Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IX: Chủ động hơn trong việc bảo vệ nhà báo

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Đinh Thế Huynh tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015

Các nhà báo bỏ phiếu bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới tại đại hội.Ảnh: T.T

Ngày 12-8, tại Hà Nội, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IX đã diễn ra với sự tham dự của hơn 400 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí của cả nước.
Trên 17.000 hội viên
Theo báo cáo của đại hội, hiện cả nước có 17.763 nhà báo – hội viên. Trong nhiệm kỳ qua, có 5.607 hội viên được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam và 45 tổ chức hội mới được thành lập. Báo cáo cũng chỉ rõ, nhiệm vụ của báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới rất vinh quang, nhưng cũng rất nặng nề. Báo chí Việt Nam tiếp tục phấn đấu vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể quần chúng, vừa là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời báo chí có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc định hướng dư luận xã hội vạch trần âm mưu phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch; tuyên truyền, quảng bá văn hóa dân tộc, những thành tựu mọi mặt của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận xã hội, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước trên thế giới. Để làm tốt những nhiệm vụ đó, báo chí phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, tăng cường tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và nhu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc. Báo chí phải coi trọng việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực; khắc phục những yếu kém, khuyết điểm… Trách nhiệm đặt ra đối với Hội Nhà báo các cấp là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết, động viên, giáo dục, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ những người làm báo Việt Nam.
Chủ động hơn trong việc bảo vệ nhà báo
Thời gian vừa qua, nhiều nhà báo trong quá trình tác nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Chính vì vậy, bảo vệ quyền lợi hành nghề hợp pháp của nhà báo cũng là chủ điểm mà đại hội hướng đến. Trong phiên họp trù bị, những vấn đề tiêu cực có nhiều diễn biến phức tạp, báo chí ngày càng tấn công mạnh mẽ vào lĩnh vực này thì phản ứng bất cộng tác, cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo có xu hướng gia tăng. Nhà báo Nguyễn Quang Thống – Ủy viên Thường trực Thường vụ kiêm Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ thì từ cuối năm 2005 đến nay, toàn quốc xảy ra hơn 25 vụ cản trở, hành hung nhà báo. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, tình trạng này có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đa số các vụ hành hung xảy ra với phóng viên đi điều tra chống tiêu cực, trong khi tác nghiệp tại hiện trường hoặc sau khi sự việc đã kết thúc, bị các đối tượng xấu phát hiện, thuê côn đồ trả thù. Tuy Hội Nhà báo đã có những động thái tích cực trong việc giải quyết, yêu cầu xử lý nghiêm những đối tượng phạm pháp, nhưng cũng còn một vài vụ tồn đọng chưa giải quyết được do nằm ngoài thẩm quyền và khả năng của Hội Nhà báo Việt Nam, nhất là lại phụ thuộc vào kết quả điều tra của các cơ quan có trách nhiệm khác. Khó khăn này đặt ra yêu cầu đối với tổ chức Hội Nhà báo ở trung ương và địa phương cần chủ động hơn trong việc bảo vệ nhà báo, cố gắng phòng, tránh để xảy ra các vụ việc rồi mới can thiệp hoặc để sự việc kéo dài mà chưa dẫn đến hồi kết. Cần có chương trình đưa việc bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo ra để xã hội và các cơ quan chức năng đều biết, và hiểu rõ, bù lấp khoảng trống nhiều người còn chưa biết thế nào là xâm phạm quyền tác nghiệp của nhà báo. Nhà báo Phan Ngọc Thường Đoan – Báo Văn Nghệ TP.HCM cho rằng: Phóng viên hiện phải tự bơi rất nhiều, rất cần được sự chỉ đạo và ủng hộ của các cơ quan đầu ngành thì mới phát triển được. Các hội cơ sở phải năng động, chứ lập ra chỉ để ngồi đó thì hết nhiệm kỳ mọi thứ lại y như cũ.
Bên cạnh đó, các vấn đề khác cũng được đề cập tới tại đại hội lần này. Cụ thể, ngoài những thành tựu của báo giới cả nước và thành quả trong công tác hội, đại hội lần này sẽ tập trung phản ánh và lý giải, bàn hướng khắc phục các hạn chế trong nhiều mặt hoạt động của hội. Có ý kiến đề cập đến việc quảng cáo quá nhiều hay việc một số báo ra đời ấn phẩm phụ bị tư nhân lợi dụng, những tác động của xã hội cũng gây khó khăn cho báo chí. GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết thêm, một số ý kiến cảnh báo thực tế ngôn ngữ báo chí đang bị làm hỏng và kiến nghị hội phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cũng được nhiều đại biểu quan tâm và kiến nghị hội cần nâng cao hơn nữa vai trò, sự chủ động, sáng tạo của mình. Hội phải thường xuyên hơn trong việc tổ chức học tập, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng cho các nhà báo, tăng cường các mối quan hệ với quốc tế để mở rộng hướng tiếp cận cho báo chí trong nước.
Chiều 12-8, đại hội ra mắt Ban chấp hành mới và bế mạc. Theo đó, Ban chấp hành gồm 51 người trong đó có 11 người là ủy viên thường vụ. Ông Đinh Thế Huynh tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015.
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Vvới chức năng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, báo chí cần nỗ lực phấn đấu để góp phần nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, cổ vũ sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc… Muốn thế, nội dung thông tin báo chí cần trung thực, khách quan, phong phú, nhiều chiều. Trước những vấn đề mới, phức tạp, hoặc những sự kiện lớn, quan trọng trong nước và quốc tế, cần có phân tích, bình luận sắc sảo, thuyết phục nhằm hướng dẫn nhận thức, dư luận xã hội một cách đúng đắn theo quan điểm, đường lối của Đảng. Tích cực biểu dương, cổ vũ, cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp; phê phán, lên án những thói hư, tật xấu, các hiện tượng tiêu cực, suy thoái về lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Đồng thời kiên quyết đấu tranh bãi bỏ những luận điểm sai trái, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Ở đây đòi hỏi người làm báo phải có đủ bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp”.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)