Dù đi lại rất khó khăn, hàng ngày ông Tuấn vẫn miệt mài bên kệ sách với hàng chục ngàn cuốn để chắt lọc kiến thức từ sách
|
Niềm say mê sách khiến cho những ai lần đầu biết đến đều cho rằng ông là “gã khùng”, “gã mọt sách”. Thế nhưng nhìn vào “gia tài” gần 30.000 đầu sách đồ sộ của ông, nhiều người phải giật mình kính nể.
“Con người ta có thể sống với đời sống thiếu thốn về vật chất, nhưng không thể để trái tim, tâm hồn mình rách bươm, khô cằn vì thiếu thốn về đời sống tinh thần. Một trong những yếu tố làm nên giá trị tâm hồn đó là sách. Sưu tầm sách, đọc sách không chỉ thu thập kiến thức, kinh nghiệm sống cho mình mà còn cho mai sau”, ông lão mê sách Trần Phước Tuấn (65 tuổi, ở đường Lý Thánh Tông, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) – người đang lưu giữ gần 30.000 đầu sách các loại bộc bạch.
Mê sách thuở tóc còn để chỏm
Căn nhà của ông bên cạnh không gian cây xanh, phần lớn diện tích đều dành cho sách. Sợ giường ngủ lấn không gian của sách, ông chỉ dành một khoảng trống trên nền nhà để vừa đặt lưng. Thấy tôi băn khoăn, ông bảo, đọc sách muốn hiểu sách thì phải “ăn nằm” với sách. Hình như cái tuổi 65 cũng “chào thua” so với trí nhớ tuyệt vời của ông.
“Tôi mê sách từ bé. Niềm đam mê đó một phần ảnh hưởng từ cha tôi. Ngày đó, nhà nghèo, sau mỗi giờ tan học, tôi cuốc bộ hàng chục cây số từ huyện Hòa Vang về Q.Hải Châu tìm đến hiệu sách bình dân Thư Quán ở đường Cô Giang (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) để thuê sách đọc. Để khỏi tốn thời gian tôi thường tranh thủ đọc ngay ở tiệm, trước khi về lại mượn thêm 5, 6 cuốn mang về”, ông Tuấn nhớ lại. Ban đầu, Tuấn còn tốn tiền thuê sách, sau thấy niềm đam mê của cậu học trò lớp 6, ông chủ quán tốt bụng thường hay khuyến mãi cho cậu thuê “5 trả 1”.
Qua hai mùa hè đọc sách như thế, cậu học trò lớp đệ tứ này đã tích lũy được một vốn kiến thức kha khá. Theo đó cái thân hình nhịn ăn, nhịn ngủ để dành thời gian cho sách ngày càng tỷ lệ nghịch với vốn kiến thức thu được. Đến nỗi bạn bè đặt luôn cho cậu biệt danh: “Tuấn còm”. Với cậu, sách là tình yêu số 1. Đến bây giờ, đã đi qua gần trọn đời người, ông Tuấn vẫn còn nhớ như in niềm hân hoan khi lần đầu tiên được cha tặng cuốn “Dưới mái học đường”, phóng tác của Cao Văn Thái từ nguyên tác “Les grands’curs” của văn hào Edmond de Amicis (Ý). Món quà sau một ngày cật lực cùng cha kéo xe bò thuê.
“Món quà của cha có lẽ là động lực giúp tôi trở thành sinh viên văn khoa và kể cả niềm đam mê đến tận bây giờ”, ông Tuấn nói.
Sách giúp trau dồi nhân cách
Không phải đến tận bây giờ khi cái tuổi xế chiều đã phủ bóng cuộc đời ông mới nhận ra giá trị của sách. “Từ năm lớp 9 tôi đã suy nghĩ, muốn dạy con cái nên người thì ít nhất trong mỗi gia đình đều phải có tủ sách. Sách giúp trau dồi nhân cách của con người từ khi tâm hồn còn non nớt cho đến trưởng thành. Nhờ nó con người biết phân biệt phải trái, biết nhìn nhận và dung hòa để hướng thiện. Cuộc sống thực sự có ý nghĩa khi con người – chủ thể cuộc sống biết hướng tới giá trị nhân văn.
Từng là một sinh viên văn khoa Sài Gòn với tương lai tươi sáng vào năm 1972, nhưng sau ngày đất nước thống nhất, anh trở về với đời thường bằng đôi chân cụt đến tận đùi vì giẫm phải bom mìn. Hạnh phúc dù đã gõ cửa cuộc đời con người tật nguyền ấy bằng tình yêu của một cô thôn nữ cùng quê nhưng niềm khát khao có được đứa con vẫn chỉ là mơ ước đối với ông. Trở về với cuộc sống thường ngày, ông dành tất cả cho tình yêu sách. Đó cũng là lý do suốt bao nhiêu năm qua, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, trên khắp các nẻo đường Đà thành, từ tiệm sách lớn đến các sạp sách cũ nát ven đường, đi đâu người ta cũng bắt gặp một lão già cụt chân, khập khiễng trên chiếc ghế gỗ tỉ mẩn đọc, chọn mua sách.
