Trong hàng triệu học sinh – sinh viên bước vào năm học mới, có không ít những hoàn cảnh éo le cản trở con đường các bạn đến trường thực hiện ước mơ cao đẹp nhất là học tập. 3 sinh viên mà chúng tôi gặp cũng ở vào cảnh khó khăn nhưng không chùn bước. Các sinh viên đã tự vượt lên chính mình với tâm niệm lạc quan rất sinh viên: Vạn sự khởi đầu nan nhưng gặp gian nan… không được nản. Đó cũng là những bạn trẻ vừa nhận học bổng vượt khó học giỏi của Báo SGGP Đầu tư Tài chính.
1. Ấn tượng đầu tiên khi gặp cô sinh viên Trường ĐH KHXH-NV Trần Thu Ngưng chính là sự đối lập. Cô bé có khuôn mặt nhỏ nhắn, khá xinh nhưng lại bị “phá” bởi đôi mắt buồn như lúc nào cũng chực chờ sắp khóc. Có lẽ, cuộc sống khó khăn đã buộc Ngưng già trước tuổi. Bố bỏ mẹ khi 3 chị em Ngưng còn là học sinh trường làng ở Đồng Nai. Người mẹ bất hạnh phải tần tảo nuôi 3 cô con gái ăn học. Gia đình nhỏ bé lại càng thêm khốn khó khi mẹ Ngưng mắc bệnh ung thư. Bán nốt căn nhà nhỏ để chạy chữa thuốc men, 4 mẹ con dẫn nhau ra Bà Rịa thuê nhà ở trọ. Rồi tiền cũng hết và mẹ ra đi, người chị lớn phải nghỉ học, ở nhà may vá, làm thuê để nuôi 2 em ăn học…
Chuỗi ngày khốn khó trong quá khứ không phải là niềm tự hào nhưng lại là động lực để Thu Ngưng vững bước trên đường đời. Suốt quãng thời gian đi học, nhiều lần phải đối mặt với “bản án” nghỉ học, xa trường lớp bạn bè càng giúp Ngưng trân trọng ý nghĩa của việc được đi học. Nên khi vào TPHCM học ngành Đô thị Trường ĐH KHXH-NV, Ngưng chưa từng vắng buổi nào. “Nếu phải nghỉ học đồng nghĩa với tương lai của em cũng mù mịt. Em phải học tốt, ra trường có việc làm để chị em yên tâm. Đến giờ, chị em vẫn chưa lấy chồng…”, Ngưng tâm sự.
Hoàn cảnh tạo nên tính cách con người, Thu Ngưng tự lập trong việc học và cũng không cần phải đi học thêm như bạn bè. Vào TPHCM, cô bé đánh vật với các việc làm thêm để trang trải các món tiền ăn học. 2 năm làm sinh viên, Thu Ngưng vẫn giữ được sức học khá. “Em đang sắp xếp thời gian dạy kèm để cố gắng học thêm ngoại ngữ. Khi ra trường, có thêm nhiều ngoại ngữ sẽ thêm nhiều cơ hội có việc làm tốt”, Thu Ngưng chia sẻ dự tính cho tương lai.
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến trao học bổng cho các sinh viên nghèo, học giỏi của ĐH Kinh tế TPHCM.Ảnh: Mai Hải
|
2. Nguyễn Thị Thúy rời làng quê nghèo ở Hà Tây quyết định “Nam tiến” vào Trường ĐH Ngân hàng TPHCM với điểm thi tuyển cao chót vót. Kết thúc năm học đầu tiên, Thúy làm gần 100 bạn học cùng lớp ngỡ ngàng khi đạt điểm số 9.0 đáng mơ ước. Không những thế, cô bạn còn học giỏi tiếng Anh và “lận lưng” ít vốn tiếng Nhật, Trung… Khi được hỏi bí quyết học giỏi, Thúy cho biết: “Bài học trên lớp, em chỉ tập trung học ở lớp, không mang về nhà. Ở nhà, em không có nhiều thời gian rảnh nên chủ yếu chỉ làm bài tập, học ngoại ngữ. Phần lớn thời gian còn lại, em phải đi làm thêm để lo cho cuộc sống”. Tuy cách nói chuyện còn khiêm tốn nhưng ấn tượng Thúy để lại với người đối diện luôn là sự tự tin, khéo léo và bản lĩnh.
