Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

105 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ: Nữ du kích Củ Chi – huyền thoại trong lòng đất

Tạp Chí Giáo Dục

 

Bà Võ Thị Mô (bìa trái), bà Nguyễn Thị Gừng, bà Nguyễn Thị Thược và bà Cao Thị Hương (lần lượt thứ 3 từ trái qua) giao lưu trong chương trình Huyền thoại trong lòng đất
Đến với cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng chiến công của các nữ du kích Củ Chi (TP.HCM) đã đi vào huyền thoại. Tinh thần chiến đấu của họ là nỗi khiếp sợ của kẻ thù, là thành trì của cách mạng miền Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các nữ du kích trở về với cuộc sống đời thường, bình dị, chân chất, nhân hậu, góp phần làm giàu đẹp mảnh đất đã từng bị cày xới bởi bom đạn chiến tranh.
Tuổi 13 em ra trận
Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi may mắn được gặp lại bà Võ Thị Mô (sinh 1947), nguyên Trung đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi – dũng sĩ diệt Mỹ. Bà Mô kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của 55 năm trước: Năm 13 tuổi, ba bắt phải đi học nhưng tôi kiên quyết ở nhà để được tham gia đào địa đạo cùng các cô chú bộ đội. Dù bị ba ngăn cấm nhưng sau đó tôi cũng được các cô chú phân công làm liên lạc mật, đưa dẫn cán bộ ra vào căn cứ. Với những cố gắng của bản thân, tháng 12-1966, tôi vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, khi ấy tôi 19 tuổi.
Năm 15 tuổi, tôi đi cáng thương tải đạn. Lúc này tôi cân nặng tròm trèm 30kg nhưng mỗi lần tải 3 trái pháo, đạn cối nặng đến… 50kg, lại đi qua cánh đồng Chó Ngáp (Long An). Trước khi lên đường đi tải đạn tôi đều nhịn đói vì cứ sau giờ lùa trâu bò về nhốt là tôi lẻn đi theo đoàn dân công, bởi vào nhà là ba không cho đi. Nhiều lần bị ba đánh đòn, tôi trình bày lại với các cô chú mọi chuyện. Thương con bé sớm ý thức giác ngộ cách mạng, từ đó về sau, mỗi lần hành quân qua làng là các cô chú tá túc nhà tôi ngủ, có họ ba tôi sẽ không đánh đòn nữa…
13 tuổi đã đi đánh trận và góp phần làm nên sức mạnh qua công tác dân vận của Đội nữ du kích Củ Chi là bà Nguyễn Thị Thược. Từ năm 12 tuổi, bà Thược đã được dìu dắt bởi các cô chú bộ đội, hàng ngày vừa chăn trâu vừa vào ra ấp chiến lược để nắm bắt tình hình địch. Ngày địch bắn phá ấp Gò Nổi, dân di tản hết, chứng kiến cảnh tàn phá, giết chóc dân lành, bà Thược xin đi đánh Mỹ để trả thù. Chỉ sau một thời gian ngắn, bà đã lập nhiều chiến công trong các chiến dịch phá hỏng xe quân sự, cài mìn đánh đuổi Mỹ năm 67, đào hầm giấu thương binh năm 68…
Xá chi phận nữ nhi
Nữ du kích Củ Chi Nguyễn Thị Gừng – dũng sĩ diệt Mỹ – nhớ lại thuở thiếu niên: Năm tôi lên 12 tuổi, biết ba hoạt động cách mạng, tôi cũng xung phong đi đưa thư. Ông căn dặn tôi: “Nếu con bị bắt thì cứ khai các tài liệu có được là do nhặt ở đâu đó”. Tháng ngày ngắn ngủi ra vào căn cứ, được sự tin tưởng và phân công của cấp trên, nữ du kích Nguyễn Thị Gừng đã bí mật ám sát nhiều lính Mỹ, những tên ác ôn hiếp đáp dân lành vô tội. Cô bé có vóc người bé nhỏ lại làm bấn loạn tinh thần lính Mỹ liên tục nhiều ngày khiến chúng tức khí, quyết mở các đợt càn quét truy lùng, bắt bớ. Chuyện gì đến cũng đến, Nguyễn Thị Gừng bị địch bắt. Sau khi được bảo lãnh, cô bé càng chứng tỏ mình qua nhiều chiến công. Đến đầu năm 1964, Nguyễn Thị Gừng gia nhập du kích Trung Lập Hạ để tránh tai mắt địch. Giọng bà như lặng xuống, đôi mắt đượm buồn: “Trận Lào Táo, du kích mình hy sinh gần hết. Hình ảnh anh em nằm xuống, người bê bết máu nhưng tay vẫn giữ chặt súng, bóp cò. Người này hy sinh, người khác xông lên giữ vị trí… Tôi chưa bao giờ cho phép mình quên ngày tháng ấy”.
“Một hôm, cấp trên cho gọi tôi lên hỏi: “Con thích đi ngành nào? Mừng quá, tôi trả lời như đã sắp đặt: “Ngành nào có súng thì đi”. Lúc nhận súng, tôi chưa biết gì về nó. Tôi tự mày mò, học hỏi rồi cũng thành thạo”, bà Cao Thị Hương, thành viên Tổ du kích Tân An Hội, nói.
Làm nên huyền thoại Đội nữ du kích Củ Chi còn có bà Cao Thị Hương, thành viên Tổ du kích Tân An Hội. Cũng như các chị trong Đội nữ du kích Củ Chi, bà Hương tình nguyện tham gia cách mạng ở tuổi thiếu niên. Bà kể lại: “Khi tôi trình bày nguyện vọng của mình, không ít người bảo: “Mày là con gái, lại con nít, biết gì mà chiến với đấu”. Nghe vậy tôi buồn lắm nhưng vẫn kiên trì thuyết phục. Một hôm, cấp trên cho gọi tôi lên hỏi: “Con thích đi ngành nào?”. Mừng quá, tôi trả lời như đã sắp đặt: “Ngành nào có súng thì đi”. Lúc nhận súng, tôi chưa biết gì về nó. Tôi tự mày mò, học hỏi rồi cũng thành thạo. Ngày 12-12-1965, chúng tôi (gồm 4 người, trong đó chỉ có tôi là nữ) được phân công bắn máy bay càn quét. Ba đồng chí kia không muốn tôi tham gia, cố tình trêu ghẹo “là đàn bà” nên bàn nhau bỏ chạy trốn tôi. Quãng đường họ cách tôi mỗi giờ một xa hơn nhưng tôi không nản. Trên đường chạy, máy bay khu trục quần trên đầu, dội bom ầm ĩ cày nát đường làng, phá tan nhà cửa. Ba người nằm xuống tránh bom, còn tôi cứ chạy dưới làn bom đạn trút như mưa. Khi họ đến công sự chiến đấu đã thấy tôi ở đó từ trước. Nhìn tôi, cả ba cùng đồng thanh “con nhỏ này giỏi”.
Sáng sớm cuối năm 1965, máy bay khu trục Mỹ dàn hàng ngang chuẩn bị cho đợt càn vùng chiến sự Củ Chi, bà Hương đã lập chiến công khi chiếc máy bay Mỹ bổ nhào trước họng súng của bà.
Câu chuyện thần kỳ của Đội nữ du kích Củ Chi rồi sẽ lần lượt theo các bà đi xa nhưng thế hệ trẻ sẽ không bao giờ quên những người đã làm nên huyền thoại, làm nên lịch sử của thành trì cách mạng miền Nam.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
 
