Má Sa trong một lần đến thăm hỏi trường hợp em Trúc Mai ở ấp Tam Đông (Hóc Môn) |
“Ở đâu có học trò nghèo là ở đó có má Sa”, nhiều người dân và giáo viên đã nói về cô Nguyễn Kim Sa – Phó chủ tịch Hội Khuyến học (HKH) huyện Hóc Môn một cách thân thương và giản dị như thế.
Sau nhiều năm đảm nhiệm trọng trách quản lý giáo dục, năm 1997, cô Sa nghỉ hưu. Nhưng ngay lúc tưởng được vui thú điền viên bên con cháu, cô lại về công tác ở HKH huyện Hóc Môn theo lời mời của Huyện ủy. Công việc ở HKH như cái “nghiệp” đeo đẳng người phụ nữ “thất thập cổ lai hi” này suốt 14 năm qua.
“Bà già chì”
“Đi làm bằng xe đạp, mà hễ nghe ở đâu có học trò nghèo là cô Sa tới ngay”, vị hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Đông lý giải về cái biệt danh ngồ ngộ của cô Sa: “Bà già chì”. Người dân nghèo ở huyện Hóc Môn đã quá quen với hình ảnh một bà lão tóc hoa râm lúc nào cũng ôm khư khư túi sơ mi đựng toàn danh sách học trò nghèo nhận học bổng (HB). Và những con đường mòn lầy lội dẫn vào những căn nhà mái nghiêng xiêu vẹo có lẽ cũng đã “nhẵn mặt” bao vòng bánh xe vội vã của người phụ nữ có gương mặt phúc hậu. Giữ chức Phó chủ tịch HKH huyện Hóc Môn suốt 14 năm, cô Sa nhận nhiệm vụ về kinh tế – tài chính – HB cho học sinh (HS) nghèo, mà theo cách nói giản dị của cô là “đi xin HB cho tụi nhỏ nghèo khỏi nghỉ học”.
“Lúc nhận nhiệm vụ ở HKH, cô không nghĩ trách nhiệm của người làm công tác khuyến học lại nặng nề đến vậy”, nhớ lại những ngày đầu đảm đương công việc mới, cô Sa khẽ chau mày. Trung bình mỗi năm, HKH huyện Hóc Môn trao khoảng 200 suất HB các loại cho đối tượng HS nghèo. “Không có lương đã đành, đằng này ngân sách cũng không có nên cô phải tự đi kiếm nhà tài trợ để lo từng suất HB. Có tiền rồi còn phải tìm cho ra đúng HS nghèo để trao HB”, cô Sa tâm sự. Để kiếm được nguồn HB, cô Sa huy động mọi mối quan hệ, trong đó có cả những học trò cũ của cô nay đã thành đạt. Và đặc biệt, gia đình cô cũng là… một nguồn HB. Vợ chồng cô cùng con gái, con dâu và hai đồng nghiệp cũ đã góp thêm 8 suất HB theo hình thức 1&1 (một cá nhân tài trợ cho một HS) cho HKH huyện nhà.
Cái khó về tiền bạc có thể được gia đình hoặc các nhà hảo tâm sẻ chia. Còn cái khó đúng theo phương châm làm việc của cô là “đi sát với HS nghèo” thì chỉ một mình “Bà già chì” gồng gánh. “Mỗi khi danh sách HS nghèo gửi lên HKH, đích thân cô phải đến từng nhà để thăm hỏi và xác minh lại gia cảnh”, cô Sa giãi bày. “Công việc này muốn nhàn cũng không khó. Chỉ cần nhận danh sách từ các trường rồi có bao nhiêu HB trao bấy nhiêu. Nhưng điều quan trọng là cô muốn dành những suất HB ít ỏi đó cho đúng đối tượng HS đang gặp khó khăn”.
Mang trong mình căn bệnh tuổi già là cao huyết áp và tim mạch, sợ không thể đảm đương hết trọng trách nặng nề, nhiều lần cô viết đơn xin nghỉ. Đơn viết xong chưa kịp gửi đã nghe ở chỗ này, chỗ kia có trường hợp HS vì nhà nghèo phải nghỉ học, vậy là cô lại tức tốc lên đường. Đêm về nằm gác tay lên trán cô nghĩ: “Bây giờ mà mình buông thì biết bao nhiêu chương trình HB không ai lo, rồi tụi nhỏ chắc chắn sẽ bỏ học. Thôi thì cố làm đến khi nào hết thở nổi mới thôi”. Với cô, bớt được một học trò bỏ học là bớt đi một gánh nặng cho xã hội sau này. Có trình độ đàng hoàng, mai này tụi nhỏ lớn lên sẽ đủ sức lo cho gia đình của chúng. Có lẽ ít ai biết rằng mỗi ngày “Bà già chì” phải uống từ 18 đến 20 viên thuốc để duy trì sức khỏe mà tìm đến an ủi, động viên các học trò nghèo…
“Cõng” chữ nuôi trò nghèo
Những câu chuyện của bà Phó chủ tịch HKH huyện chỉ xoay quanh cái danh sách dài dằng dặc những học trò nghèo cần được hỗ trợ. Lớp này trưởng thành, cô lại tiếp tục ghi nhớ hoàn cảnh của lớp sau. Khi rảnh, cô lại lật sổ lẩm nhẩm tên tuổi, địa chỉ, gia cảnh như sợ bỏ sót trường hợp nào.
