Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan gian hàng triển lãm về du lịch tại Hà Nội sáng 17-8 |
Sáng 17-8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội. Sau hơn 2 năm kể từ hội thảo lần 1 được tổ chức tại TP.HCM, chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã có chuyển biến nhưng chưa có bước đi đột phá, trong khi đó, những khó khăn vẫn chỉ là những khó khăn đã được nói tới cách đây hai năm.
Nhu cầu nhiều
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trần Chiến Thắng, đến năm 2015, ngành du lịch cần khoảng 620 ngàn lao động du lịch trực tiếp, bình quân mỗi năm tăng 8%. Đến 2020, sẽ cần 870 ngàn lao động trực tiếp, tăng 7%. Đối với lao động gián tiếp, đến 2015 ngành du lịch cần 1,5 triệu đến 1,7 triệu lao động. Đến năm 2020 con số này là 2,2 triệu. Trong khi đó, hiện nay, cả nước có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch gồm 62 trường ĐH, 80 CĐ, 117 trường trung cấp, 2 công ty và 23 trung tâm. Hiện tại, cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch và liên quan, chiếm khoảng 2,5% lao động cả nước. Trong số này chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% là chưa qua đào tạo. Đánh giá về những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL khẳng định trong thời gian qua công tác đào tạo nhân lực cho ngành VH-TT-DL theo nhu cầu xã hội đã được đẩy mạnh thêm một bước trên phạm vi cả nước đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Nhiều nhân tố mới xuất hiện; nhu cầu nhân lực du lịch cũng có những thay đổi, nhất là sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu du lịch hồi phục; đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội cũng có nhiều thay đổi, do vậy tập trung đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội trong bối cảnh mới là việc cần thiết và cần phải triển khai ngay.
“Cung” vẫn còn yếu
Năm 2010, Việt Nam sẽ đón lượt khách quốc tế thứ 5 triệu. Đó là dự báo lạc quan mà Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch đưa ra). Đây là một tín hiệu mừng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với ngành du lịch. Thứ trưởng Trần Chiến Thắng cho biết, danh mục ngành nghề đào tạo phục vụ ngành du lịch còn quá ít và lạc hậu. Hiện mới chỉ đào tạo 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và liên quan đến du lịch. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo mới ở các trường và đào tạo lại, bồi dưỡng ở các cơ quan, doanh nghiệp, mặc dù đã được đầu tư xây dựng, trang bị mới và nâng cấp nhưng vẫn thiếu, không đồng bộ, nhất là ở các cơ sở đào tạo mới tham gia vào đào tạo du lịch. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên du lịch hạn chế về số lượng, chất lượng. Đặc biệt, thiếu giáo viên tay nghề cao. Số giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ không nhiều. Phương pháp đào tạo nặng về lý thuyết, độc thoại. Lực lượng giáo viên cơ hữu mỏng và rất khác nhau giữa các trường. Các trường ngoài công lập và trường mới thành lập có mở ngành du lịch tỷ lệ giáo viên cơ hữu rất thấp, thường dưới 50%. Khắc phục những hạn chế liên quan đến đào tạo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng các hiệp hội hiệu trưởng cần đưa ra đề xuất những đào tạo đặc thù của ngành du lịch như Việt Nam cần phát triển ngành nào, chương trình khung như thế nào, có đặc thù gì về quy chế tuyển sinh không? Đối với vấn đề ngoại ngữ, hiện bộ đang triển khai đề án 1400 về đổi mới dạy ngoại ngữ trong toàn hệ thống giáo dục Việt Nam, đặc biệt là ngành du lịch. Thứ trưởng Ga cũng khẳng định, hiện nay đào tạo ngoại ngữ không phải là hạn chế nhưng hạn chế là trình độ đầu vào sinh viên quá khác nhau. Có sự chênh lệch lớn nên tổ chức học rất khó khăn. Hiện nay một số trường đã phân loại đầu vào để tổ chức lớp học ngoại ngữ phù hợp.
Dự báo về “tương lai” của ngành du lịch, TS. Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng hiện nay, ngành du lịch đang có những “toan tính” đổi mới theo xu hướng chuyển dần phát triển về chất, sẽ chủ yếu dựa vào đầu tư chiều sâu, khai thác yếu tố con người (nhân lực chất lượng cao) để tăng hàm lượng tri thức và công nghệ cao tiếp sức cho phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết Chính phủ quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của đất nước. Muốn vậy, để đáp ứng nhu cầu xã hội, mỗi cơ sở đào tạo phải có một phòng quan hệ với doanh nghiệp, mỗi cơ sở du lịch sẽ là một vệ tinh của nhà trường.
Bên cạnh hội thảo còn có triển lãm, giới thiệu quảng bá các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo; ký kết các thỏa thuận liên kết đào tạo…
Bài, ảnh: Nghiêm huê
Bình luận (0)