Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Phút 89”, dồn phụ huynh vào thế bí

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh bức xúc vì quyết định chuyển đổi quá đột ngột làm họ không kịp trở tay
Ngày 31-8, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng quận Hải Châu (Đà Nẵng) tổ chức họp phụ huynh, thông báo việc Trường Mầm non 29-3 ở quận này chính thức chuyển đổi từ loại hình trường công lập sang tư thục, đặt phụ huynh và cả hàng chục giáo viên hợp đồng của trường cũ vào sự đã rồi.
“Đánh úp” phụ huynh
Sáng 31-8, Phòng GD-ĐT quận Hải Châu đã công bố quyết định 171 ngày 28-8-2013 của UBND quận về việc chuyển đổi Trường Mầm non 29-3 từ loại hình trường công lập sang loại hình trường mầm non tư thục. Đây là việc chuyển đổi nằm trong chủ trương xã hội hóa của ngành giáo dục. Theo đó đơn vị tiếp nhận làm chủ ngôi trường này là Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng, đứng đầu là ông Phạm Tấn Củng, Tổng giám đốc công ty. Đơn vị đầu tư tiếp nhận trường đã đưa ra mức học phí cho năm học mới. Theo đó, trừ 62/300 trẻ của trường là học sinh đúng tuyến được hưởng mức học phí bằng học phí công lập do Sở GD-ĐT Đà Nẵng quy định (95 ngàn đồng/tháng/trẻ), còn lại mức học phí năm học 2013-2014 tăng đột biến gần 7 lần (600 ngàn đồng/tháng/trẻ), đó là chưa kể các khoản khác thi nhau đội lên trên trời khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Một vị phụ huynh bày tỏ: “Tôi có hai cháu học ở trường này, so với năm học trước, năm nay trường tăng tổng mức đóng góp lên gấp hai lần. Đã vậy, quyết định chuyển từ trường công lập sang tư thục được công bố quá chậm. Cụ thể là đến thời điểm này, tất cả các trường đều đã chốt danh sách, muốn chuyển trường cho cháu là quá khó. Như vậy, chẳng khác nào “đánh úp” phụ huynh, buộc phụ huynh vào thế đã rồi, trong khi đồng lương của phần lớn phụ huynh đều là lao động bình thường, lấy đâu ra trả học phí cho con tới trường?”.
Một vị phụ huynh khác tên Văn cho rằng: “Lẽ ra nhà trường phải sớm có thông báo chuyển đổi và tổ chức họp để cho phụ huynh được biết. Đằng này cứ đặt mọi chuyện vào sự đã rồi, phụ huynh không thể trở tay kịp”. Còn phụ huynh Trần Thị Phong lại buồn bã: “Con tôi cả hai cháu đều học ở chỗ này. Trước đây dù trường không khang trang bằng nhưng con cái chúng tôi vẫn được chăm sóc tốt, lớn lên khỏe mạnh. Bây giờ đơn vị tiếp nhận lại hoàn toàn mới, cuộc họp cũng không còn thấy bóng dáng các cô giáo cũ vậy làm sao chúng tôi yên tâm, trong khi các vị nên nhớ rằng, chúng tôi gửi con là gửi niềm tin ở cô giáo, tin vào chữ tâm bấy lâu cô giáo dành cho con chúng tôi”.
Về vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 và đại diện lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Hải Châu cho biết, với những học sinh có hộ khẩu thường trú ở địa bàn phường Hải Châu 1, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã chỉ đạo ban giám hiệu các trường mầm non trên địa bàn phường tiếp nhận học sinh theo đúng tuyến khi phụ huynh có nhu cầu chuyển con về trường nơi có hộ khẩu cư trú.
Tuy nhiên câu chuyện ở và đi cũng không dễ dàng như lời hứa, còn bao nhiêu thủ tục và thời gian mới có thể thực hiện được. Đó là chưa kể, đến một môi trường học tập mới, hoàn toàn xa lạ, các cháu phải mất thời gian làm quen trong khi lẽ ra các cháu đã được ổn định tâm lý, thân quen trường lớp, bạn bè từ cả tháng trước đó.
Nước đến chân mới nhảy

So với mức thu cũ, mức thu năm học mới tăng hơn gấp 2,5 lần

Giải thích về sự chậm trễ của mình, ông Phạm Tấn Củng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng cho rằng, dù đề án đã đưa ra từ tháng 5-2013 nhưng mãi đến ngày 30-8-2013, tức là trước cuộc họp 1 ngày, đơn vị này mới nhận được quyết định chuyển đổi của chính quyền quận Hải Châu nên việc chuẩn bị gặp nhiều khó khăn. Ông Củng mong nhận được sự chia sẻ khó khăn của phụ huynh lẫn các giáo viên cũ của trường. Dẫu nguyên nhân khách quan một phần do quyết định được ban hành quá chậm, thế nhưng một mặt đơn vị đầu tư này vẫn còn khá lúng túng trong khâu tổ chức. Đó là họ vẫn luôn tin rằng các giáo viên thuộc diện hợp đồng của nhà trường sẽ tiếp tục ở lại kí hợp đồng với đơn vị để phục vụ các cháu. Tuy nhiên, sau buổi họp phụ huynh, chiều 31-8, đơn vị đầu tư cũng đã có buổi họp, trao đổi và tiến hành các thủ tục kí kết hợp đồng mới với các giáo viên hợp đồng cũ của trường. Ông Củng cũng khẳng định rằng, công ty đủ lực để trả lương cho các giáo viên này một năm nếu trường không có một học sinh nào, để các giáo viên yên tâm kí tiếp hợp đồng với đơn vị. Tuy nhiên, theo thông tin, đa phần 18 giáo viên thuộc diện hợp đồng theo ngân sách Nhà nước của Trường Mầm non Công lập 29-3 trước đây, họ đã không đồng ý kí hợp đồng với đơn vị mới. Nguyên nhân do họ phần lớn đã có thời gian cống hiến trong cơ quan Nhà nước, dù là hợp đồng ngoài biên chế, nguyện vọng của họ là muốn về các trường công lập để tiếp tục được cống hiến.
Theo ông Phạm Tấn Củng, việc các cô giáo nằm trong diện hợp đồng có phản ứng là do có một cuộc vận động hành lang nào đó (?!). Dù với cách nghĩ nào, cũng chứng tỏ rằng đơn vị đầu tư gần như chưa có sự chuẩn bị chu đáo, mặc dù với phương châm của nhà kinh doanh thì bao giờ họ cũng phải tính đến kết quả không khả thi nhất để có phương án thay thế. Thế nhưng đến cận kề ngày khai giảng, trường vẫn chưa có Ban giám hiệu và chưa có trong tay nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Ông Củng cho biết thêm, đơn vị đã mời được một vị hiệu trưởng nhưng đến ngày 20-9, vị hiệu trưởng này mới đến tiếp nhận công việc tại trường. Việc bổ sung nguồn lực, giáo viên, Ban giám hiệu hẳn nhiên sẽ được phía nhà đầu tư hoàn thiện, nhưng sự chậm trễ này thiệt thòi lớn nhất lại thuộc về các trẻ đang theo học tại trường.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)