Cô bắt đầu kể cho tôi nghe về trường hợp đáng thương của em Lương Thoại Vi. Em mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng gia đình nghèo quá nên không có tiền để mổ. Lúc cô Sa tìm đến, Vi đang trong giai đoạn “thập tử nhất sinh”. Mặc dù đã học lớp 2 nhưng em chỉ nặng 16kg. Nhìn Vi quằn quại trong cơn đau, cô không cầm được nước mắt. Ngay sau đó, cô liên hệ với một nhà hảo tâm tận bên Pháp, kể rõ sự tình và đích thân dẫn người phụ nữ Pháp ấy đến nhà thăm Vi. Tia hi vọng lóe sáng khi nhà hảo tâm đồng ý chi trả 2 ngàn euro để lo toàn bộ chi phí phẫu thuật cho cô học trò bất hạnh. Ca mổ thành công trả lại cho Vi một trái tim khỏe mạnh. Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục gửi văn bản cho Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn kêu gọi sự giúp đỡ về trường hợp của Vi để em có chi phí trang trải sau khi mổ. Và cuộc vận động “Nhịn quà một bữa nuôi Thoại Vi sau hậu phẫu” được phát động đến từng trường học trên địa bàn huyện Hóc Môn đã thu về tổng số tiền 20 triệu đồng. “Năm nay Vi đã là nữ sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến và đã đẹp gái, có da có thịt rồi”, cô Sa phấn khởi khoe. Công việc tưởng chỉ mỗi xin tiền, kiếm HB, lo cho học trò nghèo. Vậy mà đi đến đâu cô cũng gặp những mảnh đời bất hạnh. Thương các em như con nên có khó, có khổ tới đâu cô cố gỡ cho bằng được. Chính nhờ sự dấn thân tới cùng này mà cô đã giúp “hàn nối” vết thương vì bệnh tật, đói nghèo cho rất nhiều học trò khốn khó.
Suốt ngày “vác tù và hàng tổng”, người ngoài nhìn vào cứ tưởng cuộc sống của gia đình cô an nhàn lắm. Ít ai biết được để nuôi bốn người con ăn học thành tài như bây giờ, bản thân cô đã phải “cõng” chữ đằng đẵng mấy chục năm trời. Đến khi mắt mờ tay yếu, cô vẫn tiếp tục đi dạy thêm vào mỗi tối để có tiền làm công tác xã hội. Cô Sa nói: “Ăn uống đã có con cháu trong nhà lo, không thể ngay cả việc làm từ thiện ngoài xã hội cô cũng phiền đến tụi nhỏ”. Nhiều thầy cô trêu rằng: “Má Sa dạy phá giá” vì cô chỉ nhận của học trò học phí bằng nửa số tiền dạy ở ngoài. Ai nói gì cô cũng cười xòa: “Lấy tiền theo kiểu đó thì làm sao con nhà nghèo tiến lên được”.
Trong căn phòng nhỏ xíu chừng 15m2, cái bàn làm việc của Phó chủ tịch HKH huyện Hóc Môn thường không có người ngồi vì cô luôn phải chạy khắp nơi xin HB cho học trò nghèo. Theo kế hoạch, sắp tới, HKH sẽ trao 60 suất HB thường niên cho HS bậc THCS và bậc THPT (THCS: 800 ngàn đồng/suất, THPT: 1 triệu đồng/suất), vậy mà tiền mặt hiện có chỉ nhỉnh hơn 10 triệu đồng. Thế nhưng, cô vẫn lạc quan: “Phải ráng kiếm thêm 50 triệu đồng để lo HB. Tới ngày đó bằng giá nào cũng phải phát HB cho tụi nhỏ”.
Dạo này, dù tới thăm học trò nghèo hay đến các trường, người ta cũng thấy cô Sa đi xe “dân biểu”. Đó là cách cô dí dỏm gọi chú xe ôm “mình biểu đi đâu thì chú đi đó”. “Thấy học trò nghèo không có xe đạp đi học nên cô cho luôn rồi. Chắc sắp tới tôi phải mượn xe đạp cháu ngoại chứ đi xe “dân biểu” vầy hao quá”, cô vừa cười vừa gọi điện thoại cho chú xe ôm quen đến đón. Theo cô đi rong ruổi trên những con đường dài ngoằn ngoèo dẫn đến những địa chỉ đang rất cần một bàn tay cứu giúp, tôi thấy lòng mình ấm lại. Hình ảnh bà lão ngoài 70 tuổi không kịp gỡ cái mũ bảo hiểm đội trên đầu đã vội vã hỏi han tình hình “Sắp nhỏ dạo này đi học thường không con?” cứ in sâu vào lòng người viết, day dứt mãi khôn nguôi.
Bài, ảnh: Minh Ly
Bình luận (0)