Không chỉ kỹ tính trong việc mua sách, ông Tuấn còn có kinh nghiệm đọc sách khá đặc biệt. Trong hàng chục ngàn cuốn sách của mình, ông không bao giờ gấp trang, không để lại vết mực, tất cả đều vẹn nguyên như lúc ông mới mua về. Khi bắt gặp những đoạn văn hay, những câu tâm đắc, ông tỉ mẩn ghi vào sổ tay số trang hoặc đánh máy vi tính để ghi nhớ.
Theo ông, đọc sách không phải để khoe khoang, không phải lấy thành tích về thời gian mà đọc sách phải “tiêu hóa” được nội dung sách: “Một đời người đôi khi chỉ cho ra đời được một cuốn sách hay. Trong cuốn sách hay đó có một vài điều chúng ta chắt lọc được để học hỏi. Đọc càng nhiều sách, ta chắt lọc được nhiều tinh hoa của đời người”, ông Tuấn bày tỏ.
Nỗi lo “thừa kế”
Trầm ngâm rót cốc trà mời khách, ông Tuấn bảo rằng “có đau mới biết quý ngày lành”, khi đi đến tận cùng nỗi đau của số phận mới thấm thía hết ý nghĩa của cuộc sống. Dứt lời, ông lại khập khễnh đi đến giá sách thoăn thoắt quét dọn lau chùi, bao bọc từng cuốn sách. “Hiện thư viện của tôi có gần 30.000 đầu sách từ văn, toán, triết, sử, cho đến kiếm hiệp… Đây là công phu tôi tìm tòi suốt mấy chục năm nay đấy”. Trong lúc chúng tôi đang há mồm há miệng vì… choáng, thì ông lại cười khề khà: “Đấy là tính theo cơ học thế thôi chứ đối với tôi tất cả những cuốn sách ở đây đều vô giá. Nếu cộng cả giá trị nhân văn của sách thì nó lên tới mấy trăm tỉ cũng chẳng sai”.
Trong căn nhà ông nhìn đâu cũng thấy sách. Từ cuốn sách cũ nát đã đứt lìa đường chỉ cho đến những cuốn còn thơm mùi giấy mới đều được xếp đặt ngăn nắp. Theo ông, sách cũng như người, sách mang tri thức đến cho người thì sách cũng có số phận, có linh hồn.
Không dừng lại ở đó, hàng ngày ông vẫn dành thời gian cập nhật tin tức và để “săn” sách mới, sách hay vừa xuất bản. Ông Tuấn cho biết dự định xây một căn phòng riêng, sẽ đóng lại tất cả kệ sách, sắp đặt sách lên khung theo thứ lớp để sau này có điều kiện sẽ là địa chỉ cho các cháu học sinh đến đọc sách miễn phí vào mùa hè. Bên cạnh đó ông sẽ cùng vài người bạn mê sách lập trang thư viện điện tử để dễ dàng cho việc tra tìm sách.
“Nỗi lo lớn nhất của tôi bây giờ là người thừa kế. Đến giờ tôi vẫn chưa tìm được người nặng lòng với sách. Không biết khi nằm xuống có ai nối nghiệp mình để giữ vốn quý này không. Nếu có thì đó phải là người đam mê đọc, có kiến thức sâu rộng và biết quý sách. Còn giả nếu không tìm được, cuối đời tôi sẽ tặng tủ sách này cho địa chỉ tin cậy, hy vọng vốn kiến thức quý báu này sẽ được lớp trẻ quan tâm”, ông Tuấn trải lòng.
Bài, ảnh: Phan Lệ
“Lâu nay thường nghe nói về lớp trẻ bây giờ không mặn mà với sách. Điều đó theo tôi có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chủ yếu là do bị hạn hẹp về thời gian và cũng không ngoại trừ việc phụ huynh, thầy cô giáo thiếu nhiệt tình trong khâu hướng dẫn các cháu đọc và hiểu sách. Một người đọc sách đơn thuần không chỉ để biết mà phải đem cái hay truyền lại cho người khác, đó là sự hoán đổi kiến thức tuyệt vời nhất để tạo niềm đam mê đọc sách ở giới trẻ”, ông Tuấn giãi bày.
|
Bình luận (0)