Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Thầm lặng gieo chữ giữa rừng

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học của cô Pho với những HS đen nhẻm

Thanh Sơn, Tà Lài là 2 xã khó khăn nhất của huyện Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai). Từ khi có chương trình 135, đời sống giáo viên (GV) ở đây đã được cải thiện ít nhiều nhưng vẫn còn nhiều trở ngại trong việc dạy và học. Tỷ lệ học sinh (HS) tới lớp của 2 xã này đã không cao, khi vào vụ mùa, số HS bỏ học càng tăng nên các GV phải xuống từng nhà vận động các em đến trường.
Đường đến trường xa lắm cô ơi!
Từ phòng GD-ĐT huyện Tân Phú, chúng tôi men theo quốc lộ 20, đến ngã ba Tà Lài rẽ phải đi về hướng Vườn quốc gia Cát Tiên. Đi được khoảng 10 km, vẻ hoang vu của vùng núi dần hiện ra với những sườn đồi trải dài thoai thoải, xa xa là những ngôi nhà ván trơ trọi chỏng chơ trên mảnh đất khô cằn. Tiếp tục băng qua chiếc cầu dây văng chênh vênh, chạy dọc theo những con đường mòn, chúng tôi đến với ngôi Trường Tiểu học phân hiệu 4 Tà Lài, “điểm sáng” của ấp 4, xã Tà Lài. Nói là trường cho oai chứ ở đây chỉ có 4 phòng học nằm trơ trọi giữa những tán cây rừng xanh um tùm. Thầy Phan Văn Hưng, GV Trường THCS Tà Lài chia sẻ: “2 năm nay nhờ có chiếc cầu dây bắc qua con sông này mà việc đi lại đỡ vất vả, chứ mấy năm trước GV và người dân muốn vào khu vực này phải đi đò, và ở đây đã có nhiều vụ chìm đò dẫn đến chết người”. Thế nhưng, người dân vùng này còn phải vượt qua nhiều thử thách bởi trình độ dân trí cũng như đời sống của họ còn thấp, trong khi việc đi lại để làm ăn, học hành còn quá khó khăn. HS ở đây chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, nên việc đến trường kiếm chữ chẳng dễ dàng chút nào. Cô Lê Thị Minh Pho, GV chủ nhiệm lớp 4/2, Trường Tiểu học phân hiệu ấp 4 Tà Lài cho biết: “Tuy còn nhỏ tuổi nhưng không ít em HS là lao động chính trong nhà nên thường nghỉ học để giúp bố mẹ lên nương. Nhất là những tháng đầu mùa mưa, các em thường nghỉ học vào rừng hái măng. Ngoài ra, quan niệm chỉ cần đủ ăn, đủ mặc đã ăn sâu vào tâm trí của bà con nơi đây nên họ chưa có ý thức khuyến khích con em mình đến trường”. Lớp học của cô Pho chỉ có 12 HS, và hầu hết đều là người dân tộc Châu Mạ và S’tiêng. Em nào cũng đen nhẻm, tóc tai bù xù, nhưng đôi mắt rất sáng.
Em K’Lêm – cậu trò học giỏi nhất lớp đang nắn nón viết chữ sao cho thật đẹp, thật tròn theo sự chỉ dẫn của cô Pho. Cũng giống như bao trẻ em ở vùng đất đầy gian khó này, hàng ngày, K’Lêm vừa đi học, vừa phải giúp bố mẹ làm những công việc nhà. Đến vụ mùa, em lên rẫy hái cà phê, làm cỏ, còn khi mùa mưa về, em theo bạn bè vào rừng hái măng.
Học chữ để về thị trấn 

