Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh các huyện nghèo vùng cao rộn ràng bước vào năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Năm học mới 2011-2012 đã bắt đầu. Tiếng trống khai trường dồn nhịp âm vang trong niềm hân hoan, phấn khởi đón ngày khai giảng của các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh vùng cao, vùng khó khăn. Ở khắp các bản làng rộn ràng niềm vui của các em học sinh bước vào năm học mới. 
 

Học sinh Trường THPT dân tộc nội trú NTrang Lơng, tỉnh Ðác Nông phấn khởi bước vào năm học mới 2011-2012.  

Chúng tôi về Ðác Glong, huyện nghèo nhất tỉnh Ðác Nông với dân số chưa đầy 43 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đến 70% và số hộ nghèo chiếm 61% số dân toàn huyện. Thế nhưng, khi trao đổi ý kiến với chúng tôi, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Hồng Thanh phấn khởi cho biết: Bước vào năm học 2011-2012, toàn huyện có hơn 11 nghìn học sinh từ bậc mẫu giáo đến THCS. Ðể bảo đảm cơ sở vật chất, trường, lớp cho học sinh học tập, trong ba tháng hè vừa qua, huyện đã đầu tư gần bảy tỷ đồng để xây dựng 18 phòng học mới và sửa chữa hàng trăm phòng học đã xuống cấp, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học… Ðến nay, hệ thống trường, lớp trên địa bàn huyện đã phát triển rộng khắp tới tất cả các xã, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của năm học mới. Năm học này, trên địa bàn huyện không còn tình trạng học ca ba như những năm trước đây. Nhiều trường trong huyện còn mua sắm trang thiết bị mới, trong đó, ưu tiên trang thiết bị phục vụ chương trình phổ cập mầm non năm tuổi. Trường mẫu giáo Hoa Hồng, ở xã Quảng Khê, vừa được đầu tư xây dựng sáu phòng học mới trị giá 700 triệu đồng. Cô giáo Phạm Thị Tuyết, quyền Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước tình trạng quá tải, những tháng hè vừa qua, huyện đã đầu tư xây dựng thêm cho nhà trường bảy phòng học mới, tạo điều kiện thuận lợi cho 285 cháu học tập.
Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về mở các trường bán trú ở những vùng khó khăn có đông đồng bào DTTS, huyện Ðác Glong đã chuyển đổi Trường THCS Ðác R’măng thành Trường phổ thông dân tộc bán trú Ðác R’măng. Sự ra đời của trường Phổ thông dân tộc bán trú này, giúp các học sinh DTTS ở các xã vùng sâu Ðác R’măng, Quảng Sơn, Ðác Hòa không chỉ được miễn học phí mà còn được trợ giúp một phần tiền ăn, ở, cho nên đã thu hút đông đảo học sinh DTTS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tới trường học tập. Nhằm khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, ngay từ giữa tháng 8, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện yêu cầu các trường huy động tất cả giáo viên tới từng thôn, buôn, gia đình tuyên truyền, vận động học sinh tới trường.
Thăm huyện Ðác R’lấp (Ðác Nông), chúng tôi gặp Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Thị vừa đi kiểm tra tiến độ xây dựng các trường học phục vụ năm học mới ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về. Ðồng chí cho biết: Với quyết tâm không để xảy ra tình trạng học ca ba và bảo đảm cơ sở vật chất cho học sinh học tập, ngay sau khi kết thúc năm học 2010-2011, huyện đã đầu tư 6,5 tỷ đồng để xây dựng 18 phòng học mới. Năm học 2011-2012, toàn huyện có 46 trường từ bậc học mầm non đến THCS, với 611 lớp. Ngoài ra, các trường học cũng xây dựng được 488 phòng chức năng, phòng hoạt động chung, các phòng ở công vụ, thư viện…
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðác Nông Trương Anh cho biết: Trong những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt-học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, Sở đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất để phát triển sự nghiệp giáo dục. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn vốn xây dựng các trường mới ở những địa phương chưa có trường học, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Nổi bật là năm học 2011-2012, chuẩn bị cơ sở vật chất, phục vụ tốt nhất cho năm học mới, trong số 140 tỷ đồng chuẩn bị cho năm học mới, ngành giáo dục cùng với các địa phương đã đầu tư hơn 108 tỷ đồng để xây dựng 265 phòng học mới và 20 tỷ đồng kiên cố hóa nhà công vụ cho giáo viên, số kinh phí còn lại dùng mua sắm các trang thiết bị phục vụ dạy và học, mua sách giáo khoa, vở viết cấp phát cho học sinh DTTS… Với những nỗ lực đó, trong năm học mới này, toàn tỉnh có 336 trường học từ bậc mầm non đến THPT, tăng 15 trường so với năm học trước, với tổng số gần 5.000 phòng học. Tuy nhiên, khó khăn của Ðác Nông là toàn tỉnh hiện vẫn còn 230 phòng học tạm, mượn, không bảo đảm tiêu chuẩn và thiếu hơn 900 phòng công vụ cho giáo