Ý thức tự học của Toàn là tấm gương sáng cho bạn bè. Là niềm tự hào, hãnh diện của tập thể sư phạm Trường THCS Doi Lầu
|
Đến ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ (TP.HCM) hỏi tên em Trần Hữu Toàn (học sinh lớp 8 Trường THCS Doi Lầu), từ già đến trẻ đều biết. Mọi người biết rõ về Toàn vì em có hoàn cảnh khá đặc biệt. Tất cả thầy cô và bạn bè ở trường đều có chung nhận xét: “Toàn học giỏi, siêng năng, lễ phép và có hiếu với cha mẹ”.
Trước khi được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, các thành viên trong gia đình Toàn tá túc trong một căn chòi rách bươm bên mé rạch luôn ngập úng. Tuổi thơ Toàn đã sớm gắn liền với cuộc mưu sinh đầy gian khó.
Cha mẹ Toàn bị câm điếc bẩm sinh, sức khỏe kém. Nhà có hai chị em. Chị gái Trần Thùy Linh là học sinh giỏi của Trường THPT An Nghĩa. Toàn trở thành người trụ cột trong gia đình. Từ tiền trường, sách vở đến mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào từng mẻ lưới, những đêm thức trắng câu cua của em. Nắng gắt. Mưa dầm. Bước chân Toàn vẫn ngược xuôi.
Tài sản lớn nhất của gia đình là con bò được trao tặng từ chương trình Lục lạc vàng
|
Ngày nghỉ, Toàn dậy rất sớm đi bộ, lội sình trên dưới 2km mới đến nơi thả lưới
|
Giăng lưới
|
Sau đó Toàn về nhà nấu nước cho cha. Công việc làm bếp em đã quen từ lúc lên 5 tuổi
|
Chuẩn bị lưới để khi đi chăn bò, tranh thủ giăng kiếm cá |
Theo chân Toàn từ đồng cạn đến đồng sâu dưới cái nắng chói chang của tháng 3, chúng tôi cảm nhận được ý chí và nghị lực phi thường nơi em. Có ý thức tự lập từ rất sớm, biết sẻ chia khó khăn của gia đình nhưng chúng tôi không khỏi lo một ngày nào đó, Toàn phải nghỉ học. Đó là khi chị gái vào đại học, hay thời điểm con cua, con cá không còn dễ kiếm… Chuyện trò với chúng tôi, ánh mắt các thầy cô và bạn bè của em không thể che giấu nỗi lo ấy. Hơn ai hết, các thầy cô hiểu rằng: Ngày ấy sẽ không xa…
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Bình luận (0)