Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Người thầy hóa giải những điều “tưởng như không thể…”

Tạp Chí Giáo Dục

10 năm nay, thầy Nguyễn Duy Quy không ngừng nghĩ cách làm ra những đồ dùng học tập thuận tiện hơn cho những học trò đặc biệt của mình: những học trò khiếm thị.

“Tôi đặt mình vào hoàn cảnh của các em, đặt mình trong những khó khăn của các em khi theo học môn Toán ở nhà trường phổ thông mày mò chế ra những đồ dùng phụ trợ cho các em hình dung và nắm bắt Toán học bằng cảm nhận của đôi bàn tay và trí nhớ” – thầy Nguyễn Duy Quy, giáo viên bộ môn Toán, phụ trách tổ “hòa nhập” trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) cho biết.
 Người thầy “tận tuỵ sáng tạo vì học trò”.
Liên tục sáng tạo những đồ dùng học tập đặc biệt
10 năm, thầy Quy nhớ lại những ngày đầu về ngôi trường đặc biệt với những học sinh đặc biệt, thầy thật lòng tâm sự: “Từ Quảng Nam chuyển công tác về Đà Nẵng, tôi hoàn toàn bất ngờ và cả lúng túng nữa khi được phân bổ về trường. Trước đó, tôi chưa từng có kinh nghiệm giảng dạy học sinh khiếm thị, chưa từng có kinh nghiệm truyền đạt kiến thức cho những học trò đặc biệt. Môn đại số còn có thể nhẫn nại truyền miệng được nhưng trong Toán học còn có hình học. Không biết làm sao để các em hình dung ra những hình vuông, hình tròn, những góc, những đỉnh…, tôi cứ day dứt. Rồi chính các em chứ không ai khác đã dạy tôi học chữ nổi, cách tiếp cận tri thức của những người chẳng may không được nhìn thấy ánh sáng. Cũng chính niềm khao khát được học chữ của các em đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó giúp các em và cả giúp tôi trong việc truyền đạt kiến thức”.
Vậy là những đồ dùng học tập dành cho học sinh khiếm thị được ra đời dưới bàn tay của người thầy “tận tuỵ sáng tạo vì học trò” như lời thạc sĩ Lê Thị Tuyết Mai, hiệu trưởng trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, nói về thầy Nguyễn Duy Quy.
Truyền đạt cho học sinh khiếm thị những khái niệm mới trong tất cả các môn học là việc chẳng dễ dàng. Giáo viên phải truyền đạt chậm rãi, minh hoạ cụ thể, trực tiếp, nhất là trong những giờ Toán có vẽ hình minh hoạ, các công thức, những định lý, định nghĩa. Để các em tiếp thu được môn hình học, thầy chẳng thể nói suông, cũng chẳng thể cầm phấn vạch hình trên bảng như khi dạy học sinh bình thường, mà phải có đồ dùng học tập đặc biệt hỗ trợ. Trong khi, bấy giờ, các thiết bị sản xuất dành cho học sinh khiếm thị rất khan hiếm, giáo viên chỉ còn cách tìm cách làm lấy và cải tiến dần chức năng của các đồ dùng học tập qua kinh nghiệm truyền đạt kiến thức đến học trò.
Nụ cười của những học trò đặc biệt khi vỡ lẽ ra và hình dung những khái niệm Toán học là phần thưởng lớn nhất với thầy Quy.
“Ban đầu, để đảm bảo chất lượng cho các tiết dạy có những hình ảnh để minh họa, tôi đã phải tốn rất nhiều thời gian chuẩn bị các hình vẽ. Cứ mỗi hình vẽ trên giấy bìa cứng bằng bảng lưới hoặc bảng braille (bảng chữ nổi) mất từ 3 – 5 phút, và chỉ dùng được một lần” – thầy Nguyễn Duy Quy cho biết.
Trong quá trình giảng dạy, để tiết kiệm thời gian và nguyên liệu, thầy Quy đã cố gắng để làm ra nhiều đồ dùng dạy học như hình tam giác đa năng, tứ giác đa năng, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học nhằm giúp các em dễ nắm bắt kiến thức và phần nào đỡ vất vả cho giáo viên. Nhưng những dụng cụ này cũng chỉ sử dụng được trong một chương, sang chương khác lại phải làm mới hoàn toàn. Mất hơn hai tháng mày mò, thử nghiệm, thầy Quy đã chế tạo ra Bảng từ dạy học môn Toán. Xuất phát từ đặc thù của học sinh khiếm thị, tất cả các mô hình phải cố định (dù là một cách tương đối) để tạo cho các em thói quen tiếp nhận. Từ đó, thầy Quy nảy ra ý định dùng tính chất của nam châm để giữ ổn định các hình khối. Nhưng thầy vẫn trăn trở khi nhìn học trò vất vả làm bài tập hình học.