viên. Bên cạnh đó, tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều (thống kê trong năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 2.153 học sinh các cấp bỏ học, chiếm 1,93% tổng số học sinh trong toàn tỉnh)… Vì vậy, trong năm học mới này, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, các cuộc vận động do Bộ Giáo dục và Ðào tạo phát động, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, ngành giáo dục tỉnh Ðác Nông còn nỗ lực phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến trường, khắc phục và hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, nhất là học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Huyện vùng cao Ðà Bắc của tỉnh Hòa Bình, một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, không khí chuẩn bị bước vào năm học mới cũng rộn ràng khắp các bản làng. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, công tác giảng dạy và học tập của huyện vùng cao này đã và đang đạt được những kết quả tốt. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðà Bắc Nguyễn Hữu An cho biết, năm học vừa qua huyện có 64 trường với 650 lớp học, 10.558 em học sinh. Ðến hết năm học, tỷ lệ học sinh ở các trường tiểu học và trung học cơ sở được lên lớp thẳng đạt gần 100%, trong đó có 72 em học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và gần 100% số xã trên địa bàn đã có cơ sở giáo dục mầm non. Bước vào năm học mới 2011-2012, số trường học và học sinh trên địa bàn huyện đã tăng hơn so với năm ngoái, cho nên công tác quản lý, giảng dạy và học tập cũng vì thế sẽ vất vả hơn. Ðể chuẩn bị cho ngày khai giảng, phòng giáo dục đã chỉ đạo các trường tập trung xây dựng mới, sửa chữa các hạng mục công trình, tu sửa cơ sở vật chất trường học để đón học sinh bước vào năm học mới được chu đáo. Bên cạnh đó, các trường cũng đã mua sắm, bổ sung thêm thiết bị dạy học, sách giáo khoa. Ðến nay, tất cả học sinh các cấp học đã có đủ sách giáo khoa, giấy, vở viết và đồ dùng thiết yếu khác để phục vụ học tập. Ðặc biệt, phòng giáo dục đã chỉ đạo các trường huy động được 100% số học sinh sáu tuổi vào lớp 1 và 100% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, đồng thời, vận động tất cả các học sinh trong độ tuổi ở các bậc học nghỉ, bỏ học những năm trước trở lại trường. Gặp chúng tôi, em Nguyễn Linh Chi, lớp trưởng lớp 5A xã Tu Lý hồ hởi khoe: "Ðể không quên kiến thức sau ba tháng nghỉ hè, thời gian ở nhà ngoài việc giúp đỡ bố mẹ công việc nhà thì em luôn dành thời gian để ôn lại bài. Ðến ngày khai giảng rồi, em và các bạn vui lắm. Hơn nữa, năm học này cũng là năm cuối ở bậc tiểu học, em sẽ phấn đấu học thật giỏi để không phụ lòng thầy giáo, cô giáo, bố mẹ và cũng là hành trang để em bước tiếp lên cấp 2".
Không khí ngày khai giảng tưng bừng khắp nơi, ngoài tâm lý nô nức chờ đón của các em học sinh, các trường ở huyện vùng cao Ðà Bắc cũng đang khẩn trương chuẩn bị điều kiện để đón các em bước vào năm học mới đạt kết quả tốt nhất. Theo Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Tu Lý Hà Văn Hoàn, để chuẩn bị cho ngày khai giảng, trường đã tổ chức ôn lại các kiến thức trọng tâm cho các em học sinh các khối 2,3,4; bồi dưỡng các kiến thức cơ bản cho giáo viên trước khi vào học. Ðồng thời, sửa chữa bảo đảm 100% số phòng, lớp học kiên cố phục vụ tốt công tác dạy, học cho giáo viên và học sinh. Ðặc biệt, trong năm học này, nhà trường sẽ đón 62 em học sinh trên địa bàn xã vào lớp 1. Trước ngày khai giảng, nhà trường đã tổ chức các buổi bồi dưỡng kỹ năng để các em làm quen với môi trường học, thầy cô, bạn bè mới. Ðồng thời, mở thêm hai điểm trường để các em có nhà cách xa trường, đi lại khó khăn đến học tập. Cô giáo Ðinh Thị Năm, Trường tiểu học Tu Lý tâm sự, đối với các em học sinh lớp 1 vào năm học mới còn nhiều bỡ ngỡ, tâm lý e dè do tiếp xúc với môi trường học, thầy cô, bạn bè mới. Biết được tâm lý đó, năm học nào tập thể các thầy giáo, cô giáo khối 1 cũng luôn tổ chức các trò chơi, múa hát để các em từng bước làm quen với môi trường mới. Ðồng thời, liên kết với phụ huynh để chuẩn bị tốt hành trang (cả vật chất lẫn tinh thần) cho các em tới lớp. Ðặc biệt, một số em học sinh khi bước vào lớp 1 viết chữ phổ thông chưa thạo, trong mỗi lần giảng dạy, nếu từ nào các em còn chưa hiểu, chưa viết được chúng tôi phải giảng đi, giảng lại nhiều lần…
Hòa cùng niềm vui chung của các thầy giáo, cô giáo trên mọi miền đất nước, những tiếng cười, những bước chân rộn ràng đến trường của học sinh và những nỗ lực, niềm tin của thầy giáo, cô giáo vùng cao, vùng khó khăn đang hứa hẹn một năm học mới với nhiều thành công.
Theo NDDT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)