"Người xưa nói, "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", quan niệm này không còn đúng với xã hội ngày nay", GS-TS Trần Văn Khê nói.
Trong chuỗi những hoạt động của Chương trình "Văn hóa ứng xử học đường" được tổ chức tại 30 trường học trên cả nước do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội quán các bà mẹ vừa tổ chức, NTNN đã phỏng vấn GS-TS Trần Văn Khê về các vụ bạo lực học đường gần đây.
GS Trần Văn Khê và các học trò |
Giáo sư Trần Văn Khê cho biết: "Văn hóa ứng xử học đường" là một cách nhìn rất mới so với truyền thống. Ngày xưa có quan niệm "tôn sư trọng đạo", nhưng nay không nhất thiết như vậy, xã hội cần phải thay đổi tư duy. Ngày nay, cần sự tôn trọng lẫn nhau. Học trò tôn trọng thầy cô thì sẽ nhận được sự tôn trọng và ngược lại. Không thể có chuyện người trên đàn áp kẻ dưới mà phải là người lớn dẫn dắt người nhỏ. Học sinh, thầy cô giáo và gia đình cùng đoàn kết dẫn dắt lẫn nhau. Giáo dục không nhất thiết phải đàn áp, chỉ đạo, răn đe…
Hiện có rất nhiều vụ việc các em học sinh đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng, Giáo sư đánh giá thế nào về vấn đề này?
– Tôi thấy con gái đánh nhau nhiều hơn con trai. Hiện tượng này là ảnh hưởng xấu từ các trò chơi điện tử đang tràn lan trên mạng Internet. Và ngược lại, các clip này được tung lên mạng sẽ ảnh hưởng xấu đến cách ứng xử của thanh thiếu niên. Đã đến lúc phải có biện pháp mạnh chế ngự việc đưa lên mạng các clip xấu đó. Phải có hình thức phạt thật nặng và hợp lý hơn nữa để học trò thấy rằng làm bậy sẽ phải chịu hình phạt sâu sắc. Theo tôi, nếu nữ sinh mặc áo dài, được giáo dục kỹ về nền văn hóa Việt, tôn trọng sự dịu dàng nữ tính của phụ nữ Việt chắc chắn sẽ chế ngự phần nào việc đánh nhau rất bạo lực như hiện nay.
Vừa rồi tại Trường Tiểu học Tân Lập 2, TP. Nha Trang, một học sinh lớp 2 bị cô giáo đánh sưng tím tay, sau đó phụ huynh đến trường tát cô giáo. Giáo sư nói gì về sự vụ này?
– Cuộc sống như tấm gương. Đứng trước gương, nếu ta cười thì sẽ thấy một bộ mặt tươi vui và ngược lại. Cô giáo không đánh học trò thì làm sao có chuyện cha mẹ đánh cô giáo. Nhưng, phụ huynh đánh cô giáo là không thể chấp nhận được. Đem oán trả oán, bao giờ hết oán, trong mọi trường hợp nên lấy hòa khí mưu cầu hòa khí.
Trong học đường cũng như gia đình đòi hỏi sự "cho đi" của tình yêu và đó phải là cái "cho" không vị ngã, không đòi hỏi phải nhận lại được gì.
Giáo sư Trần Văn Khê
|
Người xưa nói, "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", quan niệm này không còn đúng với xã hội ngày nay. Trong đời tôi không bao giờ đánh con 1 roi, đi dạy không đánh học trò bao giờ. Tình thương sẽ cảm hóa dễ dàng và sâu sắc hơn nhiều so với răn đe, roi vọt. Tuy trẻ con cần phải được rèn luyện tính tuân thủ, lễ phép, nhưng nên có những phương pháp phạt không bạo lực, tối kị việc làm tổn thương thân thể, danh dự học sinh. Ứng xử với học trò cần phải có phương pháp linh hoạt để xử lý khéo léo và hiệu quả trong mọi tình huống mà không cần đến bạo lực.
Giáo sư sẽ nói những gì với các em học sinh trong buổi giao lưu này?
– Học đường cũng như gia đình không muốn chế ngự, không muốn đàn áp, không muốn chỉ huy, chỉ muốn các con tránh được những nguy hại trong xã hội. Hiện nay, các con như đang đi trên cầu, cha mẹ và nhà trường đang như cái lan can cầu cho các con vịn vào mà vững vàng bước tiếp, giúp cho các con không bị té ngã.
Ông cha ta nói "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", lại nói: "Nhường tam phân thiên hạ thái bình", nếu tất cả chúng ta ghi trong lòng chữ Tâm, chữ Đức và chữ Nhẫn sẽ tạo nên một lối ứng xử khéo léo, đúng mực đối với mình và đối với cha mẹ, thầy cô và bạn bè.
Xin cảm ơn thầy!
Theo Dân Việt
Bình luận (0)