Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Còn trường điểm – lớp chọn, còn… “chạy” trường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ 1-7, các trường mới bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh lớp 1. Thế nhưng, vào thời điểm này, các bậc phụ huynh đã bắt đầu cuộc đua tìm trường cho con. “Hậu” chuyện “chạy” trường đã có nhiều hệ lụy nhưng không ít phụ huynh vẫn tiếp tục “chạy” chỉ vì muốn thể hiện… đẳng cấp của mình.  

Gian nan tìm trường

Chị Ng.T.M. (quận Phú Nhuận) có con năm nay vào lớp 1 nên lo lắng: “Tôi đang nghỉ hậu sản, chăm đứa nhỏ mới được 3 tháng  nhưng hàng ngày cũng phải lên mạng tìm kiếm diễn đàn các bà mẹ, hỏi hàng xóm và dò la thông tin để xin chỗ học cho con. Tôi đang nhờ người quen xin cho con vào Trường Tiểu học Trung Nhất nhưng khó vì trường này không đúng tuyến”.
Minh họa: A.Dũng
Anh Th.S. (quận Gò Vấp) đang làm việc ở quận 1 cũng đang… chạy đua mấy hôm nay để tìm cách xin cho con vào một trường tiểu học ở quận 1. Anh bồn chồn: “Nghe nhiều người đồn chỉ cần quen biết và có tiền là 80% thành công. Nhưng tôi mới chỉ nghe nói, còn được hay không thì phải chờ”.
Còn chị Ng.T.D. (quận 4) cũng đang tìm mọi cách để xin cho con vào học ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), dù Trường Đặng Trần Côn gần kế bên nhà chị cũng mới được xây dựng lại khang trang không kém Trường Nguyễn Văn Trỗi. Lý do chỉ vì chị nghe nhiều phụ huynh “khen” Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi to, đẹp và sẽ đạt chuẩn quốc gia trong nay mai!
Trái ngược với nhiều phụ huynh khác, chị L.T.H. (quận Tân Bình), làm việc tại một công ty chứng khoán ở quận 1 lại đang tìm cách để chuyển con về học trường gần nhà. Lúc thằng bé còn ẵm ngửa, chị đã tìm mọi cách nhập hộ khẩu vào nhà người anh ở quận 1 để xin cho con vào Trường Tiểu học N.B.K. Đổi lại, mỗi ngày chị chỉ được ngủ 4 – 5 tiếng vì phải thức khuya, dậy sớm để đưa đón con đi học. Thằng bé mải miết chạy đua với bạn bè vì phải học tăng cường đủ thứ. Năm nay chị quyết tâm chuyển con về gần nhà học.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, năm nào phụ huynh cũng tìm đủ mọi cách để xin cho con vào học ở những trường được coi là trường điểm, trường tốt nhưng sau đó lại xin chuyển về gần nhà vì trẻ không chịu nổi áp lực học tập.
Chọn trường vì… đẳng cấp của cha mẹ
Theo Th.S Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, chủ trương đối với bậc tiểu học là không còn thi HS giỏi, thi tốt nghiệp để tạo điều kiện cho nhà trường có thời gian tổ chức các họat động, trò chơi cho HS phát triển hoàn thiện về nhân cách, thể chất. Đây không phải là cấp học chuyên về kiến thức nên chuẩn kỹ năng rất nhẹ nhàng. Hơn nữa, đối với trẻ 6 tuổi vào lớp 1, sức khỏe là điều quan trọng nhất. Hãy để con cái phát triển bình thường, học tập trong môi trường hài hòa giữa gia đình và nhà trường. Học gần nhà, đúng tuyến, các em sẽ có được tâm lý thoải mái, đảm bảo sức khỏe, có thời gian vui chơi. Hiện nay, nhiều phụ huynh chỉ vì “nghe nói” mà tìm mọi cách xin học cho con để thể hiện đẳng cấp của mình mà không nghĩ đến quyền lợi và sức khỏe của trẻ.
Ngay từ khi ngành giáo dục TPHCM công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, trên các diễn đàn mạng, quán cà phê, góc phố… thông tin về các trường điểm, trường chất lượng cao luôn được nhiều phụ huynh đưa ra bàn bạc để tìm cách “chạy” trường cho con. Câu hỏi đặt ra là làm sao chấm dứt được tình trạng “chạy” trường như lâu nay? Chỉ cần liên hệ một thực tế gần đây nhất, không phải ngẫu nhiên mà nền giáo dục Phần Lan nổi lên như một hiện tượng khiến các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới phải thán phục. Một trong những quan điểm giáo dục của Phần Lan là giáo dục bao quát. Mọi học sinh đều được nhận, không chọn lọc, không chia nhóm hay phân loại theo bất kỳ tiêu chí nào. Ở mọi trình độ, giáo viên đều phải giỏi và tận tâm. Giáo viên có quyền tự chủ hoàn toàn trong lớp. Chính kiểu phân biệt như trường chuyên, lớp chọn, trường điểm, trường chất lượng cao, chương trình thí điểm, tăng cường… ở nước ta như hiện nay lại càng làm thổi bùng tình trạng “chạy” trường.
* Ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 1, cho biết: “Nhiều năm nay, quận 1 phải chịu áp lực về sĩ số nên chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia. Hiện tượng xin học bằng việc nhập hộ khẩu không thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục. Để hạn chế tình trạng này, mỗi năm chúng tôi đều ưu tiên HS có hộ khẩu lâu năm ở quận, xét theo thứ tự. Những trường hợp mới nhập hộ khẩu, chúng tôi sẽ sắp xếp sang các trường khác còn chỗ chứ không theo ý của phụ huynh”.
Lê Linh / SGGP
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)