Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giấc mơ làm cô giáo của cô bé mồ côi

Tạp Chí Giáo Dục

Trinh đang tranh thủ chỉ bài cho em

Mồ côi mẹ, ba bệnh nặng nên thất nghiệp, tưởng chừng phải nghỉ học, nhưng được sự giúp đỡ của bà con nội ngoại, em Trần Thị Trung Trinh (lớp 12 – Trường THPT Trung Phú) đã nỗ lực vượt qua.
Trung Trinh – tên em như cuộc đời!
Dưới cái nắng gay gắt của ngày cuối tháng 12, chúng tôi theo chân một thầy giáo tình nguyện dẫn đến nhà Trung Trinh nằm sâu trong con đường phủ đầy bụi đỏ ở ấp 2, xã Tân Thạnh Đông (Củ Chi), vừa lúc em đạp xe từ trường về nhà, mồ hôi ướt đẫm bộ đồng phục đã ngả màu vàng em đang mặc. Còn cô em gái Trần Ngọc Phương Trinh (lớp 4, Trường TH Tân Thạnh Đông II) thì đang xếp từng cuốn vở vào cặp chuẩn bị đến trường. Gia đình khó khăn, con đường đến trường đầy chông chênh nhưng chị em Trinh luôn là tấm gương hiếu học của xã và huyện, được nhận nhiều học bổng của trường.
Chuẩn bị bước vào năm học cuối cấp III, Trung Trinh và em gái đã phải chịu nỗi đau mất mát rất lớn. Đó là mẹ em đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh, khiến tinh thần hai chị em suy sụp hẳn. Trong khi đó, ba (là thầy giáo – PV) lại bị bệnh thoái hóa cột sống đã nghỉ dạy từ năm 2005 nên cuộc sống gia đình vốn đã khổ lại càng túng quẫn hơn. Chị em Trinh được bà ngoại đưa về chăm sóc, sống chủ yếu dựa vào tiền tuất của huyện trợ cấp hàng tháng (250.000 đồng/tháng). Với số tiền trợ cấp ít ỏi này, lại phải lo tiền thuốc cho ba nên cuộc sống, luôn thiếu trước hụt sau. Bởi thế nên chuyện bỏ bữa ăn sáng từ lâu đã không còn chuyện lạ đối với Trinh, nếu có ai hỏi thì em phân bua: “để dành tiền mua thuốc cho ba”. Đã có lúc Trinh nghĩ đến chuyện bỏ học để phụ ba lo cho gia đình và chăm sóc em gái nhưng với ý nghĩ “phải hoàn thiện tâm nguyện của mẹ là học để làm giáo viên nối nghiệp gia đình” nên Trinh tiếp tục đến trường với bao mong ước về một tương lai tươi đẹp. Sáng đi học, chiều về chăm sóc ba và em gái. Hôm nào nghỉ học, em tranh thủ ra vườn rau phụ làm cỏ cùng với ngoại. Tối đến, khi mọi công việc nhà đã xong, Trinh mới ngồi vào bàn học cho đến khuya. Mồ côi mẹ, ba lại không có việc làm, cuộc sống thiếu thốn nhưng Trinh không hề nản chí, em nói: “Buồn cũng không biết làm gì, cố gắng vượt qua khó khăn học tốt để làm gương cho em và nhất là không để ba phải buồn”. Và cứ như thế chị em Trinh đang nuôi ước mơ của mình ngày một lớn dần bằng những điểm 10 đỏ thắm. Anh Trần Văn Ngạnh – ba của Trinh – ngậm ngùi kể: “Lúc trước hai vợ chồng còn đi dạy nên cuộc sống gia đình cũng đỡ, bây giờ lâm vào cảnh bệnh tật, mẹ cháu không còn nên việc chị em cháu được đi học là niềm hạnh phúc của tôi”.
Giấc mơ nối nghiệp gia đình
“Giấc mơ được làm cô giáo để nối nghiệp gia đình theo ước nguyện cuối đời của mẹ, làm cho ba vui lòng và lo việc học cho đứa em gái là mục tiêu của em trong những năm tới” – Trinh tâm sự.
Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng không có gì đáng giá ngoài những tấm giấy khen của hai chị em Trinh được anh Ngạnh bọc kỹ trong nhiều lớp ni lông treo ngay ngắn trên bức tường gạch. Đó là vật quý giá nhất mà anh cố gắng gìn giữ cho con.
Có thấu hiểu được cuộc sống của gia đình em mới thấy quý những thành tích mà em đạt được: 9 năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, đặc biệt hai môn lý và toán luôn là thế mạnh khi liên tục đạt điểm trung bình trên 9. Với Trinh, tất cả các môn học phải phấn đấu đạt điểm 8-9, vì “em còn phải làm gương cho em gái”. Lên cấp III, Trinh vẫn luôn chứng minh sức học của mình khi liên tục đạt danh hiệu học sinh khá và đang là thành viên đội Olympic môn địa của Trường THPT Trung Phú. Không chỉ học giỏi, Trinh còn hòa đồng với bạn bè và không bao giờ tỏ ra tự ti và mặc cảm vì cái nghèo, em luôn tích cực tham gia các phong trào Đoàn ở trường, ở xã. Năm cuối cấp THPT, Trần Thị Trung Trinh đang nỗ lực cho giấc mơ vào đại học của mình.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Bình luận (0)