Lớp học tạm bợ ở Ch’Ơm (Tây Giang, Quảng Nam)
|
Nằm cách trung tâm thị trấn T’Viêng (huyện Tây Giang, Quảng Nam) tầm 65 cây số về phía Tây, giáp biên giới nước bạn Lào, đường đến Ch’Ơm vời vợi giữa mây ngàn gió núi. Mỗi con chữ nảy mầm ở đất này đều thấm nỗi nhọc nhằn không chỉ riêng các thế hệ học trò người dân tộc thiểu số khi đời sống kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu mà thấm cả mồ hôi của những thầy cô giáo ngày đêm cắm bản.
Vượt quãng đường hơn 200km từ TP.Đà Nẵng đến trung tâm huyện Tây Giang, bỏ lại sau lưng cái ồn ã của phố xá, thị trấn T’Viêng đón chúng tôi bằng cơn mưa chiều nặng hạt cùng cái lạnh chốn núi rừng buốt giá. “Từ đây còn phải đi hơn 65km nữa mới đến được trung tâm xã Ch’Ơm đấy. Trời mưa này, đường đi vất vả lắm”, thầy Nguyễn Hữu Nhất, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ch’Ơm cảnh báo. Mưa làm con đường đến Ch’Ơm trở nên trơn trượt. Đã ngồi lên xe máy, người đi chỉ còn cách hướng về phía trước như người lính cảm tử. Một bên cheo leo vách núi, bên còn lại là vực sâu, không ai dám nghĩ nhưng câu hỏi: Lỡ xe mất thắng… vẫn cứ rõ mồn một. Thâm tâm người cầm lái lúc đó biết chắc mình đang sờ, nắm số phận mình gần nhất trên cung đường này.
Trò chân đất
Lũ trẻ Trường Tiểu học Ch’Ơm đón khách lạ bằng ánh nhìn ngơ ngác. Manh áo mỏng phong phanh trong giá rét, các em co cụm lại bên vách lớp học cũ nát. Thầy Nhất trầm tư: “Toàn xã có 5 điểm trường (kể cả điểm trường chính), cả 5 điểm này đều được dựng tạm bợ bằng tôn cũ, nứa lá và vách ván từ rất lâu, phần lớn đã xuống cấp, mục nát”. Lớp học trống hoác, gió thổi thông thống, HS dù gồng mình chịu đựng cái lạnh nhưng mặt mũi vẫn tím tái, những đôi chân va vào nhau, con chữ xiêu vẹo… “Đời sống kinh tế còn khó khăn lắm, HS đến lớp học thiếu thốn đủ thứ, nhất là vào mùa lạnh thấy thương các em đến nao lòng. Mỗi GV chúng tôi ở đây hễ có dịp về xuôi là quyên góp áo quần cho các em nhưng chỉ hỗ trợ được phần nào, nhu cầu đủ ấm giữa chốn núi rừng quanh năm mây phủ này cần có sự chung tay của nhiều tấm lòng hảo tâm nữa mới mong sưởi ấm cho các em”, thầy Nhất trăn trở.
Theo thống kê, hiện toàn xã Ch’Ơm có gần 250 HS, kể cả bậc tiểu học và mầm non. Trường học hết sức tạm bợ, khoảng cách giữa các điểm trường khá xa và cách trở. Ước tính sơ bộ, các điểm trường này cần khoảng hơn chục phòng học nữa mới mong đáp ứng đủ nhu cầu lớp học. Tất thảy chia làm 18 lớp học nhưng chỉ có 13 phòng học bán kiên cố và tạm bợ. HS không có nhà bán trú, không được tiếp cận các môn học như tiếng Anh, tin học.
HS tiểu học, mầm non đến trường gian khổ là vậy. HS lên cấp 2 và 3 còn vất vả gấp bội. Các em từ lớp 6 trở lên muốn tiếp tục học phải đi cách xa nhà 15km, đến tận xã Axan mới có trường. Tình trạng bỏ học thường xuyên xảy ra một phần vì nguyên nhân này. “Đời sống bà con dân bản còn nghèo, chủ yếu dựa vào cây lúa rẫy, các cháu HS đi học xa nhà quá trong khi điều kiện đi lại hết sức khó khăn nên cháu nào quyết tâm lắm mới không nghỉ học giữa chừng”, ông Tangon Ươn, Trưởng bản A Tu II cho biết.
