Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Thầy hiệu trưởng của: những mái đầu khét nắng

Tạp Chí Giáo Dục

Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Hai thầy Đỗ Hiếu Lễ
Da sạm đen, dáng người khắc khổ, cách nói chuyện chân chất, nhiều khi kiệm lời đến “khó chịu” nhưng ẩn chứa trong dáng hình, tính cách đó lại là một con người rất khác. Tình thương của thầy dành cho học trò của mình như tình cảm của người cha dành cho con cái trong nhà. Những “đứa con tóc vàng hoe, đầu khét nắng” hiếu học không ít lần khiến thầy phải bật khóc.
Thầy là Đỗ Hiếu Lễ, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
1. ““Hai ông” đi đường xa, mệt lắm phải không? Nhìn bụi đỏ lấm lem quần áo là tôi biết các ông không biết đường xuống trường rồi. Uống nước lọc nghe, rồi có hỏi hay tham quan gì, từ từ rồi tính”, cười động viên, thầy Lễ mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Anh bạn đi cùng nghe vậy liền quay qua nhìn tôi như thầm hỏi: “Ủa, các ông gặp gỡ nhau bao giờ mà xưng hô thân mật quá vậy?”. Tôi không nói gì, chỉ nháy mắt và cười thật vui với đồng nghiệp. Uống vội ly nước, chúng tôi hối thúc thầy Lễ: “Nước đã uống xong, thầy an tâm rồi chứ? Giờ mình đi xem thầy trò nhà trường dạy và học thế nào nghe? “Chúng em” gặp một vài trục trặc trên đường nên xuống trễ, sợ ngồi đây lâu, thầy cô và học sinh về hết là chết “chúng em””. “Rồi, đi “mấy ông”!”, thầy Lễ vừa cười vừa nói. Thấy thầy Lễ vui vẻ và biết cách làm cho người khác “quên” đi cái cực nhọc vì đường xa, chúng tôi cũng vui lây.
Thầy Lễ giới thiệu cho chúng tôi cặn kẽ từng thứ ở nơi mà gần 20 năm thầy đã gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Chỉ tay về dãy phòng học mới được đưa vào sử dụng, thầy Lễ tâm sự: “Đây là dãy phòng học khang trang nhất mà trường mong đợi bấy lâu nay. Có nó, thầy và trò nhà trường không còn phải “chạy” mỗi khi vào mùa mưa. Chúng tôi mừng lắm!”. Để có được dãy phòng học khang trang, sạch đẹp, thầy và trò nhà trường đã “nếm” biết bao kỷ niệm vui buồn trong những tháng ngày qua.
Hơn 10 năm trước, toàn trường có 8 phòng học làm nơi dạy cho gần 500 học sinh (HS). Tuy nhiên, thời ấy, từ phòng học cho tới trang thiết bị của trường đều phải… đi xin (Công ty Lương thực Bình Chánh xây tặng). Xin được rồi phải tính toán, sử dụng sao cho hợp lý. Vì nếu sử dụng không tốt, không đúng mục đích, người ta đến đòi lại thì… chỉ còn cách “ra đường” dạy và học. Nỗ lực của cả trường cũng được đền đáp khi tỷ lệ HS bỏ học mỗi năm một giảm. Năm học vừa qua, tỷ lệ HS bỏ học đã giảm từ 2,01% xuống còn 1,87%. Tỷ lệ HS lên lớp thẳng tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái (từ 96,5% lên 98,6%). Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học của nhà trường năm nào cũng được đầu tư sửa chữa và nâng cấp. Hiện nay nhà trường đã có phòng học vi tính, sân tập thể dục thể thao… Ngoài ra, khu nội trú cho giáo viên cũng được đầu tư xây mới, qua đó giúp thầy cô ở các quận nội thành khi về trường giảng dạy sẽ an tâm công tác.
2. Tổng số HS toàn trường gần 900 em mà có tới 243 HS là con em gia đình nghèo, khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ. Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng các em vẫn chịu khó đến trường để tiếp thu tri thức. Điều này cho thấy sự nỗ lực, vượt khó của tập thể sư phạm nhà trường. Việc duy trì sĩ số HS đến trường và vận động HS bỏ học quay lại lớp ở địa bàn còn nhiều khó khăn như huyện Bình Chánh là rất khó khăn, vậy mà tập thể sư phạm nhà trường đã làm được.
