Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Làng “gõ đầu trẻ” miền sơn cước

Tạp Chí Giáo Dục

Thôn Thanh Sơn, xã Phú Nhuận là một vùng quê nghèo, nằm lọt thỏm giữa những quả đồi cao chót vót của huyện miền núi phía tây nam Như Thanh (Thanh Hóa). Dân số chỉ vỏn vẹn không đến 1.000 khẩu với trên 300 nóc nhà, thế nhưng vùng quê nghèo khó này lại có phong trào hiếu học đáng khâm phục.
Trẻ em nơi đây một buổi lên lớp, một buổi phải làm thêm để phụ giúp bố mẹ
Chúng tôi xuôi về làng “gõ đầu trẻ” thôn Thanh Sơn, xã Phú Nhuận vào những ngày nắng nóng, con đường dẫn về Thanh Sơn bụi bay mịt mù, làng “gõ đầu trẻ” hiện ra yên bình bên những vườn cây ăn trái xanh tốt. Anh Lê Văn Khánh, Trưởng thôn Thanh Sơn cho biết: “Nghèo cái ăn, cái mặc thì còn chịu được chứ nghèo cái chữ dân tôi không ai chịu đâu, thôn có khoảng 300 trăm hộ thế nhưng có đến gần 1/3 số đấy có người làm nghề giáo, thậm chí có nhiều hộ gia đình 2, 3 thế hệ đều làm nghề này”.
Theo anh Khánh, thôn Thanh Sơn được hình thành khoảng vài chục năm trở lại đây, bà con đa số là dân di cư từ các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa… lên đây làm kinh tế mới theo chương trình di cư nội địa của tỉnh. Nhờ những người thầy, người cô đầu tiên “gieo mầm”, truyền cho các em những kiến thức quý báu trong sách vở, cũng như trong xã hội, dần dần những lớp lớp học sinh nơi đây đã nối gót đi theo cái nghề cao cả này.
Cứ năm này qua năm khác, đội ngũ giáo viên của thôn ngày một nhiều, thậm chí trong thôn có nhiều thế hệ, nhiều gia đình làm nghề cao quý này. Tính cả con cái, dâu rể nhiều dòng họ trong thôn có đến gần chục người theo nghề giáo như: Gia đình ông Nguyễn Văn Hà có 8 người làm giáo viên, gia đình ông Lê Văn Tậy có 6 giáo viên, gia đình ông Mai Xuân Sỹ có 4, gia đình ông Bùi Văn Hùng có 5… Thầy Trịnh Ngọc Cường, giáo viên dạy tiểu học tâm sự: “Ngày xưa mới ra trường đi dạy đời sống cũng khó khăn lắm, một buổi đi dạy, một buổi phải đi làm thêm đủ nghề để tăng thu nhập mà vẫn không đủ sống. Thế nhưng bù lại chúng tôi lại được đền đáp xứng đáng, khi lớp lớp con cháu quê tôi đều chăm ngoan học giỏi, năm nào thôn cũng có hàng chục cháu đậu vào các trường đại học lớn của cả nước”.
Không chỉ được mệnh danh là “làng gõ đầu trẻ”, miền quê nghèo này còn tự hào hơn khi những người làm nghề giáo ở đây có nhiều người năm nào cũng là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, trong đội ngũ giáo viên ấy có cô giáo Trần Thị Hà, dạy bộ môn Văn của trường THCS Phú Nhuận, từ năm 2004 đến nay đều là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô thường xuyên được mời làm giáo viên bồi dưỡng môn văn cho học sinh giỏi cấp huyện đi thi cấp tỉnh.
Thôn Thanh Sơn không chỉ tự hào là “làng giáo viên” mà nơi đây còn tự hào hơn về tinh thần hiếu học của con em họ. Năm nào thôn cũng có ít nhất khoảng 10 người đậu vào các trường đại học và cao đẳng, trong đó có nhiều em đậu với số điểm khá cao. Ông Lê Thanh Ca, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Sơn tự hào cho biết: “Trẻ em ở đây ham học lắm, tuy nhà nghèo một buổi đi học, một buổi đi phụ giúp bố mẹ kiếm thêm tiền nhưng đứa nào cũng học rất giỏi. Năm nào trong thôn cũng có em đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Tự hào hơn, năm 2009 thôn có tới 2 em được đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia”.
Nói đến tinh thần hiếu học ở Thanh Sơn, gia đình ông Lê Văn Tậy luôn được người dân trong thôn tôn trọng và kính nể. Mặc dù nhà rất nghèo lại đông con, thế nhưng nghèo, đói đến mấy 2 ông bà cũng chạy vạy khắp nơi để lo tiền cho 6 người con ăn học đến nơi, đến chốn. 3 trong số những người con của ông bà giờ đang hành nghề “gõ đầu trẻ”. Ông Tậy cho hay: “Cả đời chúng tôi làm ruộng lam lũ mà nghèo vẫn hoàn nghèo, vậy nên dù nghèo đến mấy, chúng tôi cũng phải cho các con được học hành thành người”.
Theo chân anh Ca đi thăm một số gia đình có truyền thống hiếu học vào bậc nhất ở Thanh Sơn, chúng tôi mới thấy được những việc làm cao đẹp của người làm cha làm mẹ ở đây. Dù vẫn chạy ăn từng bữa nhưng nhất quyết họ không thể để con em họ thất học, bởi theo bà con nơi đây chuyện con cái học hành không đến nơi, đến chốn còn hổ thẹn hơn là chuyện thiếu ăn, thiếu mặc.
Theo Thanh Tuấn
(VHO)

Bình luận (0)