Là con gái thứ 2 trong gia đình có 6 anh chị em, trong đó, đứa em nhỏ nhất mới chỉ vài tháng tuổi, nên Thúy sớm rèn cho mình tính tự lập. Từ nhỏ, Thúy đã tự lặn lội đi bộ đến trường nhưng năm nào cũng đạt học sinh xuất sắc, lại còn tranh thủ “hái” thêm nhiều giải thưởng học sinh giỏi của tỉnh. Thúy kể: Nhà có mảnh đất nhỏ làm ruộng nên chỉ có thể sống tạm qua ngày. Những lúc ốm đau phải chạy tiền thuốc thang nên cả nhà ít ai dám ngã bệnh. Đa số người dân trong làng của em vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo, gia đình nào cũng sinh nhiều con nên quanh năm nghèo túng. Như nhà em, mẹ là lao động chính nhưng sinh 6 đứa con liên tục nên nhà cứ mãi túng thiếu. Vì thế, em tự nhủ, chỉ có học thật tốt mới thoát khỏi khó khăn”.
Ngày lên đường vào Nam học, hành trang của Thúy là đống sách vở, quần áo cũ và 1 triệu đồng mẹ vừa vay nóng. Ý thức được cảnh nhà khó khăn, Thúy không dám đụng đến tiền mẹ cho, vừa vào TPHCM học được vài ngày, Thúy tìm việc làm thêm, chắt góp gửi về cho mẹ 2 triệu đồng kèm theo lời nhắn: “Con sẽ tự sống tốt, mẹ để dành tiền lo cho các em”… Giữ đúng lời hứa, Thúy là một trong những SV có điểm học tập cao nhất khoa Kế toán Kiểm toán bằng nỗ lực không ngừng.
3. Trong số những sinh viên được học bổng của Báo SGGP Đầu tư Tài chính, Võ Đoàn Nguyễn Trãi của ĐH Kinh tế cho người gặp cảm giác đúng chất sinh viên nhất. Dí dỏm, lạc quan, thường xuyên sinh hoạt Đoàn – Hội, tham gia tình nguyện Mùa hè xanh… dù hoàn cảnh gia đình cũng chẳng may mắn hơn. Không chỉ là người dân của xã Gia Thuận nghèo nhất tỉnh Tiền Giang, gia đình Trãi cũng là một trong những hộ khó khăn nhất xã. Ít đất canh tác nên ba mẹ Trãi phải cấy thuê, gặt mướn cho hàng xóm để sống qua ngày. Là con trai duy nhất nên cả nhà quyết dành dụm, làm mọi cách để Trãi được ăn học đến nơi đến chốn.
Chính vì kỳ vọng của gia đình, Trãi chọn cho mình cách sống cống hiến, hết mình vì mọi người. Vào đại học, dù phải tất bật làm thêm, dạy kèm nhiều nơi để trang trải tiền học nhưng Trãi cố gắng giữ vững thành tích sinh viên khá giỏi, vì Trãi ý thức: “Dù em có kiếm tiền giỏi đến mấy cũng không làm ba mẹ vui bằng em học tốt, tương lai sẽ vững chắc hơn khi tích cóp kiến thức vững vàng trong nhà trường”. Không chỉ thế, Trãi còn tranh thủ tham gia các hoạt động Đoàn – Hội, đi đến những vùng xa xôi làm công tác tình nguyện
TIÊU HÀ / SGGP
Bình luận (0)