Sân trường chật chội, thiếu đồ chơi ngoài trời nên các cháu Trường Mầm non An Hải phải chen chúc và tranh giành chỗ vui chơi |
Hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp là điều kiện để các trường tổ chức bán trú, thuận lợi cho việc dạy 2 buổi/ngày, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ trong các trường mầm non. Thế nhưng đối với bậc học mầm non của huyện đảo Lý Sơn, thì những vấn đề này đang gặp nhiều khó khăn…
Huyện đảo Lý Sơn có 3 trường mầm non, (1 trường của huyện, 2 trường của xã An Hải và An Vĩnh). Đối với xã An Bình, tức đảo Bé, vì số lượng cháu ít nên phụ huynh cho các cháu học bên đảo Lớn, tập trung chủ yếu tại Trường An Vĩnh. Theo số liệu thống kê, toàn huyện có gần 2.000 cháu. Huyện có 3 điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ. Hầu hết các trường đều được xây dựng bằng nguồn vốn ưu đãi của các chương trình, vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân…
Thiếu sân chơi cho trẻ
Tại điểm trường chính của Trường Mầm non An Hải, 270 cháu chỉ được chơi trong khuôn viên chật hẹp chỉ hơn 100m2. Sân chật hẹp, đồ chơi thiếu thốn nên nhiều cháu chỉ đứng nhìn các bạn chơi. Nhiều cháu, vì tranh giành chỗ chơi đã gây ra xô xát, gây gổ lẫn nhau. Khi được hỏi, sao con không chơi cùng các bạn, bé Lê Thị Thu Danh nói giọng buồn buồn: “Con muốn chơi, nhưng con không chơi được vì các bạn giành chỗ hết rồi”. Hầu hết các trường mầm non ở huyện đảo Lý Sơn đều thiếu đồ chơi ngoài trời cho trẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thể chất của các cháu. Nhưng hiện nay, các trường không đủ kinh phí để tự mua sắm mà chỉ trông chờ vào các nguồn của Nhà nước hoặc sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.
Học 2 buổi/ngày nhưng lại thiếu bán trú
Điểm lẻ của Trường Mầm non An Hải được xây dựng từ nguồn kinh phí bãi ngang ven biển. Điểm trường có 4 lớp với 110 cháu thì chỉ có 2 lớp được học 2 buổi/ngày. Anh Lê Sử – phụ huynh của một cháu học tại đây – cho biết: “Có bán trú thì mình khỏe hơn nhiều, một ngày chỉ đưa đón con có 2 lần. Còn như bây giờ, một ngày phải dành thời gian đón con đến 4 lần. Chiếm hết nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc của gia đình. Mình rất mong nhà trường mở bán trú để cho mình và bà con nơi đây an tâm làm việc”. Còn phụ huynh Phù Thị Mỹ Lệ ở xã An Hải cũng mong muốn: “Dân ở đây làm nông, chồng đi biển, vì không có bán trú nên sáng chở con tới, trưa phải đón về rồi, đầu giờ chiều lại chở đi học, mất nhiều thời gian. Có được bán trú thì đỡ cho bà con nhiều lắm”.
Trường Mầm non An Vĩnh có gần 560 cháu với 19 lớp, nhưng chỉ có 3 lớp với gần 90 cháu được học bán trú, 450 cháu còn lại, các bậc phụ huynh phải thường xuyên đưa đón con em mình. Nhu cầu bán trú là rất lớn, nhưng hiện tại trường vẫn không thể tổ chức bán trú hết được vì thiếu cơ sở vật chất như phòng bán trú, bếp ăn… Cô Lê Thị Gái, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non An Vĩnh cho biết: “Học 2 buổi/ngày nhưng không có bán trú thì gặp khó khăn, các cháu vẫn đi thường xuyên nhưng về giờ giấc sẽ không đảm bảo sinh hoạt. Có cháu hay ngủ nhiều nên đi học trễ, còn bán trú thì các cháu sẽ được ăn ngủ đúng giờ”.