Khó khăn, điều kiện tiếp cận, giao lưu học hỏi với các nơi phát triển gần như không có, phần lớn HS tiểu học ở xã này chỉ đánh giá trên mặt bằng hai môn toán và tiếng Việt, các môn còn lại chỉ coi như học thêm cho biết. Thế nhưng tỷ lệ HS khá trên mặt bằng chung ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay. HS yếu, kém chiếm đến gần 30%, đa số xếp vào loại trung bình.
Trường học: Nền lở, vách cũ, gió lùa, rệu rã
Thầy và trò ở Ch’Ơm (Tây Giang, Quảng Nam |
Xã Ch’Ơm nằm sát biên giới Việt Lào. Xã có 8 thôn bản. Trên 90% hộ nghèo. Đường sá đi lại khó khăn, không trạm y tế, trường lớp tạm bợ, khổ nhất vẫn là giáo dục… Ông A Lăng Hưng, Chủ tịch UBND xã bấm đốt ngón tay: Những ngôi trường được dựng lên ở xã này chí ít cũng đã trên dưới chục năm, nền lở, vách cũ gió lùa, rệu rã. Nhà công vụ cho giáo viên ở 5 điểm trường chỉ có 1 phòng, nhiều người phải nhờ sự giúp đỡ của bà con dân bản dựng mấy manh ván tạm bợ làm nơi trú tránh nắng mưa. Không điện thắp sáng. Giáo án soạn vào ban trưa. Tầm 4 giờ chiều mọi thứ đều chìm trong bóng tối, ngọn đèn dầu leo lét may ra chỉ trông lờ mờ những thứ trong căn lều chật chội để khỏi va vấp. Cô Trần Thị Ái, một GV trẻ quê ở TP.Đà Nẵng vừa lên nhận công tác từ đầu năm học bộc bạch: “Ban đầu lên bỡ ngỡ, tầm chiều tối là buồn lắm. Cũng may bà con ở đây tốt bụng, lũ học trò tội quá, lâu dần thấy gần gũi, đêm bớt dài hơn”.
Sóng điện thoại ở đây càng xa xỉ. Thầy Nhất cho biết: “Anh em ở trên này cứ tan lớp là rủ nhau lên một quả đồi cao, cầm điện thoại đi dò sóng lạc. Thi thoảng lắm mới dò được tần sóng Vinaphone. Đã đến đây là phải đấu tranh tâm lý vài ba tháng, thậm chí nửa năm mới về nhà nên hôm nào gọi được một cuộc điện về nhà thấy vui lắm”. “Còn thực phẩm lâu lâu có ai về xuôi thì chúng tôi gửi cá khô lên. Ngày trước hầu như chẳng bao giờ biết đến mùi cá tươi nhưng giờ thì bà con cũng tiếp cận được ít nhiều khoa học kỹ thuật nên họ đầu tư đào ao thả cá rồi. Đời sống GV nhờ đó cũng đỡ vất vả hơn”.
Trong số 27 GV đang cắm bản ở Ch’Ơm, có đến 2/3 là GV nữ đang ở độ thanh xuân. Họ tốt nghiệp ĐH, CĐ rời thành phố đến cắm lại với đất này, ngoài trang giáo án, mỗi năm đôi lần được gặp gỡ, giao lưu với các trường kết nghĩa, có lẽ căn phòng tuềnh toàng, lớp học trống hoác với những đứa học trò đầu trần, chân đất, run run trong giá rét là điều gần gũi thường nhật với họ. Vậy mà khi được hỏi về ước mơ, không ai bảo ai, họ đều có chung tâm nguyện truyền kiến thức cho con em đồng bào Cơ Tu ở chốn này biết chữ, đi xa hơn cái cổng làng heo hút.
Chúng tôi rời Ch’Ơm khi những tia nắng chiếu xiên qua tán rừng già, những giọt sương gặp nắng rơi lộp độp trên đám lá rừng khô mục. Ánh nắng lúc xế trưa vẫn không xua hết những đám mây phủ kín các bản làng. Nhìn lại nơi con đường mình đã đi qua, chợt nhận ra rằng, cái khó mà thầy trò ở xã biên giới này phải đối mặt vẫn còn nhiều lắm. Và càng khâm phục hơn niềm tin cõng chữ ươm mầm ở những người thầy cô giáo…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)