Trời tháng 7, những cơn mưa rào như trút nước. Thời điểm này đáng lẽ cánh nông dân ở ngoại thành và vùng ven TP.HCM phải xuống giống cho mùa lúa chính vụ. Thế nhưng, điều đó giờ đây với một bộ phận nông dân đã hoàn toàn không còn ý nghĩa. Vì với họ, ngày mùa xuống giống dường như đã đi vào lãng quên cách đây 5, 7 năm. Điều này đã biến những thửa ruộng trù phú ven sông Sài Gòn thành những cánh đồng hoang.
Bà Nguyễn Thị Gái ưu tư vì cảnh hoang hóa của ruộng đồng nơi mình sinh sống |
Đất phù sa thành đất hoang
Đưa tay chỉ về cánh đồng hoang vắng, ông Ba Mường, ở ấp 4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn nuối tiếc: “Cánh đồng hàng ngàn héc ta này đã bỏ hoang từ 6, 7 năm nay rồi. Không ai cấy hái hay gieo sạ gì mặc dù đất ở đây được phù sa sông Sài Gòn bồi đắp rất tốt”.
Trước mắt chúng tôi là một cánh đồng hoang vắng, chỉ có lác đác vài người đi cắt cỏ. Chị Nguyễn Thị Gái, người có gần 2ha đất ở cánh đồng này cho rằng, dân trồng lúa thất mùa vì nước của rạch Dừa bị ô nhiễm nặng do các nhà máy, xí nghiệp thải ra từ đầu nguồn. Trồng lúa cứ chết và thất mùa hoài, hết mùa này qua mùa kia, riết rồi nông dân bỏ luôn nghề là vậy.
Cánh đồng thuộc ấp 1, xã Đông Thạnh hiện cũng trong tình cảnh tương tự. “Đất ruộng ở đây cũng tốt lắm, cứ cắm cây gì xuống là chắc ăn cây đó”. Ông Ba Sơn, một lão nông trong xã chia sẻ. “Vậy mà người ta vẫn bỏ ruộng hoang với lý do trồng lúa không còn lãi cao như những năm trước. Ban đầu, một người bỏ hoang, riết rồi cả xóm, cả ấp cũng đồng loạt làm theo”. Từ 5 năm nay, gia đình ông Ba Sơn đã liên tục thay đổi cây trồng từ lúa sang sen, rồi sang trồng dứa, quay lại lúa, rồi lên bờ bao trồng sen lấy ngó… Thế nhưng, ông Ba Sơn vẫn “chào thua” vì không nơi tiêu thụ được những sản phẩm của mình. Ngày nào ông cũng đi tới đi lui tiếc rẻ cho 2,6ha ruộng trong cảnh hoang hóa mà không còn giải pháp nào để cứu chữa.
Hình ảnh những thửa ruộng hoang nối tiếp nhau không chỉ xuất hiện nhan nhản ở Đông Thạnh, Hóc Môn mà còn kéo dài đến cả phường Thới An, Q.12. Mang danh là phường, nhưng thực chất đất nông nghiệp ở đây còn rất lớn. Chẳng hạn như vùng bưng tiếp giáp với xã Đông Thạnh, Nhị Bình là nơi sinh sôi nảy nở của những mảng cây cỏ dại xanh mơn mởn. Ông Nguyễn Văn Thà đau đáu nhớ về quá khứ: “Cách đây hơn 10 năm, hồi chưa thành lập phường, ở vùng này người nào trồng lúa qua được tui? Cứ mỗi năm 3 vụ, bình quân 2ha vụ nào cũng thu về 600-700 trăm giạ lúa. Ngày mùa, lúa về chất đầy nhà, đầy sân thấy mà ham. Còn giờ đây thành dân đô thị, ruộng bỏ hoang, sắp trẻ thì vào nhà xuởng, xí nghiệp đã đành. Đằng này ngữ trung niên, sồn sồn cũng gác cuốc, gác cày đi buôn tần, bán tảo mà tiền chẳng được bao nhiêu. Tui không hiểu sao chúng không về với đồng ruộng? Trong khi giá lúa hiện nay đang tăng vù vù”.
Không khác gì ở Hóc Môn hay Q.12, những cánh đồng hoang cũng xuất hiện ở các xã Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Tân Phú Trung, Phú Hòa Đông… thuộc huyện Củ Chi. Đất ở đây cũng màu mỡ phù sa bởi hệ thống sông Sài Gòn vun đắp. Để kìm hãm làn sóng quay lưng với đồng ruộng, thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã mở rộng hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng chạy xẻ dọc theo các cánh đồng. Thế nhưng, những con đường rút ngắn khoảng không gian giữa đồng cạn, đồng sâu với xóm làng như thế này vẫn “vô tác dụng” trước những người nông dân vốn không còn thiết tha với cây lúa. Gia đình ông Nguyễn Văn Cách, ở ấp 3, Tân Thạnh Tây trước đây nổi tiếng nhờ nghề trồng lúa. Nhưng giờ đây ông phải nói lời chia tay với ruộng đồng. “Lúa ở đây làm không có ăn nữa, phải chuyển đổi hướng canh tác cây khác thôi. Còn cây gì, vốn liếng ra sao thì cần phải được sự hỗ trợ, tư vấn từ Nhà nước và ngành nông nghiệp”, ông Cách tâm sự.
