điều đặc biệt, những phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ấy luôn mở cửa để chào đón tất cả các sinh viên yêu công nghệ, có nhu cầu thực hành. Từ đó, các bài học lý thuyết khô khan được kiểm nghiệm bằng thực tế.
Thầy Lâm Thành Hiển, Hiệu phó nhà trường, nhớ lại: “Năm 2009, trường có đội đầu tiên tham gia khu vực. Mọi thứ không có gì cả, 6 bộ cảm biến mua ở chợ đồ cũ Nhật Tảo. Điểm đặt xưởng chế tạo robot hiện nay, ngày xưa chỉ là khu đất trống. Nhà trường đổ một lớp xi măng mỏng lấy chỗ cho sinh viên làm việc. Thiếu máy móc, thiếu công nghệ, thiếu cả nhân lực rành robot… nhưng sau một mùa tham gia, sự tiến bộ của sinh viên khẳng định cách làm của nhà trường đang đi đúng hướng”.
Nhiều năm liên tiếp vô địch cuộc thi toàn quốc, vui buồn đều có cả. Và không phải cứ liên tiếp vô địch là có lãi, bởi giải thưởng chẳng đáng là bao so với số tiền tỷ mà trường đầu tư cho sân chơi này. Ngoài kinh phí dành riêng cho sân chơi robot, từ năm 2010 đến nay, có không ít công nghệ được sinh viên ngành kỹ thuật của trường nghiên cứu, trực tiếp chuyển giao cho các doanh nghiệp. Đó là công nghệ xếp vỉ tự động tại Công ty TNHH Plus Việt Nam, công nghệ lắp ráp cuộn cảm biến điện tự động cho Công ty Nec – Tokin Nhật Bản… Kinh phí thu được tiếp tục đầu tư trở lại cho sinh viên.
“Từ sân chơi robot này, tiếng tăm của trường được khẳng định. Sinh viên học từ trường ra được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh săn đón. Các công nghệ chỉ tưởng có trên robot lại được các em phát triển, ứng dụng vào thực tiễn của đời sống. Thành công lớn vậy, có ích vậy, ngại gì không đầu tư”, thầy Hiển bộc bạch
TƯỜNG HÂN
(SGGP)
Bình luận (0)