“Tôi sẵn sàng cầm súng ra trận, nếu…”
Nhắc đến Đội nữ du kích Củ Chi là nhắc đến những tháng ngày đào hầm, cáng thương tải đạn, xông pha trận mạc dưới bom đạn của kẻ thù của những cô gái tuổi chưa tròn trăng. Thế nhưng, các chị bước vào cuộc chiến một cách dễ dàng với một tinh thần đầy lạc quan. Đất nước im tiếng súng, ở “cái tuổi không quên mới lạ”, các chị – giờ đã lên chức bà – không bao giờ quên tháng ngày xưa cũ.
Bà Võ Thị Mô hồi tưởng: Sư đoàn Bộ binh 25 (Tia chớp nhiệt đới) của Mỹ đóng quân ở Đồng Dù chuẩn bị đổ quân mở càn trong 15 ngày ở vùng Mỹ Hưng và Nhuận Đức (Củ Chi). Ngay thời điểm dầu sôi lửa bỏng ấy có một người ra hàng ở Đồng Dù, kể lại chuyện là tôi đã không ra tay bắn hạ 4 lính Mỹ. Tôi nhớ rất rõ ngày hôm đó, 4 lính Mỹ ngồi bên nhau đọc thư và xem ảnh của gia đình rồi ôm nhau òa khóc, cạnh đó là một trái pháo 105 ly mà chúng tôi đã cài từ trước. Tôi không bắn hạ vì hình ảnh ấy làm tôi xúc động đến rơi nước mắt, không thể bóp cò. Cách đây chưa lâu, một trong số 4 lính Mỹ ấy trở lại Việt Nam và đi khắp nơi tìm gặp tôi để được diện kiến người phụ nữ đứng bên kia chiến tuyến có trái tim nhân hậu đã một lần “trả sinh mạng của mình về cho gia đình mình”.
Bà Mô cho biết thêm: “Về nước, ông ta quyết định đi học quay phim để mong có dịp trở lại Việt Nam làm phim về cuộc chiến tại vùng đất thép Củ Chi cũng như ca ngợi về Đội nữ du kích Củ Chi. Cảm kích trước cuộc sống đời thường bình dị, ông ta có nhã ý tặng tôi một món quà. Ông hỏi tôi cần món quà gì sẽ đáp ứng. Thời gian ấy tôi bệnh nặng, kinh tế kiệt quệ nhưng không thể làm gì ảnh hưởng đến đồng đội, đến thể diện quốc gia, tôi liền trả lời: Muốn thì nhiều lắm nhưng mong muốn lớn nhất là đừng có ai xâm chiếm đất nước tôi một lần nữa. Nếu có, tôi sẵn sàng cầm súng ra trận”.
Giới sưu tập tem còn biết đến bà Mô qua con tem do họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẽ, Ủy ban Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam ấn hành.
T. Tri
 
 

Bình luận (0)