Nhà máy gây ô nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân làm đồng ruộng ở Củ Chi bị hoang hóa |
Hàng ngàn tỷ đồng trôi trên cánh đồng hoang
Quả thật, lời giải thích của những lão nông cả đời sống nhờ vào cây lúa, đồng ruộng không phải là không có cơ sở. Hai kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Sĩ và Nguyễn Anh Khoa, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trong lần về đây hướng dẫn cách phát triển đồng cỏ gắn với chăn nuôi bò sữa cho bà con đã đưa ra lời khuyên: “Nếu cây lúa không còn chỗ đứng nữa thì trước mắt người nông dân nên biến đồng lúa thành đồng cỏ để phục vụ cho đàn bò sữa. Vì trồng cỏ hiện nay có thể mang về lợi nhuận gấp 10-20 lần trồng lúa. Hơn nữa, công sức, vốn liếng bỏ ra cũng không quá nhiều. Nhưng trồng cỏ cũng phải được lên kế hoạch bài bản, trồng loại cỏ gì, trồng thế nào thì người nông dân phải được tư vấn, hướng dẫn. Nếu mạnh ai nấy trồng thì vài ba năm tới, đất này sẽ “chết” thêm lần nữa”.
Đất hoang hóa đang lấn dần, vươn ra mỗi lúc một rộng hơn. Cánh đồng Bàu Cò, xã Tân Thạnh Đông; cánh đồng Cây Da, xã Tân Phú Trung; cánh đồng Bến Mương xã Phú Hòa Đông… huyện Củ Chi cũng tràn ngập năn, cỏ dưới nắng chiều. Hễ bước vào thời điểm những trận mưa ngâu tháng 7 dứt hạt… thì màu xanh đua nhau kéo về trên những cánh đồng hoang này. Đó là màu xanh của dứa gai, của năn, của cỏ dại… Ông Năm Hia, “chuyên gia” nuôi trâu lấy thịt nổi tiếng ở huyện Củ Chi đã chọn những cánh đồng hoang này làm nơi “đóng quân” cho đàn gia súc của mình. Ông Hia cho biết: “Dù có nạo vét kênh mương, chia ngang, cắt dọc hệ thống đường sá nội đồng thế nào đi chăng nữa thì cũng không kéo được người nông dân ra ruộng vào ngày mùa. Có cơ sở hạ tầng tốt, sao không nghĩ đến cây khác: chẳng hạn như cây cỏ, cây rau hay cây ăn trái… Nhất là trong thời điểm hiện nay, con bò sữa đang phát triển, rồi tiếp đến là bò thịt, trâu thịt, dê… Tất cả chúng đang cần những trảng cỏ mênh mông như thế này. Người dân ở đây bây giờ chăn nuôi không còn manh mún như trước đây. Họ dư sức nuôi với quy mô kiểu trang trại, bầy đàn… Mà có đồng cỏ rồi thì xem như thắng lợi đến 80%. Nhưng chuyện này một vài nông dân không thể làm xuể, phải có sự tiếp sức của Nhà nước”.
Ông Ba Mường thì lại ước ao: “Phải chi có được ít vốn, tui sẽ lên đất trồng cây ăn trái. Còn các con mương sẽ kết hợp nuôi cá để thu lợi thay vì cứ để mặc cho năn, cỏ mọc thế này. Tui biết dân ở đây đang phó mặc chờ quy hoạch, chờ Nhà nước mang phố xá về để họ bán đất xây nhà. Nhưng chuyện đó còn xa lắm, biết đến bao giờ?”. “Vậy cần bao nhiêu vốn để có thể hoàn thành mô hình trồng cây ăn trái kết hợp nuôi cá vậy bác?”, chúng tôi thắc mắc. “Khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này với cánh nông dân thì ngoài tầm tay”.
Qua tiếp xúc, nhiều người nông dân ở đây cũng ca cẩm nếu có vốn sẽ chuyển đổi trồng cây lài, câu rau má hay những loại rau nước mà nhu cầu từ phía thị trường của những thứ này đang trong cơn “khát”. Nhiều người đưa ra một phép tính nhẩm đơn giản: hàng năm mỗi héc ta nếu trồng rau muống nước sẽ thu về thấp nhất là 100 triệu đồng, 10ha là 1 tỷ đồng… Mà đất hoang ở đây đến hàng ngàn ha thì mỗi năm nông dân ngoại thành mất hàng ngàn tỷ đồng!
Chia tay với những người nông dân một nắng hai sương, với những cánh đồng một thời “hái” ra tiền nhưng giờ đang lâm vào cảnh hoang hóa, chúng tôi thấy lòng nặng trĩu. Người nông dân ở đây vẫn ngày đêm canh cánh trông về cánh đồng hoang – nơi có những thửa ruộng của họ, để mong chờ sự tiếp sức, sự hỗ trợ về vốn liếng, cho đến việc chuyển đổi cây trồng phù hợp. Nói chung họ đều trong tư thế sẵn sàng chung lưng thay “màu xanh mới” trên cánh đồng “chết”. Thiết nghĩ, chuyện cánh đồng 100 triệu đồng/ha/năm không nằm ngoài tầm tay của người nông dân nơi đây nếu có một hướng đi phù hợp.
Bài, ảnh: Huỳnh Sang
Bình luận (0)