Cổng thành được trùng tu mới nằm im lìm bị che khuất dưới tòa nhà cao tầng
|
Hơn 150 năm kể từ ngày giặc Pháp nổ tiếng súng đầu tiên đánh vào Đà Nẵng, qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, giữa TP.Đà Nẵng phát triển vào hàng bậc nhất xứ miền Trung bây giờ còn đó dấu tích một thành Điện Hải, một nghĩa trũng Hòa Vang cổ xưa trầm lắng, nhắc nhở mỗi người về nơi lưu dấu trận đầu đánh Pháp để nỗ lực xứng đáng hơn với cha ông mình!
Lũy thành giữa phố
Bảo tàng Đà Nẵng nằm trên nền cũ của thành Điện Hải. Câu chuyện lịch sử dọc hành trình bốn bức tường gạch vồ cũ kĩ dường như có lực hút mãnh liệt đối với khách thập phương. Cô hướng dẫn viên bảo tàng với chất giọng trầm ấm đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử cách đây ngót 153 năm về trước… Đài Điện Hải được vua Gia Long sai quân thần đắp cùng với bảo An Hải án ngữ hai cửa tả hữu cửa biển Đà Nẵng năm 1813, để kiểm soát tàu thuyền ra vào, trấn giữ và tăng cường phòng thủ. 10 năm sau đó (Minh Mạng thứ 4), đài Điện Hải được dời về phía Nam do Phó đô Thống chế Tả dinh quân thần sách Nguyễn Văn Trí chỉ huy 500 dân phu xây dựng. Đài được xây bằng gạch vồ kiên cố, cao 12m. Chính giữa có kỳ đài, dọc thành đặt 7 khẩu thần công. Năm Minh Mạng thứ 15 (1835) đài được đổi tên thành thành Điện Hải. Tòa thành được mở rộng, xây dựng lớn hơn vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Lúc này thành được xây dựng mới với chu vi 556m, theo kiểu kiến trúc Vauban (có tính phòng thủ) do kỹ sư Olivier Puymanuel người Pháp thiết kế; thành hình vuông có 4 góc lồi, cao gần 5m, hào sâu gần 3m, có 30 pháo đài và 30 súng thần công. Thành có 2 cửa, hành cung, kỳ đài, kho lương thực, đạn dược…
Di tích thành Điện Hải còn lại bờ thành gần như nguyên vẹn
|
Năm 1840, hải lực phòng thủ của Đà Nẵng được tăng cường: Mỗi tàu lớn đủ 100 lính thủy binh, hàng chục súng đả thương, đại bác và giáo. Ngoài ra vua Minh Mạng còn cho tăng cường thêm 10 thuyền hạng lớn và vừa. Tham tri bộ Lễ Nguyễn Tri Phương được vua tiến cử làm Tuần vũ Nam Ngãi để trông coi việc phòng thủ Đà Nẵng. Đây là đầu mối giao thông – trung tâm quân sự, chính trị của triều Nguyễn – mắt xích trọng yếu trong chiến lược phòng thủ biển của triều đình Huế.
Chiều 31-8-1858, mượn cớ vua Tự Đức ngược đãi giáo sĩ, liên quân Pháp và Tây Ban Nha với nhiều chiến hạm trang bị vũ khí tối tân, trên 2.000 quân lính dưới quyền chỉ huy của Rigault de Genouilly đã tiến đến cửa Hàn. Pháp đánh Đà Nẵng! Thành Điện Hải nằm trong mục tiêu pháo kích. Sáng 2-9-1858, quân Pháp – Tây Ban Nha đồng loạt nã pháo tấn công thành Điện Hải làm sập một góc thành. Sau nửa giờ chống trả quyết liệt, do vũ khí thô sơ không chống nổi, ta buộc phải rút lui. Khi Thống chế Lê Đình Lý dẫn 2.000 quân tiếp viện từ Huế vào Đà Nẵng thì thành Điện Hải đã rơi vào tay giặc. Lê Đình Lý chống địch ở làng Cẩm Lệ rồi hi sinh. Vua Tự Đức liền cử Nguyễn Tri Phương về làm Thống chế quân vụ Quảng Nam. Sau khi xây đồn Liên Trì, Nguyễn Tri Phương cho đắp một lũy đất chạy từ thành Điện Hải bao quanh các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, bên ngoài lũy là những hố sâu đào theo kiểu chữ phẩm, cắm đầy chông tre vót nhọn, phía sau lũy có quân mai phục, sẵn sàng chiến đấu. Dưới quyền chỉ huy của Thống chế Nguyễn Tri Phương, phòng tuyến Đà Nẵng được giữ vững, địch không thể mở rộng vùng chiếm đóng.
