Tôi muốn trốn tránh hiện tại nhưng nghĩ đến cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" khi đi làm cùng mẹ, nghĩ đến việc cả đời gắn với nông nghiệp tôi lại thầm hứa phải quyết tâm.
Tôi đang là một giáo viên THPT ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng để có hiện tại tôi cũng đã phải qua rất nhiều khó khăn, đôi khi tưởng như không vượt qua nổi.
Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo nhưng đa phần hiếu học, ngày nhỏ cũng như các bạn bè cùng trang lứa tôi được tới trường làm bạn cùng con chữ và dãy số. Cấp 1 tôi học rất khá nên được quý mến và kỳ vọng. Bố mẹ, họ hàng và nhất là ông ngoại rất tự hào về tôi vì ông làm hiệu trưởng trường cấp 2 mà.
Mọi chuyện cứ thế êm trôi thì cũng sẽ không có câu chuyện tôi đang kể. Hết cấp 1, lên cấp 2, tôi bắt đầu ham chơi và học yếu dần, mỗi năm một tụt xuống. Mọi người trong gia đình, ông ngoại đều không biết điều đó. Ông tôi vốn là người rất liêm khiết nên không bao giờ hỏi giáo viên về việc học của tôi.
Có lẽ ông sợ tôi được các thầy cô thiên vị nên giáo viên cũng không biết tôi là cháu ngoại của thầy hiệu trưởng. Cũng chưa có gì nếu như tôi đến lúc phải đối mặt với kỳ thi tuyển sinh vào cấp 3 và tôi thi rớt, một hệ quả tất yếu.
|
Tôi muốn ở nhà để đi làm, vừa giúp đỡ gia đình vừa tránh khỏi sự nhục nhã trên lớp. Nhưng nghĩ đến cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" khi đi làm cùng mẹ, nghĩ đến việc cả đời gắn với nông nghiệp tôi lại thầm hứa phải quyết tâm. |
Tôi bắt đầu thay đổi, tôi xấu hổ với bạn bè, với gia đình và nhất là với ông tôi. Tôi không dám đi ra khỏi nhà nếu không có việc gì cần thiết, mặt tôi lúc nào cũng cúi gằm xuống, ít nói, ít cười. Không còn đi học, mẹ bắt tôi làm tất cả những công việc trong gia đình, công việc của nghề nông, cứ việc gì mẹ đi làm là tôi phải làm.
Tôi biết thân phận nên cũng không dám oán than nửa lời. Chắc mẹ nghĩ gian khổ sẽ làm cho tôi biết quý trọng việc học, quyết tâm trong việc học. Thời gian đi làm cùng mẹ, tôi cũng thấu hiểu hơn sự vất vả của mẹ, tôi thương mẹ hơn và cũng làm động lực rất nhiều cho việc ôn thi lại của tôi sau này.
Hết nửa năm tôi bắt đầu đi ôn để thi lại, nói là ôn chứ thực chất là chỉ học hai môn Văn và Toán vì hồi đó thi tuyển sinh chỉ hai môn. Lúc này tôi gặp phải một khó khăn lớn vô cùng đó là lỗ hổng kiến thức. Môn Toán lúc đó thậm chí tôi không biết giải cả phương trình bậc hai. Do ông ngoại nhờ cô giáo dạy Toán kèm nên tôi trở thành đích nhắm của cô trong các tiết học.
Tôi thường xuyên bị gọi lên bảng làm bài và phải muối mặt đầu hàng các con số, đám bạn thì ngán ngẩm, có đứa thì bĩu môi, cô giáo lắc đầu. Có lẽ ông cũng biết điều đó nên ngày càng buồn hơn, già hơn. Tôi thấy tủi nhục, nhiều lúc nản chí chỉ muốn bỏ cuộc, tình trạng đó kéo dài khoảng hơn tháng.
