Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường học tại TP.HCM: Rộn ràng mừng ngày Đại lễ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THCS Kim Đồng, Q.5 hoạt động mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long (ảnh chụp ngày 7-10)

Trong những ngày này, dù đi đâu, ở đâu, những ai mang trong mình dòng máu Việt đều cùng nhau hướng về Hà Nội, thủ đô của nghìn năm văn hiến. Hòa chung không khí hân hoan của cả nước đón chào sự kiện đó, nhiều trường học tại TP.HCM cũng rộn ràng tổ chức các chương trình hoạt động với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn…
Phong phú nội dung
Hơn một tháng nay, cứ đều đặn vào thứ ba hàng tuần, những học sinh (HS) tại cơ sở 3 Trường THPT DL Nguyễn Khuyến lại được lắng nghe “đài tiếng nói… học sinh” phát thanh về chủ đề 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Với những bài viết nói về quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các đề tài “phát sóng” đều thu hút được sự quan tâm của “khán, thính giả” trong trường. Để chuẩn bị cho “lịch phát sóng” này, các đoàn viên trong BCH Đoàn trường đã thành lập một đội chuyên đề tìm hiểu về các sự kiện lịch sử, những vấn đề liên quan… Thầy Đặng Thành Trí, TLTN nhà trường cho biết: “Chúng tôi giới thiệu cho HS quá trình hình thành dân tộc bắt đầu từ Lạc Long Quân-Âu Cơ, những cuộc khởi nghĩa oanh liệt trong lịch sử dân tộc, về Lý Công Uẩn và triều đại nhà Lý. Trong tuần cao điểm của đại lễ, HS sẽ được giới thiệu về những địa danh nổi tiếng, truyền thống và con người Hà Nội”. Quả thực, có tới các trường học trong những ngày này mới thấy được sự hào hứng, không khí nô nức của hơn một triệu HS đang sinh sống và học tập trên thành phố mang tên Bác. Từng ngày, từng giờ, các em được nhà trường, thầy cô, phương tiện thông tin đại chúng cung cấp đầy đủ mọi thông tin, diễn biến về ngày đại lễ lịch sử của dân tộc.
Chủ đề “Thủ đô 1.000 năm văn hiến” đã được thầy trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai triển khai từ… năm ngoái. Trong đợt tổ chức hội thi “Sức trẻ Minh Khai” truyền thống năm học trước, BCH Đoàn trường đã sáng tạo bằng cách tổ chức game show các trò chơi dân gian, cho HS trả lời câu hỏi có nhiều nội dung hướng về ngày lễ lớn của dân tộc. “Vào dịp khai giảng năm học mới 2010-2011, chúng tôi đã tổ chức cho HS làm bảng tên lớp mình bằng những biểu tượng, những địa danh hướng về Hà Nội, tổ chức hội trại cho HS khối 10 với tên gọi “Thăng Long trên đất phương Nam hội nhập”. Nhà trường còn tổ chức cho HS các lớp trang trí bảng tin lớp mình những hình ảnh, bài viết về chủ đề mà cả dân tộc đang hướng đến”, thầy Phạm Đăng Khoa, TLTN trường cho biết.
Còn với hàng ngàn HS Trường THPT Bùi Thị Xuân và Chuyên Trần Đại Nghĩa, các em đã có giờ học ngoại khóa bổ ích khi được nghe cô Lê Thị Trúc Anh, Trưởng bộ môn văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV giới thiệu về quá trình hình thành nên miền đất Thăng Long, quá trình dời đô của Vua Lý Công Uẩn, những giá trị truyền thống về văn nhân, văn vật còn tồn tại, lưu truyền đến ngày nay.
Không kém cạnh so với những trường học “lứa trên”, các trường tiểu học, THCS cũng lần lượt tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo HS mình tham gia như hội trại, đố vui, trò chơi dân gian… Hơn một tuần nay, thầy và trò Trường THCS Kim Đồng (Q.5) đều náo nức chuẩn bị cho hội trại tổ chức vào ngày 7-10. Ngoài những tiết mục văn nghệ gợi nhớ về cội nguồn dân tộc, HS trường sẽ được “mục sở thị” hoạt cảnh “Lý Công Uẩn dời đô” và màn múa võ cổ truyền do chính phụ huynh và cựu HS trường thể hiện.
Đậm chất nhân văn
Chính sự tác động tích cực của trường học đã giúp các em hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử, lòng tự hào của mỗi người dân Việt Nam mỗi khi nhớ về cội nguồn dân tộc. Lâm Anh, HS lớp 11C1, trưởng nhóm phát thanh Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết: “Từ khi cùng các bạn tham gia chương trình phát thanh, em có cơ hội được tìm hiểu kĩ hơn về các triều đại, các cuộc chiến thắng vẻ vang trong lịch sử, hiểu hơn về những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc ta. Làm công tác này, em có cảm giác giống như mình đang góp sức cho ngày đại lễ vậy”. Thầy Trần Lung, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (Q.5) cho rằng: “Chúng tôi tổ chức hoạt động này cho HS để nhắc nhở rằng: một nghìn năm tuổi, một thiên niên kỷ không chỉ là thông điệp về bề dày thời gian của thủ đô, mà còn là bằng chứng về một quốc gia đã được xây dựng, giữ gìn trên một nền tảng bền vững. Hà Nội là thủ đô, là trái tim thiêng liêng mà cả dân tộc đang hướng về”.
Cũng trong dịp hưởng ứng sự kiện 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức cho hàng trăm HS các trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố tham gia cuộc thi “tái hiện các nhân vật lịch sử” và ngày hội “lai kinh ứng thí”. Với mục đích giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, các phần thi đã tái hiện thành công hình ảnh những vị anh hùng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, những hội thi truyền thống của dân tộc. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng công tác HSSV Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: ngày hội “lai kinh ứng thí” được tổ chức theo quy mô của cách thi ngày xưa, gồm các phần thi hội (thi theo đơn vị trường), thi hương (thi theo cụm trường) và thi đình (dành cho những HS đã vượt qua 2 kì thi trước đó). Trong số 320 HS được chọn từ 8 cụm trại, hội thi sẽ chọn ra ba gương mặt xuất sắc tương xứng với ba danh hiệu: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. “Cuộc thi này nằm trong phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, HS tích cực”, giúp HS hiểu được giá trị của truyền thống lịch sử, cội nguồn dân tộc. Hầu hết các trường đều tổ chức tốt các hoạt động hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội”, ông Huy nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)