Ngày 10-3, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bộ GD-ĐT giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức đào tạo kiểm định viên kiểm định chất lượng GDĐH và TCCN. Bên lề sự kiện này, ông Nguyễn Thanh Quý (ảnh) – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng ĐHQGHN – đã trao đổi với báo chí xung quanh các vấn đề liên quan đến kiểm định chất lượng GD hiện nay.
Ông Quý cho biết: Bộ tiêu chuẩn kiểm định của Việt Nam gồm 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí. Trong đó, bao hàm tất cả các hoạt động của một trường ĐH, CĐ, TCCN. Từ sứ mạng cho đến tổ chức, đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, cơ sở vật chất… Do vậy kiểm định khác xếp hạng. Xếp hạng chỉ tập trung vào một số tiêu chí còn kiểm định là toàn diện tất cả.
PV: Trước đây có bộ chuẩn đánh giá của ANU – QA (chuẩn kiểm định chất lượng dành cho hệ thống các trường ĐH thuộc khối ASEAN (ASEAN University Network – Quality Assurance) được thông qua từ năm 1998 và được triển khai liên tục năm 1999 đến nay). Vậy giữa hai bộ chuẩn này có gì giống nhau và khác nhau, thưa ông?
Có hai cấp độ đánh giá, một là cấp độ đơn vị, hai là cấp độ chương trình (CT). Về cấp độ CT, ở Việt Nam hiện nay chưa có bộ chuẩn chung của tất cả các CT mà chỉ có một bộ chuẩn đánh giá giáo viên. Trong khi đó ANU lại dùng để đánh giá chung cho tất cả các CT nên hai bộ chuẩn này không có điểm chung. Còn đối với đánh giá cấp đơn vị thì Việt Nam có bộ chuẩn với 61 tiêu chí như tôi đã nói ở trên. ĐHQGHN đã so sánh giữa tiêu chuẩn của ANU và Việt Nam thì có khác nhau ở chỗ ngoài 61 tiêu chí mà Việt Nam đã có thì ANU còn có thêm 26 tiêu chí. Như vậy, trường nào muốn đánh giá theo ANU thì ngoài 61 tiêu chí của Việt Nam còn phải đánh giá thêm 26 tiêu chí nữa, tổng số tiêu chí phải đánh giá là 87. Do đó, tiêu chuẩn của ANU có nhiều tiêu chí hơn và xu hướng hội nhập là tốt hơn. ĐHQGHN đã yêu cầu tất cả các trường thành viên phải đánh giá một trong 2 hợp phần, một là theo ANU hai là theo tiêu chuẩn quốc tế. Vì bên cạnh các tiêu chí của ANU, ĐHQGHN cũng đã tiến hành so sánh với bộ tiêu chuẩn của vùng Bắc Hoa Kỳ có các trường nổi tiếng như Havard, MIT, thì thấy họ có trên 170 tiêu chí. Chúng ta còn rất nhiều tiêu chí không có so với chuẩn quốc tế, ít nhất là chúng ta thiếu so với họ 66 tiêu chí. Muốn hội nhập quốc tế, chúng ta phải đánh giá khoảng 127 tiêu chí.
Theo ông, có bao nhiêu ĐH của Việt Nam có thể đáp ứng được chuẩn của ANU?
Hiện nay, ĐHQGHN đã đánh giá các trường trực thuộc, kết quả mới có ĐH Công nghệ có thể đáp ứng được yêu cầu đó. Còn những trường khác đang phấn đấu.
Với một số ngành học của các trường Việt Nam có các môn trùng nhau nhưng không thể công nhận giữa các trường. Vậy nếu theo chuẩn này, chúng ta sẽ làm được việc này, thưa ông?
Hiện nay trong mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á có hai CT. Một CT đảm bảo chất lượng mạng lưới chính là ANU – QA, hai là chuyển đổi tín chỉ là ACTS. Khi các CT được kiểm định thì cơ hội công nhận sinh viên muốn chuyển sang CT tương đương sẽ cao hơn. Vì có điểm chung để thừa nhận, nếu không sẽ rất khó khăn. Do đó, việc kiểm định chất lượng trong nước và đặc biệt là quốc tế là vô cùng quan trọng. Vì nếu không có thì việc di động sinh viên, chuyển đổi từ trường này sang trường khác rất khó thực hiện.
Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang hướng tới tự chủ, các trường cũng sẽ phải tuyển sinh theo bản sắc riêng của mình. Vậy với bộ kiểm định chung có hợp lý không hay cần thiết phải tạo mỗi trường có bộ đánh giá riêng trên cơ sở bộ đánh giá chung này?
