Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Chuyện trong hè

Tạp Chí Giáo Dục

Những thách thức cần vượt qua

Th.S Tạ Văn Doanh – TBT Báo Giáo Dục trao giấy khen cho thầy cô giáo đoạt giải “Ngọn nến sáng tạo”

1. Những ngày này, giới truyền thông sôi nổi kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam trong tình hình kinh tế xã hội có nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Xu hướng thỏa mãn nhu cầu thông tin của bạn đọc, nhất là giới trẻ ngày càng nghiêng về báo điện tử, blog… đang và sẽ trở thành vấn đề của báo in.
 Kinh tế, đời sống khó khăn cũng khiến mọi người cân nhắc hơn vấn đề chi tiêu. Chỉ có những sản phẩm báo chí thật sự cần, bổ ích mới lọt vào tầm ngắm bạn đọc. Giá cả sinh hoạt tăng cao, chi phí nhiều; lương tối thiểu tăng… cũng là thách thức mới đối với các đơn vị báo chí, đặc biệt rất khó khăn đối với các tờ báo hoạt động theo cơ chế sự nghiệp có thu, tự trang trải hoàn toàn mọi chi phí hoạt động.
Trong tình hình như vậy, một số tờ báo, trong đó có Báo Giáo Dục Thành phố Hồ Chí Minh đã phấn đấu hết mình, vượt qua khó khăn, liên tục phát triển, thực hiện chức năng thông tin, đảm bảo tốt định hướng, “sống” được trong lòng bạn đọc là điều không dễ. Ngoài cái “tâm”, cái “tầm”, cái “chí” của người làm báo, tòa soạn các báo rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý và bạn đọc để vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ.
2. Vào hè, trong khi hầu hết thầy cô giáo, cán bộ quản lý trường học và học sinh thoải mái nghỉ ngơi, tham quan du lịch thì Bộ, Sở GD-ĐT và một bộ phận cán bộ giáo viên khác tất bật với kỳ thi tốt nghiệp THPT, tổng kết năm học và làm nhiều việc quan trọng khác chuẩn bị cho kế hoạch năm học mới, sắp tới.
Kỳ thi tốt nghiệp năm nay có nhiều thách thức phải vượt qua để đạt yêu cầu của một kỳ thi quốc gia thật sự nghiêm túc, làm cơ sở tin cậy cho việc xét tuyển đại học, nếu mai này phương án một kỳ thi quốc gia được Chính phủ lựa chọn. Ngoài quyết tâm “Nói không với tiêu cực trong thi cử” như hai năm trước, kỳ thi năm nay được tăng cường thêm biện pháp thi theo cụm và chấm chéo bài thi giữa các tỉnh thành. Đó là thách thức mới mà các tỉnh thành phải vượt qua, tạo tiền đề thành công cho kế hoạch tổ chức kỳ thi “hai trong một” như Bộ dự kiến.
Thông tin từ các sở, Bộ cho thấy kỳ thi năm nay đã được tổ chức tốt nhất so với các năm trước. Số lượng các trường hợp vi phạm quy chế thi đã giảm hẳn; kỷ luật trường thi được đảm bảo, không còn cảnh kẻ gian trèo tường ném “phao”, hành hung giám thị… Dẫu có một số ý kiến cho rằng tổ chức thi theo cụm làm vất vả thí sinh, tốn kém hơn, nhưng vì mục đích của kỳ thi là đánh giá công bằng, chính xác trình độ của học sinh trong phạm vi cả nước thì có thể nói kỳ thi năm nay đã thành công tốt đẹp.
Thành phố Hồ Chí Minh tuy có hơn 100 hội đồng thi nằm rải rác các nơi với gần 70 ngàn thí sinh nhưng cũng đã được tổ chức chu đáo, đảm bảo rất tốt quy chế trường thi, không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Ông Nguyễn Văn Ngai, Phó giám đốc – thường trực ban chỉ đạo thi cho rằng các năm trước thành phố đã tổ chức thi rất nghiêm túc, nhưng năm nay là năm đảm bảo quy chế thi tốt nhất, ít hiện tượng vi phạm nhất. Bài thi tự luận của thí sinh thành phố cũng đã chuyển cho Đồng Nai, Tiền Giang và Bình Thuận chấm. Thành phố cũng đã chấm bài thi của các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương và Bình Phước. Kết quả chấm thi, dù là thế nào, cũng thể hiện tốt hơn tính khách quan trong khâu chấm so với các năm trước. Chấm chéo bài thi giữa các tỉnh thành, vì thế cũng là thử thách không mấy dễ chịu, nhưng có lẽ cũng cần phải làm quen!
3. Các cấp quản lý giáo dục đang hoàn thiện báo cáo tổng kết năm học và chuẩn bị kế hoạch cho năm học mới, năm học 2009-2010. Công tác tổng kết chỉ thực sự có giá trị, ý nghĩa khi nhà quản lý tiến hành với các phương pháp có tính khoa học; phân tích nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm. Từ đó, tìm kiếm và xác lập các giải pháp mới cho kế hoạch năm sau.
 Chung quanh vấn đề này, ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh – đề nghị các trường, phòng GD-ĐT quận huyện, phòng chuyên môn của Sở rà soát các biện pháp, chỉ tiêu năm học vừa qua đã thực hiện đến đâu, tổng kết các mặt hoạt động với tinh thần nghiêm túc, cầu thị; phân tích mặt mạnh, mặt yếu, nguyên nhân và chuẩn bị các biện pháp đổi mới giáo dục mạnh mẽ từ năm học tới trở đi.
Để chuẩn bị kế hoạch cho năm học tới, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng đã đề nghị các phòng chức năng của Sở, phòng GD-ĐT quận huyện, các trường, và đơn vị trực thuộc triển khai ngay công tác tuyển sinh đầu cấp, sửa chữa, xây mới trường lớp; tuyển dụng, thuyên chuyển, bố trí cán bộ quản lý và giáo viên… Cơ sở định hướng cho công tác xây dựng kế hoạch năm học và chiến lược phát triển dài hạn của đơn vị là Kết luận của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020” (Thông báo 242 của Bộ Chính trị).
Năm học sắp tới, dự kiến ngành giáo dục vẫn còn đối mặt với những khó khăn do đề án đổi mới cơ chế tài chính mà Bộ đề nghị vẫn chưa được thông qua trọn vẹn và thực hiện ngay. Hơn 10 năm, nhìn chung khung học phí không thay đổi, ngân sách nhà nước có tăng nhưng không đủ bù do tăng quy mô và trượt giá cho nên ngành giáo dục vẫn cứ loay hoay với bài toán nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, trong thẩm quyền, nhiều tỉnh thành đã vận dụng cơ chế tài chính và chủ trương xã hội hóa giáo dục sẵn có để chăm lo đội ngũ nhà giáo, phát triển giáo dục một cách hợp lý, hợp tình. Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sắp họp vào đầu tháng 7 tới đây, trong chương trình nghị sự dự kiến có nội dung nghe Sở GD-ĐT báo cáo tình hình, chất vấn và bàn các biện pháp khả thi, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi năm học mới. Thành phố Hồ Chí Minh luôn có truyền thống tháo gỡ ách tắc, năng động và sáng tạo, cho nên mọi người hy vọng lần này HĐND TP mở được lối đi thông thoáng đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn cho tương lai.
LONG PHỤNG SƠN

Bình luận (0)