Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Béo phì – nỗi lo “bệnh thời đại”

Tạp Chí Giáo Dục

Quá chú trọng học văn hóa, ít vận động, chế độ dinh dưỡng không hợp lí, sự chăm sóc thái quá của gia đình…, đó là những yếu tố khiến căn “bệnh thời đại” – béo phì – bùng phát trong học sinh thời nay. Chống lại căn bệnh này là chuyện quá sức của trẻ và yếu tố quyết định đến từ phía gia đình và nhà trường.
Chỉ cách đây mươi năm về trước, suy dinh dưỡng là nỗi lo với các trường học, nhất là ở bậc mầm non. Nhiều cô giáo mầm non đầu năm cân sức khỏe cho trẻ ghi nhẹ đi vài lạng để đến cuối năm dù trẻ có giữ nguyên cân như lúc đầu thì trên sổ sách vẫn là… tăng cân. Thế nhưng giờ đây, đặc biệt là tại các thành phố lớn, quá cân và béo phì đã không chỉ đẩy lùi suy dinh dưỡng mà đã trở thành căn bệnh thời đại. Theo Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, nếu như năm 2002, khoảng 19,8% học sinh tiểu học ở TP.HCM thuộc diện thừa cân béo phì thì đến năm 2010 đã tăng gấp đôi (38,5%). Đây là một mối lo lớn tới sức khỏe tương lai của thế hệ trẻ khi mà thừa cân, béo phì để lại những hệ lụy to lớn – đó là gây nguy cơ tiểu đường, tim mạch khiến HS không đủ thể chất học tập tốt.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nói thừa cân, béo phì là căn bệnh thời đại bởi nó lan tràn tại vô số nền kinh tế đang phát triển. Khi điều kiện kinh tế khấm khá, những ông bố bà mẹ đã trải qua thời kì kham khổ lấy “no bụng” cho trẻ là tiêu chí chứng tỏ đã thoát khỏi cảnh nghèo. Con cái bụng có phương phi hơn chúng bạn, da thịt có mượt mà láng bóng hơn con người, mới chứng tỏ gia đình mình đủ đầy sung túc. Đứa trẻ trong những gia đình hiếm con còn là cục cưng của cả ông bà nội ngoại và những người yêu thương thường bày tỏ sự quan tâm chăm sóc con cháu bằng cách nhồi nhét cho trẻ ăn càng nhiều càng tốt.
Thói quen ăn uống của nhiều gia đình cũng đang dần thay đổi khi bữa cơm gia đình với canh rau bị cắt giảm nhường chỗ cho nhà hàng. Trẻ ngày càng có thói quen ăn đồ ăn nhanh giàu chất béo như bánh pizza, gà rán, khoai tây rán, mì Ý…
Sức ép học hành cũng đang tước đi cơ hội vận động vui chơi của trẻ. Ngay cả ở trường, nhiều cô giáo vì “chỉ tiêu” học sinh giỏi mà “chẳng có ý kiến gì” khi trẻ cắm đầu làm bài cả trong giờ nghỉ giải lao hoặc khi buổi học kết thúc. Giao cả đống bài cho học sinh vò đầu bứt tai suốt tối cũng có thể coi là hành động nhẫn tâm tới sức khỏe của trẻ.
Chuyện về tăng cường vận động thể chất cho trẻ cũng là một bài toán không sớm có lời giải. Trong khi đó vận động của trẻ ngày càng ít đi. Tại trường học, nhất là với trẻ mầm non và tiểu học bán trú, nhà trường thường chỉ chú trọng tới chuyện ăn học mà quên đi một yếu tố rất lớn tới sự phát triển của trẻ là vận động thể chất. Thiếu thốn sân chơi tại nhiều trường khiến trẻ không thể chơi đùa chạy nhảy. Lại có nơi cô giáo sợ trách nhiệm không cho trẻ chạy chơi giờ ra chơi lỡ may trẻ ngã lại… mang vạ vào thân!
Những ông bố bà mẹ có con dư cân béo phì muốn cho con học thể thao ngoại khóa sau giờ học để giảm béo khó mà được đáp ứng. Nhiều trường học “ngại” tổ chức lớp học ngoại khóa vì giám hiệu lại gánh thêm công việc quản lí hoạt động ngoài giờ, nguồn thu từ học ngoại khóa cũng chẳng đáng là bao… “Ngại” dạy thể thao cho trẻ cũng phổ biến với các trung tâm thể dục thể thao quận huyện. Các trung tâm này thường đã được “xé lẻ” cho nhiều hoạt động kinh doanh thể thao dành cho người lớn, công tác đào tạo thể thao mang tính phổ cập cho thanh thiếu niên chỉ xếp là thứ yếu và đào tạo thể thao nếu có chỉ dành cho “gà nòi”.
Có thể nói sự bùng phát căn bệnh thừa cân béo phì không chỉ phản ánh khía cạnh ăn uống trong cuộc sống của trẻ mà nó cho thấy sự quan tâm không thích đáng của nhiều bộ phận xã hội tới sức khỏe của thế hệ tương lai.
Theo Đức Duy
(GD&TĐ)

Bình luận (0)