Ông Lê Nhụ, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Lý Sơn cho biết: “Về cơ sở vật chất, chúng tôi chỉ đáp ứng được 24 lớp học 2 buổi/ngày còn lại 13 lớp chưa thực hiện được. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi. Khó khăn thứ 2 của chúng tôi là đất sạch để xây dựng các phòng chức năng, các khu hiệu bộ để đảm bảo và nâng cao chất lượng đạt chuẩn. Đối với trường mầm non của huyện chỉ đủ các phòng cho các cháu, chứ các phòng chức năng cũng chưa đảm bảo. Trường Mầm non An Hải nằm lẫn trong khu dân cư, các điểm trường của Trường Mầm non An Vĩnh cũng như vậy nên không có diện tích mở ra”.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao
Theo thống kê từ đầu năm học, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của Trường Mầm non An Vĩnh chiếm 17%, đến thời điểm hiện tại còn 13%. Đây là nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ và cô giáo của trường. Nhưng về lâu dài, con số này vẫn chưa thực sự bền vững. Bởi số lượng các cháu ngày càng đông, trường lại thiếu phòng để mở bán trú, bếp ăn thì chật hẹp, đội ngũ giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều việc. Đây là một khó khăn khi trường phải đối mặt với việc đảm bảo sức khỏe và hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng cho các cháu. Cô Lê Thị Gái, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non An Vĩnh cho biết: “Phụ huynh rất mong nhà trường giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, do đó trường rất mong muốn có điều kiện để mở thêm lớp bán trú cho các cháu, thứ nhất là được các cô chăm sóc, ăn ngủ đúng giờ giấc, thứ 2 là các cháu được vui chơi, trao đổi với nhau nhiều hơn, giúp các cháu phát triển tâm sinh lý một cách bình thường. Nhưng ở đây vẫn đang gặp khó khăn về bếp ăn. Cấp dưỡng chỉ có một người, bếp ăn chật hẹp nên nhu cầu bán trú chưa thể đủ. Hơn nữa, trường thiếu phòng nên chưa có điều kiện mở lớp bán trú”.
Một khó khăn nữa mà Trường Mầm non An Vĩnh phải đối mặt là 15 năm nay, kể từ khi thành lập, nhà trường không có ai phụ trách mảng y tế học đường. 3 điểm trường của trường với gần 560 cháu đang rất cần có một chuyên trách y tế học đường. “Ở trường chưa có y tế nên gặp nhiều khó khăn, như sơ cứu ban đầu cho các cháu, những tai nạn nhỏ, đau đầu sổ mũi giáo viên phải tự chăm sóc, còn nặng hơn thì phải đưa xuống bệnh viện. Điều này gây khó khăn cho giáo viên chủ nhiệm, nếu có y tế học đường thì dễ hơn”,cô Lê Thị Gái chia sẻ thêm.
Thiếu phòng học
Toàn huyện Lý Sơn có hơn 22.000 dân, trẻ bậc mầm non đều tập trung vào 3 điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ trên địa bàn huyện. Nhu cầu là rất lớn, nhưng cơ sở vật chất của các trường hiện nay lại chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Có trường phải phá bỏ quy định của điều lệ trường mầm non để nhận các cháu cho bà con trên đảo. Bà Nguyễn Thị Đầm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lý Sơn thừa nhận: “Nếu theo điều lệ trường mầm non thì trường chúng tôi vượt 44 cháu/lớp. Như vậy là vi phạm. Nhưng vì điều kiện của địa phương, không thể nào không nhận được. Nhận như vậy thì giáo viên cũng gặp khó khăn trong việc chăm sóc các cháu. Vì trên thực tế, chúng tôi thiếu các phòng chức năng như: Phòng âm nhạc, phòng thể chất, phòng học cho các cháu… tất cả là 8 phòng, như vậy mới có thể mở bán trú. Nhưng lực bất tòng tâm”. Hiện trường chỉ có 4 lớp, với gần 180 cháu, dự báo trong những năm tới số lượng các cháu sẽ tăng hơn. Nhưng với cơ sở vật chất hiện tại, việc nuôi dưỡng các cháu sẽ gặp không ít khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Phúc Sinh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lý Sơn cho biết: “Đối với bậc học mầm non của huyện vẫn còn thiếu hàng chục phòng học nhưng nguồn kinh phí xây thì không có. Do thiếu thốn phòng học như vậy nên chúng tôi khó có thể đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của bà con huyện đảo”.
Bài, ảnh: Phước Trung
Bình luận (0)