Khi mặt trời vừa mọc, hàng chục con người lầm lũi kéo nhau xuống một khúc sông chưa đầy 500 mét, ngụp lặn, nhủi tìm dưới đáy sông Trà Khúc những con hến nhỏ để bán lấy tiền sinh nhai cho cả nhà.
Mùa nhủi hến
Sông Trà Khúc mùa “khát” nước cạn khô trơ lên những bãi cát vàng, nước sông nơi sâu nhất cũng chưa đến quá bụng người. Mùa nhủi hến, mùa kiếm cơm của năm sáu chục con người, nuôi sống chừng ấy gia đình.
“Nghề nhủi hến ở đây không làm quanh năm mà chỉ khi nước sông Trà cạn khô trơ đáy. Hến ở sông này chỉ làm được từ tháng 4 đến tháng 8, nước sông sâu là chúng tôi phải nghỉ làm” – Chị Lê Thị Nữa, vừa cào hến vừa bắt đầu câu chuyện về cái nghề “thời vụ” nhưng đã bám lấy cuộc đời mình ngót nghét 30 năm nay.
Vốn trước đây chị sống lênh đênh sông nước, cuộc sống gắn với con sông, chiếc đò rách nát, cũ kỹ. Khi lên bờ định cư vẫn xuống sông Trà Khúc để tiếp tục mưu sinh bằng nghề khai thác cát sạn. Sông cạn, đò chở cát nằm phơi nắng giữa sông, cả gia đình chị lại chuyển sang nghề nhủi hến kiếm ăn: “Sông cạn khô, đò máy không chạy được, cuối cùng rồi cũng chẳng có nghề nào khác để kiếm lấy cái ăn, vẫn là nhờ vào hến cả” – chị Nữa tâm sự.
Mỗi sáng, chị cùng con gái thức dậy từ lúc 3 giờ sáng, lo nấu cơm cho chồng và 3 đứa con nhỏ, ăn một bụng thật no rồi bắt đầu vác nhủi cùng vài ba chiếc bao tải lớn đi xuống phía sông để bắt đầu một ngày làm việc. “Buổi sáng phải ăn thật no, không ăn là không có sức mà nhủi, đẩy cái nhủi dưới cát, dưới bùn nặng lắm. Mà đẩy chiếc nhủi hến cũng phải cực kỳ khéo, người không quen, đẩy một hồi xốc lên được… toàn bùn với cát chứ chẳng thấy hến đâu” – chị Nữa thật thà.
Trên khúc sông này, mẹ con chị Nữa được phong chức “quán quân” nhủi hến, nhưng mỗi ngày lầm lũi nhủi cào từ sáng sớm đến khi chiều tà, số tiền com cóp được cả ngày cũng chỉ đủ cho việc đong gạo, đi chợ vào sáng hôm sau. “Hai mẹ con quần quật từ sáng đến chiều tối cũng chỉ được 50 ngàn, đủ cho bữa chợ mai thôi em à. Nghề nhủi hến chỉ làm kiếm lấy bát cơm cho nhà khó thôi” – chị giãi bày.
Người “nhủi hến” trên sông Trà Khúc là những người phụ nữ, những ông già bước sang tuổi “cổ lai hy”. Hầu hết họ không có nghề nghiệp ổn định, gia cảnh rơi vào khó khăn túng bấn. Vào mùa giáp hạt, khi hũ gạo trong nhà vơi đi, nghề cát sạn mùa khô không ai thuê làm, họ lại nhìn về phía khúc sông cạn nước, vác nhủi đi tới phía đáy sông. Nhủi tìm từ sáng đến khi trời tối mịt, kiếm một số tiền ít ỏi lo cho cuộc sống bộn bề khốn khó.
Và những ước mơ bé mọn
Chị Trần Thị Phượng, người dân huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, vừa cầm chiếc nhủi, thấp thỏm đứng ngồi không yên. Chồng chị mắc bệnh nặng nằm giường đã hơn 1 năm không ai chăm sóc.
Chiếc áo sờn màu nắng, màu phèn không che được tấm thân gầy còm của người phụ nữ chỉ vừa ngoài 30 tuổi, nụ cười trên môi không che lấp được nỗi ưu phiền, dù khó với chị vẫn phải lo, phải nhủi, để kiếm lấy bát cơm cho cả gia đình.
“Cái nghề nhủi hến bám riết lấy cuộc đời mình, khó rứt ra được. Nhiều lần chị cũng nghĩ sẽ làm một nghề gì khác nhưng chẳng có nghề gì ngoài nghề nhủi hến” – Chị Phượng tâm sự. Và với chị, đến khi nào còn sức lực thì còn phải bám nơi đáy sông Trà này. “Chưa biết khi mô kiếp mọn như chúng tôi mới ngẩng mặt lên khỏi cái đáy sông này được” – chị Phượng xót xa.
Người nhủi hến lê đôi chân dưới lòng sông, trên những chiếc gai nhọn hoắt, những chiếc vỏ ốc nằm lẫn trong bùn, trong cát. Những cú vấp tứa máu, những lần bị ốc cứa đứt chân cũng không làm người nhủi hến trên đoạn sông này bỏ một ngày mò mẫm, bởi nhiệm vụ kiếm sống vẫn phải đặt lên hàng đầu.
“Sợ đau gai, sợ ốc đâm thì không làm cái nghề này, mỗi lần bị ốc cứa chân chảy máu thì chỉ cần chà chân lấm cát, lấy nước sông rửa cho đỡ rát rồi sau đó lại tiếp tục nhủi. Hoặc có trở trời, nóng sốt thì cũng chỉ dám ốm một đêm thôi, mai phải đi làm tiếp. Không đi lấy gì để đi chợ, đong gạo hả em” – chị Lê Thị Kia, quê ở Sơn Tịnh kể.
Với 20 năm làm nghề nhủi hến, chị Kia không thể đếm hết trên bàn chân mình bao nhiêu vết đứt vì gai, vì ốc… mỗi vết đau ở chân là một lần chị thấm thía nỗi nhọc nhằn từ cuộc sống. “Không ai khó mãi đâu em à, cứ cố gắng làm việc hết sức, lạc quan lên thế nào trời cũng thương thôi mà” – Chị Kia nói.
Chị nói không ngoa, bởi niềm vui của chị là những đứa con học hành tử tế, ngoan ngoãn… và chị mơ một ngày mai chúng lớn lên, thoát khỏi cảnh sống cơ cực để chị được có thể cười thật tươi với cuộc đời.
Ước mơ bé mọn của chị cũng là mơ ước của những kiếp người ngày ngày còng lưng dưới đáy sông Trà. Họ mơ về cuộc sống, mơ cho con cái ngày mai trưởng thành mà không phải vác nhủi xuống sông để kiếm ăn từng bữa. Với họ, mơ thì mơ nhưng vẫn phải cố gắng thật nhiều.
Trời đã nhá nhem tối, người “nhủi cơm” trên sông Trà Khúc cũng đã mệt lả vì trời, vì nước. Họ tất tả thu dọn những bao hến đã được đãi kỹ càng, chồng vác, vợ phụ lầm lủi đi về phía bờ sông. Hến nhủi được hôm nay không kịp buổi chợ chiều. Sớm mai thức dậy, họ có thêm ít tiền đong gạo, rồi lại vác nhủi đi xuống đáy sông…
Đăng Khoa (vietnamnet.vn)
Bình luận (0)