Về việc này, thầy Lễ cho biết: “Do cuộc sống “mưu sinh”, nhiều phụ huynh sau khi cho con tới trường là coi như đã hoàn thành trách nhiệm với các em. Việc con em mình học tốt hay trốn tiết đi chơi, phụ huynh giao phó hoàn toàn cho nhà trường. Thấy trò bỏ học liên tục không lý do, nhiều giáo viên chủ nhiệm tìm đến nhà gặp phụ huynh thì nhận được câu trả lời tỉnh bơ: “Tôi không quản lý được nên đành kệ nó thôi!”. Nghe vậy, chúng tôi buồn lắm nhưng không thể làm căng với họ được. Thế là, anh chị em lại phải phân công nhau, nay người này đến đón các em tới trường, mai người khác vận động các mạnh thường quân cho tập, sách, đồng phục, miễn giảm toàn bộ các khoản thu mà HS phải đóng để “dụ” học trò. Không những thế, trường còn phân công thầy cô giáo tuần hai hoặc ba bữa đến nhà dạy phụ đạo cho các em yếu kém. Có nhiều em, sáng tới trường chiều phải phụ giúp gia đình làm ruộng, kéo lưới hoặc đội cát thuê… da cháy đen, tóc vàng hoe, thương lắm! Khó khăn là vậy, nhưng các em luôn có ý chí vươn lên để trở thành con ngoan trò giỏi”. Cười thật tươi, thầy Lễ hồ hởi cho chúng tôi xem bảng HS danh dự của nhà trường. Chúng tôi như không tin ở mắt mình khi nhìn vào bảng HS danh dự: Trong năm học 2010-2011 vừa qua, trường được Hội đồng thi đua của ngành GD-ĐT huyện đề nghị công nhận là Tập thể lao động tiên tiến (sau nhiều năm liền chưa đạt được); Trường có 6 HS lớp 9 đạt giải HS giỏi cấp thành phố, và là đơn vị đứng đầu toàn huyện về số lượng giải và tỷ lệ HS đoạt giải (so với số thí sinh dự thi). Cụ thể: 2 giải nhất (địa và công nghệ); 1 giải nhì (sinh) và 3 giải ba (văn, sinh, công nghệ) và 6 giải khuyến khích/44 giải toàn huyện. Hỏi về bí quyết để đạt được những thành tích rất đáng khích lệ này, thầy Lễ tâm sự: “Khi bồi dưỡng HS giỏi, chúng tôi gần như “ăn-ngủ-học” cùng các em. Sự động viên kịp thời của thầy cô, gia đình và lòng quyết tâm “vượt lên chính mình” của các em đã được đền đáp xứng đáng”.
Nổi trội trong danh sách HS danh dự của nhà trường là em Lương Thị Thùy Dương (lớp 9), HS đoạt giải nhất môn địa lý cấp thành phố. Bốn năm theo học tại trường, Thùy Dương đều là HS giỏi toàn diện cùng với hạnh kiểm luôn được xếp loại tốt. Qua những chia sẻ của giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi mới biết, Thùy Dương có hoàn cảnh gia đình rất éo le, cha mẹ do quá nghèo khó phải đi làm ăn xa nhưng cũng không đủ tiền gửi về cho em ăn học. Vì vậy, em phải về ở với bà ngoại. Ngày ngày, sau giờ học, Thùy Dương quay sang phụ giúp bà những công việc vừa sức để cuộc sống của gia đình đỡ phần chật vật. Bữa cơm của hai bà cháu thường rất đạm bạc, có khi chỉ là bát canh rau đắng và dăm con cá.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Thầy Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh chia sẻ: “Thầy Đỗ Hiếu Lễ là một cán bộ quản lý có tinh thần trách nhiệm cao, luôn nghiêm túc thực hiện các yêu cầu chỉ đạo của cấp trên, không quan liêu, kẻ cả và rất nghiêm túc trong đạo đức, lối sống, giàu lòng kiên trì, luôn khiêm tốn, biết lắng nghe. Thầy đã nhiều năm bám trụ với ngôi trường vùng sâu vùng xa này”.

 

Bình luận (0)