Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ảm đạm trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên Trường TCN Khôi Việt trong giờ học thực hành

Tính đến hết ngày 31-12-2011 bức tranh tuyển sinh tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) nói riêng, trung cấp nghề (TCN) nói chung, hầu hết đều rất ảm đạm. Nhiều trường phải thoi thóp hoạt động vì một số ngành học đứng bên bờ vực đóng cửa…
Mặc dù đã hết thời hạn nhận hồ sơ tuyển sinh đợt 4, đợt tuyển sinh cuối cùng theo kế hoạch năm 2011 của hệ TCCN, nhưng nhiều trường tại TP.HCM vẫn ra thông báo tiếp tục nhận hồ sơ nhập học.
Trường nào cũng thiếu chỉ tiêu
Tại Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, hàng loạt ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, sửa chữa khai thác thiết bị cơ khí, bảo trì sửa chữa ô tô… được trường rao tuyển ráo riết. Thống kê kết quả tuyển sinh đến hết ngày 31-12 cho thấy: Mới có 1.177 học viên nhập học trên tổng số 2.250 chỉ tiêu, đặc biệt nhóm ngành cơ khí chế tạo máy, công nghệ may mới tuyển được khoảng 50-60% chỉ tiêu, mặc dù học các ngành này 100% số học sinh tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định.
Trường TCN Nhân Đạo là một trong những trường đào tạo nghề có truyền thống nhưng mùa tuyển sinh năm nay cũng thưa thớt học viên đến nộp hồ sơ nhập học. Hiệu trưởng nhà trường, ông Nguyễn Phan Hòa cho biết: “Hàng năm, ngoài việc giới thiệu mô hình đào tạo, trang thiết bị mới, chương trình đào tạo, trường còn thường xuyên liên hệ với các trường THPT và THCS để phối hợp làm công tác tư vấn học nghề, giới thiệu về tuyển sinh đào tạo của trường. Thế nhưng, trường cũng chỉ mới tuyển được 240/610 chỉ tiêu học viên. Điều đáng nói là trường xét tuyển học sinh có trình độ THCS và kéo dài nhiều đợt nhưng vẫn thiếu người học”. Tương tự, ông Dương Minh Kiên, Hiệu trưởng Trường TCN Quang Trung cho hay: Chỉ tiêu tuyển sinh của trường trên 500 nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được một nửa. Trong số học viên trường tuyển được, hầu hết tốt nghiệp THCS, số ít còn lại là học sinh THPT thi rớt tốt nghiệp. Cùng hoàn cảnh, ông Bùi Thanh Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM cho biết: “Đến hết ngày 31-12 trường mới tuyển được hơn 450 học viên, trong đó nhiều ngành chỉ lác đác vài bộ hồ sơ nhập học như ngành cơ khí nông nghiệp (2 hồ sơ), thủy lợi (7 hồ sơ)… Mặc dù đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nông – lâm – ngư nghiệp ở TP.HCM nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung nhưng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của trường chỉ có 600-650 học viên và nhiều năm trở lại đây chưa bao giờ tuyển đủ. Cơ sở 2 của trường đặt tại quận 9 có diện tích hơn 20ha với hàng loạt trang trại nuôi bò, heo, gà, ruộng lúa và vườn cây xanh trải dài ngun ngút nhưng luôn trong cảnh thiếu vắng học viên”. Hiệu trưởng nhà trường, ông Phạm Thế Sam lo lắng: “Do tâm lý chọn ngành của học sinh hiện nay đổ dồn vào nhóm ngành kinh tế, tài chính, du lịch, nên nhóm ngành như nông học, thủy lợi, cơ khí chế tạo máy dù nguồn lao động hàng năm đang thiếu nhưng các ngành học thì đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do không tuyển được học viên”.
Chất lượng quyết định
Trước tình hình tuyển sinh ngày càng ảm đạm, để tự cứu mình, nhiều trường đã chọn hướng đi tập trung vào thế mạnh riêng nhằm khẳng định được chỗ đứng, thu hút thêm học viên mới. Đơn cử như Trường CĐN Việt Mỹ chú trọng đào tạo ngoại ngữ theo tiêu chuẩn TOEIC, CĐN iSPACE đẩy mạnh đào tạo các ngành CNTT, TCN Sài Gòn 3 chú trọng ngành in… Ngoài ra, nhiều trường như TCN Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐN TP.HCM hàng năm không ngại bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị mới, đặc biệt ở nhóm ngành công nghệ thông tin, điện lạnh, cơ khí.
Theo ông Nguyễn Đình Minh, Phó hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, năng lực đào tạo hiện nay của nhiều trường TC còn yếu kém về chất lượng, trang thiết bị, CSVC tồn tại nhiều bất cập. Nếu chỉ chú trọng vào việc tăng cường chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không đầu tư về chất lượng e rằng công tác đào tạo sẽ gặp nhiều trở ngại. Mặc dù được trao cơ hội nhưng không phải trường nào cũng có năng lực.
Do đó, song song với chủ trương hạn chế tuyển sinh hệ TC trong trường ĐH, Nhà nước cần có thêm các chính sách đầu tư về CSVC, tăng cường thêm quỹ đất xây dựng, tăng số lượng phòng học kết hợp với việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy ở các trường TCCN. Chỉ khi làm được điều đó, bức tranh tuyển sinh hệ TC mới được cải thiện, khẳng định được vị thế của mình trong các thang bậc đào tạo của xã hội.n
Bài, ảnh: Quang huy
Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thừa nhận: “Năm 2011, tổng chỉ tiêu các trường CĐ, TCN và ĐH-CĐ có đào tạo nghề đóng trên địa bàn TP là 123.000 chỉ tiêu. Chỉ tiêu nhiều nhưng rất khó để tìm đủ học viên. Nhiều trường nghề đã quảng cáo ngay trong các kỳ tư vấn tuyển sinh từ cuối năm 2010. Thậm chí có trường đã tranh thủ phát tờ rơi giới thiệu khi thí sinh đi thi ĐH nhưng vẫn tuyển không đủ”. 
 

Bình luận (0)