Ngày 20-4-1859, R.d. Genouilly cho quân đổ bộ lên tả ngạn sông Hàn, tấn công dữ dội thành Điện Hải. Quân ta dưới sự chỉ huy của Thống chế Nguyễn Tri Phương với tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Đà Nẵng vào năm 1860.
Dấu xưa còn lại chút này
Súng thần công được bố trí giữa sân thành |
“Tai nghe súng nổ cái đùng/ Tàu Tây vừa đến Vũng Thùng bậu (bạn) ơi”. Giữa trời chiều yên ả, giọng một cụ già sang sảng cất lên vừa cắm từng nén nhang xuống nghĩa trũng. “Ba năm đánh Pháp, hơn 2.500 chiến sĩ của ta ngã xuống để bảo vệ Đà thành. Mỗi rằm, 30 mùng một, già này đến thắp nén nhang tưởng nhớ các anh. Sống được như ngày hôm ni, là nhờ sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ”. Bóng cụ già khuất dần sau dãy bia mộ. Những sợi khói nhang trắng bạc quyện vào nhau xuyên qua tán cây mù u cổ thụ, bay thẳng lên trời làm cho không gian nghĩa trũng buổi hoàng hôn thêm linh thiêng.
Với bao cuộc chuyển dời, nghĩa trũng Hòa Vang (nay đặt tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) được coi là di tích trọn vẹn nhất trong quần thể di tích còn lại từ thời kháng Pháp. Đây là nghĩa trũng được quy tập và xây dựng vào năm Tự Đức thứ 19. Năm 1940, Pháp xây dựng sân bay phải di dời ra vườn Ông Bá (Khuê Trung). Năm 1962, Sân bay Đà Nẵng mở rộng lại phải di dời lần nữa về địa điểm hiện nay, cạnh nhà thờ tiền hiền làng Khuê Trung. Theo lời kể của những bậc cao niên, từ những ngôi mộ bằng đất, nhân dân đã vận động đóng góp công của xây lại bằng xi-măng. Để tưởng nhớ công ơn các tướng sĩ vị quốc vong thân trong kháng chiến chống Pháp, những người đứng đầu làng còn quyết định trích hai mẫu ruộng công để lo cúng tế hằng năm… Mỗi năm vào ngày 16-3 âm lịch, dù ở bất cứ đâu, người Đà Nẵng vẫn dành chút thời gian về nghĩa trũng để thắp nén nhang, ghi lời cha ông dạy: “Người xưa đã xa rồi, nay dựng tượng đài mà vẫn bàn đến đời của họ và nghĩ đến con người thời ấy/ Tổ quốc thiêng liêng với những chí sĩ anh hùng thời ấy, noi dấu đời trước để chắp cánh cho đời sau”.
“Nếu như về với nghĩa trũng Hòa Vang – một trong những nghĩa trang đầu tiên dành cho những chí sĩ yêu nước ngã xuống vì độc lập tự do của quê nhà – mà bỏ qua thành Điện Hải thì coi như chuyến về nguồn đã mất đi một nửa ý nghĩa”, cụ Nguyễn Bá (81 tuổi) – một người dân Đà Nẵng – nói như vậy. “Cách đây không lâu, Đà Nẵng có chủ trương trùng tu, khôi phục hai bờ thành còn khá nguyên vẹn, phục dựng 4 tháp canh đặt bốn góc và hai cổng thành phía Đông và Nam, nạo vét lòng hào trồng hoa sen, súng. Tượng đài của tướng quân Nguyễn Tri Phương được dựng uy nghi. Dọc thành là những khẩu thần công cùng một số vật dụng khai quật được trong quá trình trùng tu. Thêm vào đó việc xây dựng mới Bảo tàng Đà Nẵng phía trong khuôn viên thành nhằm phục vụ cho người dân tham quan. Việc giới thiệu lịch sử hình thành nên đất và người Đà Nẵng, hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng buổi đầu chống Pháp… sẽ góp phần giáo dục các thế hệ niềm tự hào về truyền thống… Chủ trương phục dựng được quyết, lòng người Đà Nẵng vui như mở hội. Hi vọng quá khứ sẽ không bị lãng quên. Thế nhưng xưa nay chuyện phục dựng di tích luôn là bài toán khó!”, cụ Bá thủng thẳng. “Điều băn khoăn nhất của người dân là thành Điện Hải ngày càng bị che khuất bởi những khu nhà cao tầng!”.
Bài, ảnh: Hàn Giang
Bình luận (0)