Đường đến trường của HS nơi đây còn nhiều trở ngại

Ngày qua ngày, K’lêm phải băng rừng vượt suối mới đến được trường. Muốn đi học sớm, em phải dậy từ tờ mờ sáng để phụ mẹ nấu cơm và nấu cám heo. Dù đã khẩn trương hết sức nhưng ngày nào K’lêm cũng bị trễ học gần 10 phút nên thường bị cô giáo nhắc nhở. Vất vả là thế, nhưng mỗi khi làm xong công việc nhà, K’Lêm liền lôi cuốn sách giáo khoa được các anh chị ngoài huyện tặng để đọc trước bài. K’lêm nói: “Em thích đọc sách lắm! Mỗi khi các cô, các anh chị ngoài thị trấn đem sách truyện lên tặng, chúng em lại truyền tay nhau đọc hoài. Ở đây muốn mua sách hay truyện đều phải đi quãng đường rất xa. Vì thế, cứ ba, bốn tháng, tụi em lại rủ nhau xuống thị trấn một lần. Không thì nhờ các cô giáo mang sách, truyện lên cho”. Cầm tờ báo cũ trên tay mà chúng tôi vừa đưa, em mừng như bắt được vàng, cặm cụi đọc từng dòng chữ với nét mặt rạng ngời. “Đọc xong mấy dòng chữ lớn này, tối về nhà em đọc tiếp. Cái này hiếm lắm, ở đây không thấy”, K’Lêm hồ hởi nói. Còn nhà của cô bé Đàm Văn Đàn – HS lớp 8 (Trường THCS Tà Lài) ở tận cuối xã (giáp ranh với Vườn quốc gia Cát Tiên). Vì thế, đường đến trường của em luôn đầy chướng ngại vật cần vượt qua. Mùa khô, Đàn phải lội bộ xuyên qua những cánh rừng trơ trọi lá. Khổ nhất là khi mưa về, đường đến lớp vốn đã khó đi vì nhiều dốc, nay lại hiểm trở vì quá trơn trượt. Em tâm sự: “ Dù đường đến trường quá xa, nhưng em vẫn thích đi học. Đi lớp nghe cô giáo giảng bài hay lắm! Em muốn học nhiều cái chữ hơn nữa để sau này được làm cô giáo giống như cô giáo ở trường”. Đi khắp các ấp của xã như Núi Tượng, Bù Cháp 1, Bù Cháp 2, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những HS hiếu học như K’ Lêm, Đàn…. Trong cái dáng đi mỏng manh của các em là những tâm hồn non trẻ, luôn ấp ủ một giấc mơ nuôi con chữ để vào đời.
Và lặng lẽ giấc mơ
“trồng người”
Những GV dạy học ở vùng cao này đến từ các xã khác nhau trong huyện. Trong họ luôn tràn đầy tình yêu học trò, không ngại gian khó lặng lẽ bám trụ tại vùng sâu vùng xa hiểm trở này để dạy cho lũ trẻ cách nhận biết mặt chữ, cách làm phép tính và “gieo” ước mơ vào đời cho các em. Trường THCS Tây Sơn (xã Thanh Sơn), được hưởng chương trình 135 của Chính phủ, nên trường được xây dựng rất khang trang. Thế nhưng vấn đề đi lại vẫn còn là một trở ngại lớn đối với GV và HS ở khu vực này. Nắng thì bụi, trời mưa thì sình lầy, trơn trượt, để đến được trường, cả thầy lẫn trò phải lội bộ vào hơn 5 km (tính từ đầu đường nhựa của xã). Không ít GV sợ té xe nên chấp nhận đi vòng dài trên 30km”. Để đến được lớp đúng giờ, GV phải dậy từ rất sớm, hôm nào có tiết dạy buổi chiều thì phải nấu cơm mang theo. Đường đến trường của thầy trò vùng cao nguyên này không chỉ khó vì bị cách núi ngăn khe, mà còn khổ vì đường nhựa về xã chưa nhiều, nhận thức của bà con chưa cao. Thầy Nguyễn Trọng Cừ – Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn đã trên 10 năm bám trường cho biết: “Cái khó nhất của việc dạy học ở vùng sâu này là các GV thỉnh thoảng phải đến tận nhà dân vận động các em đi học. Nhất là đến vụ mùa, hàng tuần, nhiều GV phải băng rừng lội suối cả 6 -7 km để đến nhà “săn” học trò…”. Để giữ chân học trò, các GV đã thay nhau tổ chức các lớp học phụ đạo nhằm bổ sung kiến thức cho các em thường xuyên bỏ học hoặc có học lực kém. Thậm chí họ còn dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng HS và lo cả chuyện sách vở, bút viết cho các em. Nhờ thế, ngày càng có nhiều người dân “hiểu” được ý nghĩa của việc đến trường nên quan tâm và quý mến các GV hơn. Ông Nguyễn Văn Khuyên, người dân ở khu vực này bộc bạch: “Nhờ các GV thay phiên đến đây dạy chữ mà con em của chúng tôi biết cái chữ nhiều. Bây giờ trong xã đã có nhiều em ra ngoài thị trấn tiếp tục học lên cấp 3, cũng có những em học lên cao đẳng rồi về lại địa phương công tác. Công việc của các thầy, các cô giống như người nông dân nghèo cần cù gieo trồng trên đồng khô cỏ cháy vậy, cho nên dân vùng cao này quý mến thầy cô nhiều lắm”.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Xã Tà Lài hiện có 1.500 hộ dân với 12 dân tộc khác nhau, trong đó có hai dân tộc bản địa là Châu Mạ và S’tiêng. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, ngô và vào rừng hái măng.

 

Bình luận (0)