Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sự vươn lên của các trường ngoại thành

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh học nhóm ở Trường THPT Gia Định

Từ kết quả của kỳ thi học sinh giỏi (HSG) cấp thành phố năm 2010 dành cho học sinh khối 12, phần nào thấy rõ việc rút ngắn khoảng cách về chất lượng dạy và học giữa các trường THPT ở khu vực ngoại thành với nội thành.
Vươn lên trong khó khăn
Nhìn về góc độ cơ sở vật chất, thời gian qua một số trường THPT đã được đầu tư nâng cấp hay xây mới, đặc biệt huyện Củ Chi đầu tư khá mạnh cho việc này nên 7 ngôi trường THPT ở đây được xây dựng trên những khu đất rộng và rất bề thế. Tuy nhiên cũng còn không ít trường phải học nhờ trường khác như THPT Hiệp Bình (quận Thủ Đức) hơn 5 năm qua phải mượn toàn bộ cơ sở phòng học của Trường tiểu học Hiệp Bình để dạy và học. Khó khăn hơn là Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú), thầy trò phải mượn cơ sở vật chất của hai trường THCS để dạy và học. Còn đối tượng học sinh đầu vào của trường gần như “cho gì nhận đó”. Trường THPT Phú Hòa (huyện Củ Chi) là trường hầu như tiếp nhận toàn học sinh có học lực “tận cùng”. Khó khăn chồng chất, nhưng kết quả đào tạo của những trường này chưa hẳn đã thấp. Trong kỳ thi học sinh giỏi năm 2010, Trường THPT Tây Thạnh xếp hạng 25/80 với 9 học sinh đạt danh hiệu HSG cấp thành phố. Với thứ hạng này, nhà trường vượt qua rất nhiều trường THPT nằm ở khu vực nội thành và trung tâm. Thầy Lê Văn Anh, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Đó là mọi nỗ lực của giáo viên và học sinh, chúng tôi hiểu sự khó khăn của mình nên đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải cố gắng hơn. Kết quả này ít nhiều đã động viên thầy trò nhà trường, bên cạnh đó còn nhắc nhở chúng tôi cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa…”. Thầy Phan Hiếu Sinh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Phú Hòa phấn khởi bày tỏ: “Trường THPT Phú Hòa có 8 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố trong kỳ thi HSG diễn ra vào đầu tháng 3-2010 và nhà trường được xếp hạng 30. So với những trường khác, kết quả này chưa thể sánh bằng. Tuy nhiên đó là thành quả đáng khích lệ của trường chúng tôi”.
Kéo ngắn khoảng cách
Kỳ thi HSG cấp thành phố năm 2010 có 80 trường THPT nằm trên địa bàn TP.HCM đăng ký tham gia, trong đó có 6 trường THPT tư thục. Kết quả cho thấy, có 65 trường THPT có học sinh đạt danh hiệu HSG cấp thành phố, trong đó Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đứng đầu danh sách (400 học sinh). Kế tiếp vẫn là các trường có truyền thống bồi dưỡng HSG như: Chuyên Trần Đại Nghĩa, PT Năng Khiếu, Gia Định, Nguyễn Thượng Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Trung Phú, Trần Phú… Tuy nhiên, điều gây không ít sự nể trọng là một số trường THPT nằm ở những khu vực khó khăn, xa xôi lại có kết quả rất tốt. Cụ thể như: Một học sinh Trường THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) đạt hạng II môn toán và một em khác cũng đạt hạng II môn văn; Trường THPT Đa Phước (huyện Bình Chánh) có một em đạt hạng III môn hóa; Trường THPT Ngô Quyền được 14 HSG, trong đó có một em đạt hạng III môn toán, một em đạt hạng I, một em đạt hạng II và 2 em đạt hạng III môn hóa; Trường THPT An Lạc (quận Bình Tân) có một em đạt hạng II và ba em đạt hạng III môn hóa; Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) 9 em đạt giải, trong đó có một em đạt hạng I môn hóa và một em đạt hạng II môn toán; Trường THPT Hiệp Bình (quận Thủ Đức) có bốn em đạt giải… Trong khi đó, nhiều trường THPT nằm ở trung tâm thành phố với cơ sở vật chất tương đối tốt, điểm tuyển sinh đầu vào cũng khá cao nhưng kết quả lại không cao. Thậm chí có trường không có học sinh nào đạt danh hiệu HSG. Điều đó phần nào giúp chúng ta xem lại công tác bồi dưỡng hạt nhân của các trường này? Hiệu trưởng một trường THPT nói: “Số HSG cấp thành phố (cả số lượng và thứ hạng) năm nay của trường chúng tôi giảm. Đó là điều bắt chúng tôi phải suy nghĩ. Chúng ta phải trân trọng và biểu dương những trường ngoại thành và những trường khó khăn có nhiều học sinh đạt danh hiệu HSG”.
Thành quả nào cũng được tạo ra từ sự đầu tư của tập thể cùng những nỗ lực và cố gắng của cá nhân. Tạo ra thành quả đã khó, nhưng để gìn giữ và phát huy nó chắc chắn còn khó hơn.
Bài, ảnh: T.T.Q

Bình luận (0)