Quyết định 20/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010” đã đề ra những chỉ tiêu cụ thể: 15-17% trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ; trên 50% học sinh THPT đi học đúng độ tuổi; 23% lao động qua đào tạo nghề; bình quân 150 sinh viên/vạn dân. Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu ĐBSCL đạt được còn rất thấp…
Từ THPT đến ĐH chất lượng đều yếu kém
Là trung tâm của ĐBSCL lại có Trường Đại học Cần Thơ là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia với hơn 60 ngành đào tạo. Bên cạnh đó, chỉ vài năm trở lại đây, hàng loạt trung tâm dạy nghề, trường trung cấp cũng được nâng cấp thành trường trung cấp, cao đẳng như: Trường Trung cấp Nghề Thới Lai, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ Thuật Cần Thơ, Trường Cao đẳng Y tế… Toàn thành phố, có đến 8 trường trung cấp chuyên nghiệp, 4 trường cao đẳng, 3 trường đại học và một trung tâm đại học tại chức. Vậy mà, TP. Cần Chơ cũng chỉ có 90 sinh viên/vạn dân, cao hơn các tỉnh khó khăn khác trong vùng chỉ có 5 sinh viên. Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo tâm huyết trong vùng thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ít sinh viên học đại học, cao đẳng là do chất lượng giáo dục phổ thông thấp. Điều này được minh chứng qua các hội thi cấp quốc gia, tỉ lệ học sinh đạt giải của học sinh ĐBSCL luôn thấp hơn các đơn vị khác. Chất lượng giáo dục phổ thông và kết quả tốt nghiệp tuy có tăng nhưng số lượng học sinh đậu vào đại học, cao đẳng không nhiều. Qua các năm tuyển sinh cho thấy, điểm chuẩn của các trường đại học, cao đẳng ở ĐBSCL luôn thấp hơn các trường cao đẳng, đại học ở các vùng, miền khác. Theo thống kê của Trường Đại học An Giang và một số trường cao đẳng, đại học ở vùng ĐBSCL thì ở hầu hết các ngành, trường chỉ có thể tuyển được khoảng 65% nguyện vọng 1, còn lại phải tuyển nguyện vọng 2. Khi Bộ GD-ĐT thống kê điểm thi tuyển sinh năm 2009 của các vùng miền, ĐBSCL chỉ có 58,8% thí sinh khối A đạt từ 13 điểm trở lên – điểm sàn khối A. Trong khi đó, tỉ lệ này của vùng Đông Nam bộ là 89,1%, miền Trung và Tây Nguyên là 88,9%, còn Đồng bằng sông Hồng là 85,68%. Ở các khối khác, sự chênh lệch cũng tương tự. Ông Lê Hoàng Tươi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang nói: “Những thống kê về điểm thi đại học của ĐBSCL và các vùng miền khác cho thấy có sự chênh lệch khá rõ rệt. Đó là sự chênh lệch về chất lượng giáo dục phổ thông”.
Người dân xem nhẹ việc học
Đời sống người dân ở ĐBSCL tuy đã được nâng lên đáng kể nhưng vẫn còn một bộ phận dân cư chưa quan tâm đến việc học. Nguyên nhân là do không học, làm nông phụ gia đình vẫn có thể đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, không ít trường hợp nghèo khó dẫn đến bỏ học. Tuy nhiên, thực trạng đáng báo động của giáo dục ĐBSCL là tình trạng học sinh bỏ học vì học yếu chứ không phải do nghèo khó. Nhất là khi ngành giáo dục thực hiện chủ trương học thật – thi thật. Nhiều học sinh không theo kịp chương trình nên chán rồi bỏ học. Tính đến trung tuần tháng 11-2009, tỉnh Bạc Liêu có 6.000 học sinh bỏ học. Ngoài nguyên nhân cố hữu do nhà nghèo, còn do học sinh học kém nên bỏ học, nhất là khi thi cử được siết chặt như hiện nay. Nhiều cán bộ quản lý cho rằng: “Chúng tôi không sợ học sinh bỏ học vì khó khăn bởi các trường, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân sẵn sàng giúp các em. Các em thiếu tập sẽ được hỗ trợ tập, không có tiền đi đò sẽ được hỗ trợ tiền đò… Sợ nhất là những trường hợp bỏ học vì học yếu nên nản và không biết học để làm gì”. Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, tâm sự: “Một bộ phận phụ huynh vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học nên thường cho con em nghỉ học để phụ việc nhà hoặc theo bạn bè vào các khu công nghiệp làm việc”.
Chất lượng giáo dục phổ thông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Một công thức chung cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông yếu kém sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của toàn vùng. Đó là khi ngành giáo dục các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cho ra lò những học sinh có kiến thức không vững vàng thì các trường cao đẳng, đại học sẽ không thể đào tạo ra những con người bản lĩnh, năng động và có kiến thức chuyên môn tốt để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL đầy tiềm năng. Nhiều sinh viên không theo kịp chương trình học do hổng kiến thức cơ bản từ bậc phổ thông. Khi giảng viên thực hiện các phương pháp giảng dạy mới, sinh viên không theo kịp. Từ đó, các trường cao đẳng, đại học lại cho “ra lò” nhiều cử nhân, kỹ sư không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Bảo Ngọc
Bình luận (0)