“Có bảng từ rồi, việc truyền đạt kiến thức của giáo viên đến học sinh thuận tiện, dễ dàng hơn, nhưng các em học sinh không vì thế mà bớt vất vả. Bảng từ chỉ có tác dụng để dạy – học lý thuyết, minh họa các định nghĩa, định lý còn khi làm bài tập, học sinh nhất định phải vẽ hình vào vở. Trong khi vẽ hình trên bảng braille nên chỉ vẽ được những đường thẳng, đường ngang còn hình tròn thì “chịu”. Mà cũng chỉ vẽ được hình tam giác, hình vuông… chứ hình thoi thì rất mất thời gian” – thầy Quy kể.
Thầy lại miệt mài nghĩ cách cải tiến bảng từ sao cho cả thầy và trò đều linh động dùng được. Và bảng lưới từ hình thành từ cuối năm ngoái sau hai năm thầy “thử đủ cách”.
Từ bảng từ với các hình học đính cố định ban đầu, thầy Quy đã sáng chế thêm bảng lưới và các dụng cụ lắp ghép, vẽ hình môn Toán, giúp học sinh tiết kiệm được thời gian vẽ hình, nhất là các hình tròn. Để có được dụng cụ vẽ hình tròn này, lúc đầu, thầy Quy dùng hai thanh gỗ kẹp lại – có đục lỗ thủng để học sinh dùng bút kim loại dùi vào giấy – mô phỏng theo kiểu com-pa. Thế nhưng, vì làm bằng gỗ nên chỉ cần học sinh “dùi” một thời gian ngắn, các lỗ đục sẽ to dần ra, không thể định vị được, thầy Quy lại nghĩ cách thay đổi, chuyển sang dùng inox rồi dùng nhựa để “vừa nhẹ mà các em sử dụng cũng an toàn”.
Công phu hơn cả là bộ hình mẫu cho các em. “Lúc đầu mới làm quen với môn hình học, tôi yêu cầu học sinh tự vẽ lấy để các em quen thao tác. Nhưng khi đã quen rồi, thì nhất định phải có dụng cụ hỗ trợ để các em tiết kiệm được thời gian vẽ hình để còn làm bài tập, nhất là trong thi cử. Chính vì vậy, tôi làm sẵn cho các em bộ hình mẫu”.
Làm hình thì nhanh, nhưng công phu nhất là đục chữ nỗi để dán ở hình mẫu. Hình được làm bằng giấy đề can, dán vào miếng nhựa rồi đục chữ, bọc lại để học sinh có thể sờ được chữ nổi. “Nhờ những dụng cụ này, học sinh của mình hứng thú hơn trong học tập, tạo cho các em niềm say mê với bộ môn”, thầy Quy phấn khởi nói.
Phần thưởng lớn nhất
Nhờ những đồ dùng học tập do thầy Quy sáng tạo nên, nhiều học trò đã tự tin đi học “hòa nhập” ở các trường THCS và PTTH bình thường và mang về những thành tích học tập đáng nể như em Võ Văn Nhựt, học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều năm liền là học sinh giỏi.
Nhựt tâm sự: “Nhờ thầy tận tuỵ mà bọn em có được những đồ dùng học tập quý báu này làm hành trang đến trường học hòa nhập với những bạn học bình thường. Có trải qua cảm giác “bất lực” khi tiếp cận môn hình học mà không thể hình dung ra nó mới hiểu cảm giác quý báu của bọn em với những đồ dùng của thầy. Nhờ những đồ dùng ấy, kiến thức hình học của bọn em đã được khai sáng”.
Với những dụng cụ học tập sáng tạo dành cho hoc sinh khiếm thị, thầy Nguyễn Duy Quy đã nhận được nhiều giải thưởng cao trong các Hội thi sáng tạo đồ dùng học tập dành cho học sinh mà gần đây nhất là giải nhì toàn quốc năm 2008 với bộ sách giáo khoa môn Toán học bằng chữ nổi và bảng lưới từ hỗ trợ học sinh khiếm thị. Nhưng với thầy, phần thưởng lớn nhất chính là nụ cười của học trò khi các em “vỡ lẽ” ra một khái niệm Toán học, giải quyết gọn gàng một bài tập Toán hình tưởng chừng như không thể với một học sinh khiếm thị…
Khánh Hiền/Dan tri

Bình luận (0)