Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nỗi lo tiền quỹ lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi là giáo viên một trường THPT có tiếng ở thành phố lớn. Đây là ngôi trường hiện đại, đầy đủ trang thiết bị dạy học, môi trường làm việc năng động, cạnh tranh, chế độ lương và đãi ngộ tốt. Vì vậy chúng tôi luôn cố gắng hết sức để làm tốt công việc của mình, vì tình yêu với trường, lớp, học trò, vừa vì “mối lo tiềm ẩn”: lo bị đào thải. Song, trong cương vị một giáo viên chủ nhiệm, tôi lại đang có một mối lo rất không đâu: lo… chi tiêu tiền quỹ lớp!
Văn hoá quà cáp” cần được "tống tiễn" khỏi môi trường sư phạm.
Năm học 2011 – 2012, thay vì phát động trong giáo viên như những năm trước, thầy hiệu trưởng đưa thành nghị quyết trong cuộc họp với đại diện phụ huynh các lớp: tuyệt đối không “phong bì” quà cáp cho giáo viên vào dịp lễ, “hạn chế” cả việc tặng hoa (một bó hoa ở thành phố này vào dịp lễ có giá từ 100.000 đồng đến… cả triệu đồng, mà mỗi lớp có tới 13 giáo viên bộ môn). Ban phụ huynh lớp chỉ được phép thu tối đa 100.000 đồng/phụ huynh/học kỳ, dùng để chi chủ yếu vào các hoạt động của lớp. Nhà trường không thu thêm bất cứ khoản phí nào của học sinh ngoài tiền học phí hàng tháng.
Đây là một nghị quyết làm nức lòng không chỉ phụ huynh học sinh. Cả giáo viên cũng thở phào nhẹ nhõm vì muốn tiễn “văn hoá quà cáp” trong ngôi trường này đi vào lịch sử.
Nhưng niềm vui của tôi qua đi rất nhanh! Sau khi thu được 3.500.000 đồng tiền quỹ hội phụ huynh (sĩ số học sinh lớp tôi là 35), ban phụ huynh chuyển cho lớp 1.750.000 đồng để chi mua phấn, phôtô bài tập trắc nghiệm, tự luận, các loại thông báo cho đến các hoạt động ngoại khoá hàng tháng hay việc ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ quỹ tình thương… Số tiền 1.750.000 đồng còn lại dùng để chi cho các hoạt động lớn hơn và thưởng cuối học kỳ. Tháng đầu tiên của học kỳ 1, lớp phó tài chính báo cáo số tiền đã chi là 410.000 đồng, tôi đã bắt đầu lo. Đến tháng 11, khi học kỳ 1 mới được ba tháng, tôi phát hoảng với đề nghị rụt rè của cán bộ lớp:
– Cô ơi, cô cho chúng em thu thêm tiền quỹ lớp của các bạn nhé. Quỹ lớp không đủ chi cho hoạt động của tháng này.
– Em nói cụ thể hơn đi.
– Quỹ lớp còn 520.000 đồng cô ạ, nhưng tháng này chi hết nhiều tiền lắm! Tiền phôtô đề cương, bài tập các môn chuẩn bị cho thi học kỳ cũng nhiều hơn, còn tiền khẩu hiệu chào mừng, lọ hoa, tiền in ảnh và đóng tập san. Hai bộ thời trang giấy của bạn T. và K. trong chương trình ngoại khoá “Hành động vì môi trường” cũng khoảng 250.000 đồng. Chúng em cũng muốn tổ chức một chương trình nhỏ của lớp nhân ngày 20.11 nữa cô ạ.
– Ừ, để cô xem!
Tôi toát mồ hôi khi nghĩ đến nghị quyết đầu năm học “không thu thêm bất cứ khoản phí nào của học sinh ngoài tiền học phí hàng tháng”. Tôi nghĩ đến việc trao đổi với ban phụ huynh tìm cách tháo gỡ. Liệu các bác phụ huynh có điều kiện và tâm huyết có thể ủng hộ cho quỹ lớp thêm một số tiền để hoạt động không? Nhưng mà “kêu gọi” thế nào đây? Tôi hiểu tâm lý của các bác phụ huynh, nếu tôi “có lời”, các bác sẽ khó lòng từ chối. Tôi cũng hình dung ra gương mặt buồn của chị trưởng ban phụ huynh khi trao đổi với tôi hôm trước:
– Nói thật với cô, chi tiền của tập thể khó lắm cô ạ! Tôi giữ 1.750.000 đồng mà dịp Trung thu và dịp tham quan của lớp đã chi hết gần nửa rồi. Lại còn việc ngày lễ 20.11, nếu tặng hoa cũng “hạn chế” thì cũng không biết chúc mừng sao cho phải, mà cũng không đủ tiền được. Với số tiền eo hẹp thế này, dùng cho thưởng cuối kỳ tôi cũng không biết mua bán ra sao. Biết là “một trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” nhưng mua phần thưởng thế nào cho bọn trẻ để động viên các con học tập cũng không dễ cô ạ. Có khi hết học kỳ tôi xin thôi làm trong ban phụ huynh, cô thông cảm cho tôi!
Được làm giáo viên chủ nhiệm là được làm giáo viên một cách “hoàn toàn” vì có cơ hội gần gũi, hiểu các em hơn, từ đó có thể có phương pháp giáo dục tốt nhất và hiệu quả. Nhưng những mối bận tâm không đâu và tốn thời gian thế này khiến tôi “sờn lòng” quá! Và khi bạn đọc những dòng này mà tôi vẫn chưa tìm ra cách gì hay, sang năm tôi xin… thôi làm giáo viên chủ nhiệm!
Theo Thuỷ Nguyễn
(SGTT.VN )

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)