Trong thời gian này tôi suy nghĩ rất nhiều, tư tưởng tranh đấu rất gay gắt. Nghĩ đến các bài tập, nghĩ tới việc phải lên bảng tôi lại không muốn tới trường. Tôi muốn ở nhà để đi làm, vừa giúp đỡ gia đình vừa tránh khỏi sự nhục nhã trên lớp. Tôi muốn trốn tránh hiện tại nhưng nghĩ đến cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” khi đi làm cùng mẹ, nghĩ đến việc cả đời gắn với nông nghiệp tôi lại thầm hứa phải quyết tâm.
Thêm nữa trong gia đình tôi là con trai trưởng, lại là con trai duy nhất, cũng là cháu đích tôn của dòng họ, tôi không thể để mọi người thất vọng về tôi được. Nhìn những nếp nhăn của mẹ, đôi mắt buồn của cha, tay tôi nắm chặt. Tôi hận mình, tôi thấy mình vô dụng, thấy có lỗi với cả nhà, thấy không xứng với các em, tôi là cháu lớn nhất cả bên nội lẫn bên ngoại.
Nhìn tóc ông càng thêm bạc, đôi vai trầm hẳn xuống, lưng còng nhiều hơn, ông già đi trông thấy, nhất là nhớ lại câu nói của ông ngoại khi biết tôi thi trượt: Hết nhục vì con lại nhục vì cháu. Câu nói này là động lực lớn nhất để tôi lao vào học, cũng nhờ nó mà sau này tôi có động lực để vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Lúc đó tôi nghĩ sao lại để những người thân yêu của mình phải nhục vì mình? Tại sao người ta học được mà mình không học được? Mình còn phải làm gương cho các em noi theo nữa chứ. Tôi bắt đầu lao vào học, càng ngày càng học nhiều hơn. Tôi không nhớ mình đã thức trắng bao nhiêu đêm nữa. Ban đầu tôi đọc lại tất cả các lý thuyết, làm các bài tập, ví dụ đơn giản trước.
Nhiều lần thấy tôi nhăn nhó, thức khuya mà không làm được bài, mẹ bảo lên hỏi ông. Lúc đó tôi sợ ông lắm, không dám lên, quan trọng là tôi hạ quyết tâm tự mình phải làm được tất cả, không được đầu hàng. Có lần tôi đã phải mất cả tuần mới chứng minh được một bài hình học mà chính cô giáo cũng không giải ngay được. Không thể nói được hết cảm xúc khi bất chợt lóe lên được cách giải sau một tuần trăn trở, đăm chiêu.
Tôi thấy mình như cao hơn, thấy được sự ngưỡng mộ của những người khác mà thầm tự hào và quan trọng hơn là tôi đã thật sự vượt qua được chính mình. Sau mỗi lần như vậy tôi lại có thêm niềm tin và nghị lực để tiến về phía trước. Đúng là phải qua khó khăn gian khổ mới thấy hết được giá trị của sự thành công.
Sau nửa năm đi học tôi đã vươn lên top đầu những người học cùng năm đó. Tôi cũng nhận ra được rất nhiều điều. Nếu như năm đó tôi không thi trượt chắc gì tôi đã được như bây giờ, chắc gì tôi đã biết được giá trị của niềm tin, sự quyết tâm. Tôi cũng rút ra được rằng nếu quyết tâm, kiên trì mình có thể làm được những điều bình thường mình nghĩ không bao giờ có đủ khả năng để làm.
Thất bại đó của tôi là một cú sốc nhưng đó là một đòn bẩy nâng cuộc đời của tôi lên một tầm cao mới. Giờ nghĩ lại tôi thầm cảm ơn nó, thầm cảm ơn cuộc sống đã tạo ra khó khăn để cho tôi khôn lớn. Nhờ việc thi trượt mà tôi biết tầm quan trọng của sự yêu thương, biết lấy gia đình, người thân làm động lực và sau này tất cả những yếu tố đó còn giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống.
Tôi càng thấm thía và khâm phục hơn một triết gia nào đó đã đúc kết khó khăn là vực thẳm của những kẻ yếu hèn, nhưng là nấc thang của những bậc anh tài. Đó cũng là lời nhắn nhủ thay lời kết của tôi gửi tới quý độc giả.
Theo Phạm Văn Chủ
(ion.net)
Bình luận (0)