Đầu năm 1859, Pháp và Tây Ban Nha đem quân xâm chiếm thành Gia Định (Sài Gòn). Năm 1862, triều đình Huế phải nhượng cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cai trị. Năm 1867, Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Năm 1873, 1883, Pháp đem quân đánh chiếm Hà Nội và năm 1884 uy hiếp cả Huế. Triều đình phải chấp thuận cho Pháp thực trị Nam Kỳ và bảo hộ Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Pháp dần thay đổi về việc cai trị và tổ chức lãnh thổ. Pháp bắt đầu vẽ bản đồ Việt Nam theo kỹ thuật khoa học hơn cho đúng kinh tuyến và vĩ tuyến.
Về phần bờ biển – biển Đông – hải đảo, Pháp giao nhiệm vụ cho Sở Thủy văn của Bộ Hải quân Pháp (Service hydrographique de la Marine) đo đạc và thực hiện các bản đồ. Những bản đồ này ghi cả độ sâu gần khắp biển Đông rộng khoảng 1 triệu km2. Hiện đã sưu tầm được hơn 100 bản đồ cỡ 54cm x 75cm và 74cm x 104cm vẽ rõ bờ biển, biển Đông và hải đảo, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện từ năm 1884 đến năm 1940.
Năm 1885, Sở Thủy văn của Bộ Hải quân Pháp đã thực hiện bản đồ Archipel des Paracels (quần đảo Hoàng Sa) theo tư liệu của người Đức (1881-1883) và của người Anh cùng người Pháp gần đấy nhất (D’après les levés allemands 1881-1885 et les travaux anglais et franais les plus récents). Bản đồ có kích cỡ 74cm x 104cm.
Bản vẽ gồm cả 2 phần quần đảo: 1) Groupe de Croissant (nhóm Lưỡi Liềm) và các đảo, bãi thành viên; 2) Groupe de l’Amphitrite (nhóm An Vĩnh) và các đảo, bãi thành viên. Mỗi đảo, bãi đều có vẽ các vòng san hô bao bọc. Giữa tất cả các đảo hay bãi đều có ghi đường liên lạc bằng các tuyến đo độ sâu của biển, cốt để tránh các bãi cát ngầm có thể làm cho các tàu mắc cạn.
Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa từ năm 1945 đến 1975
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Bảo Đại tuyên bố từ bỏ chính quyền bảo hộ của Pháp và thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim. Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh. Ngày 19-8-1945, Việt Minh lật đổ quyền cai trị của Nhật, Pháp và chính phủ Trần Trọng Kim. Ngày 2-9-1945, Bác Hồ ra Tuyên ngôn độc lập và thiết lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (có Vĩnh Thụy, tức Bảo Đại làm cố vấn tối cao). Theo nguyên tắc, toàn thể lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam phải trở về quyền cai trị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau 2-9-1945, đồng minh cử nước Anh tới giải giáp quân đội Nhật kể từ vĩ tuyến 16 vào Nam, và cử Trung Hoa Dân Quốc tới giải giáp quân đội Nhật kể từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc. Ngày 23-9, Anh giúp quân Pháp chiếm cứ một số tỉnh thành Nam bộ cho thủy quân ra biển Đông chiếm lại Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều cuộc điều đình Việt – Pháp như hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 ở Hà Nội, Hội nghị trù bị tháng 5-1946 ở Đà Lạt, Hội nghị chính thức tháng 7-1946 ở Fontainebleau, Tạm ước 14-9-1946 đều thất bại. Ngày 19-12-1946, toàn quốc vùng lên kháng chiến. Ngày 8-3-1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại ký hiệp ước Elysée công nhận quốc gia Việt Nam.
Ngày 7-9-1951, 51 nước họp Hội nghị tại San Francisco (Hoa Kỳ), Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu long trọng tuyên bố: “Vì phải dứt khoát lợi dụng mọi cơ hội để ngăn chặn những mầm mống bất hòa, chúng tôi xin khẳng định rằng chủ quyền của chúng tôi trên các đảo Spratly (Trường Sa) và Paracel (Hoàng Sa) đã thuộc về Việt Nam từ mọi thời đại. Tuyên bố này không một phái đoàn nào phản đối.
Tháng 5-1954, Pháp đại bại ở trận Điện Biên Phủ. Tháng 7-1954, hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và tạm chia cắt Việt Nam thành hai phần, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Hai năm sau sẽ hiệp thương thống nhất. Nhưng tháng 10-1955, Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại và thành lập chế độ Việt Nam Cộng hòa. Quân lực từ thời quốc gia Bảo Đại đến thời Việt Nam Cộng hòa luôn chiếm giữ và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Chính quyền đã cho một số công ty tới khai thác phân chim ở Hoàng Sa.
Ngày 13-7-1961, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh “Quần đảo Hoàng Sa trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, nay đặt thuộc tỉnh Quảng Nam… Một số đơn vị hành chính xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang”.
Ngày 1-11-1963, quân đội làm đảo chính, hôm sau giết Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Mỹ tăng cường chiến tranh, nhưng vẫn thất bại nặng nề. Ngày 6-9-1973, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra nghị định “Nay sáp nhập các đảo Trường Sa (Spratly), An Bang (Amboyna Cay), Thái Bình (Itu Aba), Song Tử Đông (Northeast Cay), Song Tử Tây (Southwest Cay), Loại Ta (Loaita) Thị Tứ (ThiTu), Nam Yết (Namyit), Sinh Tồn (Sin Cowe), và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy (tức Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay)”. Như vậy, một số tên đảo đã được Việt Hóa.
Đầu năm 1973, hiệp định 4 bên ở Paris được ký kết, Mỹ phải rút quân và chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 19-1-1974, Trung Quốc mang hải quân hùng hậu đến đánh chiếm Hoàng Sa, làm thiệt hại 74 lính cộng hòa đang bảo vệ các đảo.
Linh Vy (Trích lược theo nhà nghiên cứu, GS. Nguyễn Đình Đầu)
Bình luận (0)