Trong khi ngày khai giảng cho năm học mới ở bậc mầm non đã gần kề thì nỗi lo lắng vì trường lớp quá tải của giáo viên Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) lại tăng lên. Cô Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Năm học rồi, điểm chính của trường có đến 120 cháu bán trú, nhu cầu thì nhiều nhưng trường không thể nhận thêm vì quá tải”. Điểm chính của Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ đặt tại trung tâm thị trấn trên diện tích 255m2, nhỏ, hẹp và chật chội, ngoài 120 cháu, còn có hơn 20 cô giáo, bảo mẫu, ban giám hiệu… Theo cô Lan thì cơ sở vật chất của trường hiện tại được xây dựng từ những năm 1950 và là nhà đèn ngày trước, được cải tạo thành trường học. Nơi ăn, ngủ của trẻ là mái nhà tiền chế, mùa mưa rất ẩm thấp. Tuy nhiên, điều mà giáo viên lo nhất chính là toàn trường chỉ có một nhà vệ sinh nên thường xuyên bị ngập, nghẹt… Điểm chính đã vậy, 4 điểm lẻ với hơn 200 học sinh của trường cũng phải học nhờ các điểm trường tiểu học!
Tình trạng trên cũng xảy ra ở nhiều trường, lớp ở quận Ô Môn. Theo ông Âu Minh Chí, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ô Môn thì ngành cũng rất lo cho cơ sở vật chất trường lớp ở bậc học mầm non. Ngoài 2 trường đạt chuẩn quốc gia, các trường mầm non, mẫu giáo còn lại của quận đều nhỏ, hẹp, ẩm thấp và có rất nhiều điểm lẻ phải học nhờ điểm trường tiểu học, nhà dân, nhà thông tin… Cô Đào Thị Đợi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thới An (Q.Ô Môn), cho biết: “Trường có 12 điểm lẻ và 1 điểm chính thì chỉ có 4 điểm là của trường, còn lại, trường phải mượn phòng học của trường tiểu học, mượn nhà dân, mượn nhà thông tin và mượn nhà khánh tiết của Đình Thới An để làm lớp học”.
Ở quận Cái Răng, Trường Mẫu giáo Thường Thạnh cũng rơi vào trường hợp tương tự nhưng còn khổ hơn vì không có cơ sở vật chất riêng của mình. Điểm chính và các điểm lẻ của trường đều mượn của trường tiểu học, mượn nhà dân, nhà thông tin làm lớp học.
Đối với bậc học mầm non, qua khảo sát thực tế hiện nay không riêng gì ở Cờ Đỏ, Ô Môn, Cái Răng mà hầu hết các quận, huyện ở TP.Cần Thơ đều còn ngổn ngang khó khăn. Thậm chí tại các quận trung tâm, trẻ phải học trong các nhóm trẻ gia đình thiếu thốn, chật chội. Còn ở các quận vùng ven thì học nhờ, học gửi ở những nơi phòng ốc ọp ẹp, thiếu ánh sáng, không đủ chuẩn. Nhiều lớp học được tổ chức ngay trên hàng ba, hành lang của nhà dân… Với những nơi như thế này thì thử hỏi giáo viên làm sao có thể tổ chức một lớp học được đàng hoàng?
Thực trạng trẻ mầm non học nhờ, ở đậu đã tồn tại từ nhiều năm nay ở Cần Thơ nhưng cho đến giờ vẫn chưa được khắc phục. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thì: “Mục tiêu của đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi” là huy động hầu hết trẻ 5 tuổi tới trường và được học 2 buổi/ ngày theo chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới. Từ nay đến năm 2012, phải có 35-40 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập quốc gia. Đến năm 2015 thì các tỉnh, thành còn lại phải đạt chuẩn phổ cập”. Đồng thời trong hội nghị giao ban trực tuyến ngày 10-8, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo: “Các địa phương phải đưa nội dung phổ cập GDMN đối với trẻ 5 tuổi vào nghị quyết đại hội Đảng. Từ nay đến tháng 9-2010, phải quy hoạch đất xây dựng trường không chỉ cho trẻ 5 tuổi mà cả trẻ 3, 4 tuổi. Từ nay đến hết quí 4 phải đưa ra được các chính sách liên quan đến giáo viên trình Chính phủ”… Nhưng xem ra với trường lớp thiếu thốn, chắp vá và ọp ẹp thế này thì TP.Cần Thơ rất khó khăn trong việc phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi như chủ trương đề ra.
B.Ngọc
Bình luận (0)