Chúng ta phải thấy rằng tiêu chuẩn và tiêu chí là chung nhưng khi đánh giá phải căn cứ vào sứ mạng, mục tiêu của từng trường. Ví dụ như tiêu chí về đủ giảng viên để đào tạo thì phải đặt trong sứ mạng của trường là đào tạo nghiên cứu hay đào tạo nghề, đào tạo như thế nào. Mặc dù tiêu chuẩn là chung nhưng soi vào sứ mạng, mục tiêu của từng trường thì thực chất nó là riêng. Cách tiếp cận của thế giới là như thế và Việt Nam cũng đang đi theo hướng này. Trong tuyển sinh, mỗi trường có thể có một sân chơi riêng nhưng trong kiểm định phải có một thang chung để đo.
Kiểm định viên học xong sẽ làm gì, thưa ông?
Khi học xong, kiểm định viên được cấp thẻ hành nghề, họ được quyền đăng ký và vào làm tại các trung tâm kiểm định. Lúc đó, họ sẽ tham gia vào các đoàn đánh giá ngoài của các trường ĐH. ĐHQGHN cũng có thể sẽ mời họ tham gia các đoàn đánh giá ngoài. Từ báo cáo đánh giá của họ, hội đồng trung tâm sẽ ra quyết định là trường đó có đạt chất lượng hay không. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố để hội đồng trung tâm ra được quyết định cuối cùng, ngoài báo cáo đánh giá ngoài còn có báo cáo đánh giá trong của các trường và các minh chứng kèm theo. Hội đồng trung tâm sẽ đề xuất với giám đốc trung tâm ra quyết định công nhận chất lượng của một trường nào đó. Và quyết định này có giá trị trong vòng 5 năm.
Như vậy khó có một trường nào đó đạt được 100% các tiêu chí?
Theo quy định thì có hai điều kiện để công nhận đạt hay không. Đó là không có tiêu chuẩn nào không có tiêu chí không đạt và tổng số tiêu chí đạt phải từ 80%. Sau đó, các đoàn đánh giá ngoài sẽ có khuyến cáo về chất lượng cho trường được đánh giá.
Ông có lường trước được việc sẽ bị khiếu nại sau khi công bố kết quả?
Hiện nay chưa làm nên chưa thể nói trước nhưng chúng tôi cũng lường trước các tình huống này. Nhưng cũng có quy định trong hướng dẫn do vậy cũng có quy trình để giải quyết. Quan trọng là văn hóa minh chứng. Các quyết định phải có minh chứng, không phải dựa vào ý kiến chủ quan.
Ở Việt Nam hay có tình trạng dựa vào các mối quan hệ. Ông nghĩ thế nào trong trường hợp này?
Chúng tôi phải có một cam kết, kể cả các thành viên trong hội đồng kiểm định về xung đột lợi ích. Các thành viên trong hội đồng kiểm định phải không có người nhà làm ở trường đang được kiểm định. Thứ hai là đoàn đánh giá ngoài cũng như vậy để tránh tình huống không khách quan. Chúng tôi cũng thành lập ban giám sát làm nhiệm vụ kiểm soát quy trình và các vấn đề liên quan đến đạo đức. Chúng tôi đã lường trước các vấn đề này để có thể kiểm định một cách khách quan nhất.
Vấn đề kinh phí kiểm định?
Hiện chưa có quy định cụ thể. Nhưng đây là hoạt động công nên sẽ theo nguyên tắc lấy thu bù chi, thỏa thuận giữa các bên và theo quy định của Nhà nước?
Thỏa thuận này có liên quan đến chất lượng không, thưa ông?
Tôi nghĩ sẽ có khung kinh phí chung của Nhà nước. Thứ hai còn quy tắc đạo đức và có các điều kiện ràng buộc trong đó. Chúng tôi sẽ có những quy định rất minh bạch. Trong quy định của hội đồng không được gợi ý nhận quà và không được nhận quà.
Ông nghĩ thế nào nếu có các trung tâm kiểm định tư nhân hoạt động?
Tôi nghĩ đó là bình thường. Sau 2015 bộ sẽ mở thêm nhiều trung tâm mới. Do đó, tùy các trường ĐH, CĐ, TCCN mà họ có thể đăng ký vào một trung tâm nào đó. Trung tâm được các trường đăng ký hay không phụ thuộc nhiều vào uy tín chuyên môn của trung tâm đó. Không trường nào muốn được cấp giấy chứng nhận của một trung tâm kiểm định không có uy tín.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)